Tăng cường công tác phối hợp kiểm soát thị trường

  • 14:06 | Thứ Sáu, 17/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) luôn chú trọng công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin cũng như phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường. Qua đó nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Năm 2022, tình hình vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả mạo sở hữu trí tuệ; vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, lĩnh vực giá, đăng ký kinh doanh… trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra với nhiều diễn biến tương đối phức tạp. Lợi dụng tâm lý mua hàng giá rẻ của một bộ phận người dân, các đối tượng nhập nguồn hàng trôi nổi có giá thành thấp, sau đó len lỏi đưa vào địa bàn để tiêu thụ. Hàng hóa vi phạm được phát hiện tập trung ở các nhóm hàng: Thời trang (quần áo, giày dép, túi xách…), mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, phụ tùng ô tô-xe gắn máy, các loại thiết bị điện tử dân dụng, máy vi tính, điện thoại di động, thiết bị điện lạnh đã qua sử dụng, đồ chơi trẻ em…
 
Bên cạnh đó, nắm bắt xu hướng vận động, phát triển mạnh mẽ của phương thức thương mại điện tử (TMĐT) và các ứng dụng mạng xã hội hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số đem đến rất nhiều ưu thế, thuận tiện, phù hợp với xu thế phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, nhiều đối tượng đã lợi dụng phương thức TMĐT làm phương tiện, thủ đoạn thực hiện hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như nhiều hành vi gian lận thương mại khác. Việc sử dụng phương thức kinh doanh này dễ dàng che giấu thông tin về địa điểm kinh doanh, vị trí kho chứa hàng nên dễ lẩn tránh các hoạt động theo dõi, giám sát. Vì vậy giảm thiểu được nguy cơ bị các lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra, và xử lý vi phạm.
Cục QLTT Quảng Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh) khám xét nhà ở của đối tượng vận chuyển, tàng trữ pháo.
Cục QLTT Quảng Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an tỉnh) khám xét nhà ở của đối tượng vận chuyển, tàng trữ pháo.
Nhằm kiểm soát tốt tình hình thị trường, bên cạnh công tác độc lập kiểm tra, kiểm soát, Cục QLTT luôn chú trọng thực hiện công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, sở, ban, ngành tại địa phương. Trong đó, cục luôn chú trọng phối hợp, tham khảo ý kiến chuyên môn của các sở: Tài chính,Y tế, Khoa học-Công nghệ, Thông tin-Truyền thông và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm… trong việc xác định tình trạng, trị giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ để xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt cũng như xác định phương án xử lý tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị xử lý tịch thu.
 
Trên cơ sở thực hiện các quy chế phối hợp đã ký kết, nhất là quy chế phối hợp giữa Cục QLTT với Công an tỉnh về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; quy chế phối hợp giữa Cục QLTT với Cục Thuế tỉnh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm trong lĩnh vực thuế, quản lý, sử dụng hóa đơn và các dấu hiệu gian lận khác về thuế trên địa bàn tỉnh.
 
Bên cạnh đó là quy chế phối hợp giữa Cục QLTT với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận và hàng giả và các quy chế phối hợp giữa các Đội QLTT với các UBND cấp xã, ban quản lý chợ…, trong năm 2022, lực lượng QLTT đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng đóng tại các huyện, thị xã, thành phố để tiến hành kiểm tra, phát hiện 41 vụ vi phạm pháp luật với tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là 10,773 tỷ đồng, trong đó có nhiều vụ việc có trị giá tang vật vi phạm lớn, tính chất phức tạp, nghiêm trọng.
 
