Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

  • 09:38 | Thứ Ba, 11/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn bởi những tác động của thị trường, như: Giá nguyên liệu tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng; giá sản phẩm, thành phẩm là thịt và các sản phẩm sơ chế, chế biến từ thịt thấp... Ngoài ra, ngành chăn nuôi còn phải đối phó với nguy cơ từ dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. 
 
Theo nhận định, nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh thời gian tới là rất lớn, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, các ngành chức năng, địa phương, người chăn nuôi đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (PCDB)…
 
Trang trại chăn nuôi lợn của ông Hồ Thanh Hải (xã Cự Nẫm, Bố Trạch) luôn duy trì thường xuyên 200 con lợn nái, 1.500 con lợn thịt; bình quân mỗi năm bán gần 5.000 con lợn thịt, với tổng giá trị hơn 25 tỷ đồng.
 
Theo chia sẻ của ông Hải, trang trại nuôi lợn của ông được đầu tư xây dựng từ năm 2015 với 4 dãy hệ thống chuồng trại theo thiết kế và công nghệ nuôi lợn của Thái Lan với máy làm mát, máng uống tự động, máng ăn bán tự động, hầm biogas và bảo đảm vệ sinh môi trường. Mấy năm gần đây, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên trang trại gặp rất nhiều khó khăn. Trong 2 năm qua, mỗi năm trang trại thua lỗ hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, trang trại vẫn duy trì nuôi lợn, do được sự hỗ trợ vốn tín dụng của đơn vị cung cấp thức ăn…
 Đàn vịt gần 5.000 con được ông Tạ Công Ngọc chọn giống kỹ càng.
Đàn vịt gần 5.000 con được ông Tạ Công Ngọc chọn giống kỹ càng.
“Mấy năm qua, nhờ làm tốt công tác PCDB cho đàn lợn, nên trang trại không có dịch bệnh xảy ra. Hiện, các biện pháp PCDB luôn được gia đình đặt lên hàng đầu, như: Tiêm các loại vắc-xin kịp thời cho đàn lợn, kiểm soát người ra vào trang trại, phun tiêu độc khử trùng… Đặc biệt, với các phương tiện, người đến mua lợn, cung cấp thức ăn hàng ngày, trang trại thực hiện theo quy trình khử khuẩn, cách ly 2 tiếng trước khi vào trang trại…”, ông Hồ Thanh Hải thông tin.
 
Trang trại chăn nuôi của ông Tạ Công Ngọc (xã Thanh Thủy, Lệ Thủy) có quy mô rộng 9ha, được đầu tư xây dựng từ năm 2004. Trước đây, trang trại của ông chỉ chăn nuôi lợn với quy mô từ 200-300 con lợn thịt. Nhưng do thua lỗ, dịch bệnh nên ông từ bỏ. Năm 2005, ông Ngọc chuyển sang đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi gà, vịt, ngan. 
 
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro, nhất là vấn đề dịch bệnh, năm 2022, gia đình ông Ngọc đầu tư xây dựng lại chuồng trại khép kín, có làm giàn mát, hệ thống thức ăn và nước uống tự động cho vật nuôi. Đến nay, trang trại của ông đã có hơn 20.000 con gà, vịt, ngan; mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Sản phẩm của trang trại làm ra được các thị trường ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đón nhận…
 
“Đầu tháng 4/2023, tôi mới đưa vào nuôi lứa vịt mới với số lượng gần 5.000 con. Việc chọn con giống ở trang trại được cân nhắc rất kỹ lưỡng, giống phải được lấy từ những đơn vị có uy tín. Trang trại chăn nuôi của gia đình có 4 chuồng nuôi gà, vịt được đầu tư cải tạo theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Mỗi chuồng có diện tích hơn 500m2 với chi phí đầu tư gần 400 triệu đồng. Đặc biệt, công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi luôn được tiến hành theo đúng khuyến cáo của ngành thú y. Hàng tuần, trang trại đều tiến hành tiêu độc khử trùng thường xuyên và hạn chế người ra vào…”, ông Tạ Công Ngọc cho hay.
 
