Khi nông dân làm… công nhân

  • 07:01 | Thứ Tư, 01/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vốn là những nông dân nhưng giờ đây họ đã trở thành những người công nhân thực thụ. Công việc và thu nhập tại chỗ không chỉ mang lại cho họ kế mưu sinh bền vững hơn, mà còn là cơ hội để níu giữ họ ở lại với làng quê, ruộng đồng.
 

1. Vừa dừng chân trước cửa xưởng may Công ty May ADM, tiếng máy may nhịp nhàng, đều đặn vọng ra nơi miền quê thanh bình, yên ả này nghe là lạ. Bước vào xưởng, tiếng máy lại càng ồn ào, nhộn nhịp, gấp gáp hơn. Gọi là công ty, nhưng đây chỉ là một xưởng may gia công nhỏ ở thôn Quảng Hòa, xã Cao Quảng (Tuyên Hóa). Công nhân của xưởng may phần lớn là phụ nữ. Người cắt, người may, người đo cắt vải thoăn thoắt.

Anh Trần Ngọc Minh, Giám đốc công ty cho biết: “Họ đều là nông dân. Nhưng sau một thời gian đào tạo, họ đã thực hiện các công đoạn may công nghiệp như một công nhân may thực thụ. Nhà của họ ở loanh quanh mấy thôn gần đây cả. Nói ngắn gọn là họ vừa là nông dân, vừa là công nhân”.       

Những bàn tay của người nông dân vốn quen với ruộng đồng đã thôi lóng ngóng khi điều khiển máy may công nghiệp.
Những bàn tay của người nông dân vốn quen với ruộng đồng đã thôi lóng ngóng khi điều khiển máy may công nghiệp.

Nguyễn Kim Anh (SN 1997) ở thôn Sơn Thủy, xã Cao Quảng được nhận vào làm công nhân tại đây từ tháng 3/2022. Nhà Kim Anh chỉ cách xưởng may của công ty 1km. Sau một thời gian vừa học vừa làm, giờ đây Kim Anh đã trở thành một thợ may khá giỏi.

Nguyễn Kim Anh kể, với những người phụ nữ đã có gia đình như em, muốn ly nông thì phải ly hương. Còn đã xác định ở lại quê hương sinh sống, lập gia đình thì cả đời làm nông dân. Ở quê không quẩn quanh ruộng đồng, thì cũng không biết làm gì ngoài thửa vườn. Nhà Kim Anh có 3 sào ruộng. Rừng không có. Làm ruộng vườn thì theo mùa vụ, nên phần lớn thời gian nông nhàn, ai thuê gì làm nấy. Trước đây, Kim Anh chủ yếu đi bóc vỏ, vận chuyển thuê keo tràm, mỗi ngày công được trả 150-200 nghìn đồng. Nhưng công việc nặng nhọc, lúc có lúc không, sức khỏe lại yếu, nên tất cả thu nhập của gia đình 4 người đều phụ thuộc vào nghề cơ khí của chồng. Trong khi đó, công việc của chồng làm không phải lúc nào cũng đều đặn.

“Vì vậy, em phải gắng gượng, chịu khó nặng nhọc, "ghé vai" cùng chồng gánh vác việc kiếm tiền nuôi con ăn học. Từ khi vào may ở xưởng, thu nhập gia đình ổn định hơn. Công việc phù hợp, nhẹ nhàng với bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng. Tháng nào có đơn hàng cao và chịu khó tăng ca, thu nhập cũng được hơn 6 triệu đồng. Công việc đều đặn như vậy, chúng em cũng không mong gì hơn. Làm việc gần nhà lại thuận tiện lo cho bố mẹ già, chăm sóc con nhỏ. Lúc mùa vụ vẫn có thể thay ca đổi kíp để theo việc đồng áng”, Kim Anh vui mừng chia sẻ. 
 
2. Nhịp sống hiện đại cùng với nhu cầu việc làm và thu nhập đã “kéo” những người trẻ ở vùng nông thôn ly hương ra thành phố. Họ chấp nhận ra đi vì muốn tìm kế mưu sinh, chứ không hẳn theo xu hướng, phong trào. Bởi từ lâu, thửa ruộng, mảnh vườn đã không còn hấp dẫn để níu giữ họ. Nhưng với nhiều người, những cuộc “thoát ly” đó chưa đủ để bảo đảm cho một cuộc mưu sinh bền vững, một cuộc sống trọn vẹn đủ đầy. Họ đã ra đi để rồi trở về.
 