Điển hình như, Đội QLTT số 7 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) kiểm tra, phát hiện tang vật vi phạm gồm 2.094 chai rượu các loại do nước ngoài sản xuất nhập lậu với trị giá tang vật tạm giữ ước tính khoảng 1 tỷ đồng. Đội QLTT số 5 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đón dừng phương tiện vận tải để kiểm tra, phát hiện tang vật vi phạm là 33.643 đơn vị sản phẩm là hàng giả, hàng nhập lậu các loại gồm: Thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế với tổng trị giá ước tính trên 7,1 tỷ đồng. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Cục trưởng Cục QLTT ban hành quyết định chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an huyện Bố Trạch xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật…
 
Cũng trong năm 2022, Cục QLTT đã phối hợp cung cấp thông tin cho Sở Công thương về tình hình diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; cung cấp tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh trong những thời điểm có diễn biến phức tạp; ký quy chế phối hợp với Cục Thuế tỉnh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm trong lĩnh vực thuế, quản lý, sử dụng hóa đơn và các dấu hiệu gian lận khác về thuế trên địa bàn tỉnh. Cục cử cán bộ tham gia 3 đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành về các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, công tác phòng, chống dịch Covid-19, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác chuẩn bị đón khách du lịch trong dịp lễ 30/4, 1/5 và mùa du lịch hè năm 2022 trên địa bàn tỉnh do Sở Du lịch thành lập; tham gia đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022 do Sở Y tế thành lập; thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động trên địa bàn tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì…
 
Bên cạnh đó, các Đội QLTT trực thuộc đã thảo luận, bàn bạc, thống nhất ký kết quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với 92 UBND cấp xã và ban quản lý chợ trên địa bàn; cử cán bộ tham gia 26 đoàn kiểm tra do các ngành chủ trì và UBND các huyện, thị xã thành phố thành lập về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu.
Cục QLTT tiêu hủy hàng hóa vi phạm
Cục QLTT tiêu hủy hàng hóa vi phạm
Các Đội QLTT trực thuộc đã kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp; vệ sinh ATTP; kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19; phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, hàng lậu, kém chất lượng, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và việc chấp hành pháp luật về giá; thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng; kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và cơ sở sản xuất thực phẩm nông, lâm, thủy sản; kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động phát hành xuất bản phẩm; kiểm tra các cơ sở kinh doanh động vật hoang dã, các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; thanh tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng… 
 
Để tăng cường hiệu quả hoạt động trong công tác chống buôn lậu, thương mại và hàng giả, thời gian tới, Cục QLTT sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, lực lượng chức năng và các địa phương nhằm chủ động cung cấp, trao đổi thông tin, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chức năng phù hợp với tình hình hiện nay; phối hợp đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh cụ thể, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi, vi phạm, đặc biệt các đối tượng lợi dụng phương thức kinh doanh TMĐT và sử dụng các ứng dụng mạng xã hội hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
 
Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền theo hướng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, gắn công tác thanh tra, kiểm tra với công tác tuyên truyền, vận động toàn dân cùng tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí kịp thời đưa các tin, bài phản ánh hoạt động QLTT và kết quả kiểm tra, xử lý các vụ việc có quy mô lớn, tính chất phức tạp, điển hình để phát huy tác dụng tuyên truyền, răn đe đối với các đối tượng sản xuất, kinh doanh trái pháp luật…
 
                                                                         Vũ Quang Thắng
Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Bình
 

tin liên quan

Biển Nhật Lệ sẵn sàng đón du khách

(QBĐT) - Chuẩn bị cho mùa du lịch biển 2023, UBND TP. Đồng Hới đã chỉ đạo các phòng ban chức năng và địa phương liên quan chỉnh trang các điểm du lịch, trong đó có khu vực bãi tắm Nhật Lệ, sẵn sàng đón du khách.

Giải ngân vốn đầu tư công: Cần những giải pháp đồng bộ

(QBĐT) - Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công cho tỉnh Quảng Bình là xấp xỉ 5,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là hơn 3.378 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hơn 2.100 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm từ thực tế năm 2022, hiện các sở, ngành, địa phương đang tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc để tập trung thực hiện và giải ngân VĐTC bảo đảm tiến độ, hiệu quả.

Khẩn trương phòng, chống bệnh khảm lá sắn

(QBĐT) - Toàn tỉnh đã gieo trồng được 6.587ha sắn. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra điểm của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và báo cáo của các địa phương, bệnh khảm lá đã phát sinh gây hại trên cây sắn trên địa bàn tỉnh.