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Công Tám cho biết, năm 2022, trên địa bàn tỉnh, bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng và cúm gia cầm xảy ra làm 2.006 con gia súc và 7.100 con gia cầm mắc bệnh. Trong đó có 1.729 con lợn và 7.100 con gia cầm buộc tiêu hủy do dịch bệnh.
 
Trong 3 tháng đầu năm 2023, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 4 hộ/3 thôn/3 xã thuộc hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa làm 202 con lợn buộc tiêu hủy với trọng lượng là 7.783kg. Trong đó, tại xã Quảng Đông (Quảng Trạch) có 2 hộ chăn nuôi với 109 con lợn mắc bệnh, buộc tiêu hủy với trọng lượng 3.253kg, đến nay đã qua 21 ngày và công bố hết dịch; tại thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) có 1 hộ chăn nuôi với 88 con lợn mắc bệnh, buộc tiêu hủy với trọng lượng 4.245kg; tại xã Lê Hóa (Tuyên Hóa) có 1 hộ chăn nuôi với 5 con lợn mắc bệnh, buộc tiêu hủy với trọng lượng 285kg. Hiện nay, thị trấn Đồng Lê và xã Lê Hóa (thời điểm ngày 6/4/2023) dịch bệnh chưa qua 21 ngày…
 
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh ở các địa phương chủ yếu do lợn giống mua từ các thương lái ở địa bàn khác về để chăn nuôi nhưng không cách ly, theo dõi; các cơ sở chăn nuôi chưa kiểm soát được các nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh…
 
Nhận định nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh là rất lớn, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi (hiện có 2 ổ dịch đến nay vẫn chưa qua 21 ngày); bệnh cúm gia cầm đang xảy ra trong vùng Bắc Trung bộ, có nguy cơ lây nhiễm và gây bệnh cho người.
 
Để chủ động PCDB gia súc, gia cầm, thủy sản, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm phát triển chăn nuôi hiệu quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh, một số giải pháp đã được Ban Chỉ đạo PCDB động vật (ĐV) đưa ra, đó là: Nâng cao chất lượng con giống và công tác tiêm phòng vắc-xin; tăng cường giám sát dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển ĐV, sản phẩm ĐV; tuyên truyền, vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh, nghi mắc bệnh; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; khuyến khích xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh ĐV…
 
Mặt khác, cần giám sát tình hình dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý khi mới phát hiện, hạn chế lây lan ra diện rộng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển ĐV, sản phẩm ĐV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
 
Năm 2022, các địa phương đã tiêm 29.535 liều vắc-xin viêm da nổi cục, đạt 28%; 70.396 liều vắc-xin lở mồm long móng trâu, bò, đạt 34%; 78.679 liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò, đạt 37%; 1.148.650 liều vắc-xin cúm gia cầm, đạt 26%; 117.523 liều vắc-xin dịch tả, tam liên lợn, đạt 45%. 
 
Kết quả tiêm phòng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch, chưa đủ đáp ứng miễn dịch. Bởi, chính quyền một số địa phương triển khai chưa đồng bộ, quyết liệt, đang giao hẳn cho lực lượng thú y; hệ thống thú y cấp huyện không còn nên hạn chế trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát tiêm phòng; nhận thức của một số cơ sở chăn nuôi và công tác tiêm phòng vắc-xin còn hạn chế, còn chờ, ỷ lại sự hỗ trợ vắc-xin của Nhà nước...
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

(QBĐT) - Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, anh Ngô Thùy Linh, thôn Đồn, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) "bén duyên" với mô hình chăn nuôi tổng hợp. Từ sự cần cù, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, anh đã thành công với mô hình chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chăm sóc khách hàng sử dụng dịch vụ thuê quản lý vận hành lưới điện

(QBĐT) - Thời gian qua, Điện lực Quảng Trạch chú trọng chăm sóc khách hàng sử dụng dịch vụ thuê quản lý vận hành lưới điện.

Gian nan vận hành lưới điện lên xã Trường Sơn

(QBĐT) - Quản lý, vận hành an toàn lưới điện lên xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh) là một nhiệm vụ khó khăn, vất vả, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của những cán bộ, công nhân Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung-Trường Sơn (thuộc Điện lực Đồng Hới).