Trong số những người phụ nữ chúng tôi gặp ở xưởng may của Công ty May ADM có Đinh Thị Hạnh (SN 1990) ở thôn Phú Xuân, xã Cao Quảng. Nơi chôn nhau cắt rốn của Hạnh ở chợ Cuồi, xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa). Cũng giống như những người trẻ khác, học xong cấp 2, Hạnh lên đường “Nam tiến” vào làm công nhân may ở TP. Hồ Chí Minh. Gần 10 năm ở nơi đất khách quê người, Hạnh bảo rằng, ở quê, với mức lương tháng từ 7-8 triệu đồng là rất cao. Nhưng ở thành phố, tất tật mọi sinh hoạt, chi tiêu ăn ở đều cần tiền. Vì vậy, bao năm làm việc ở thành phố, Hạnh tiết kiệm chẳng được bao nhiêu.
 
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hơn ai hết, Hạnh thấu hiểu được những khó khăn khi phải sống nơi đất khách quê người. Không có việc làm thì không có thu nhập. Thiếu chút nữa, Hạnh lại phải “cầu viện” từ ba mẹ ở quê. May sao, Hạnh rời thành phố sớm, về quê và lập gia đình. Hạnh thành thật cho biết: “Là con nhà nông nhưng đến giờ em không biết làm ruộng, vườn. Vì từ lúc lớn lên em đã “ly nông”. Nhưng, nhờ thời gian đi làm công nhân may mà em có được nghề may. Khi vào làm ở đây, em không cần phải học mà được nhận vào làm ngay. Mặc dù mức lương không cao, từ 4-6 triệu đồng/tháng, nhưng bù lại chúng em không phải mất những khoản chi phí khác. Làm việc “gần nhà bằng ba bậc lương”, chỉ mong sao công việc, thu nhập đều đặn, chúng em ở quê sẽ không còn phải “ly hương” để kiếm việc làm nữa”. 
Xưởng may của Công ty May ADM là nơi tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân ở vùng miền núi xã Cao Quảng.
Xưởng may của Công ty May ADM là nơi tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân ở vùng miền núi xã Cao Quảng.
Mong ước không còn phải “ly hương” của người trẻ không chỉ là câu chuyện của Hạnh, mà còn của nhiều người khác, trong đó có anh Trần Ngọc Minh, Giám đốc Công ty May ADM. Sau khi chứng kiến dòng người lao động từ miền Nam trở về quê, anh đã nghĩ, tại sao không mở xưởng may tại quê vừa tạo việc làm, vừa để “tận dụng” nguồn lao động có tay nghề này? Từ tháng 3/2022, bằng những mối quan hệ và sự táo bạo của mình, anh mở xưởng may, rồi thành lập công ty. Từ đó, công ty trở thành cứu cánh, tạo công ăn việc làm cho gần 30 người dân (có thời điểm lên hơn 50 người) ở vùng miền núi nơi đây.
 
Anh Trần Ngọc Minh cho biết: “Mở công ty là một chuyện, duy trì được công việc đều đặn ở nơi miền núi hẻo lánh này còn khó hơn rất nhiều. Để có được đơn hàng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân, công ty phải tìm mọi cách liên kết với nhiều đơn vị đầu mối để hợp đồng nhận đơn hàng. Nhưng không phải đơn hàng nào cũng nhận được, bởi có đơn hàng giá trị lớn, nhưng yêu cầu kỹ thuật lại rất cao, chị em khó đáp ứng. Có đơn hàng đặt với số lượng lớn, nhưng tính lại chi phí lợi nhuậnthấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động”.
 
Những trăn trở của người lao động nơi đây lẫn giám đốc công ty, ai cũng hiểu. Nhưng để hiện thực hóa những mong ước khẩn thiết đó của những người quê, không phải ai cũng làm được.
 
Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương cho biết, Cao Quảng là xã miền núi khó khăn, điểm xuất phát kinh tế thấp, địa hình bị chia cắt, đời sống và thu nhập của nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân, chính quyền địa phương đã chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ. Nhưng hầu hết các ngành nghề đều mang tính chất thời vụ nên nguồn thu nhập còn thiếu bền vững. Từ khi xưởng may của Công ty May ADM thành lập đã mở ra cơ hội đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thu nhập cho nhiều người dân trên địa bàn.
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Quảng Bình mở lại cửa khẩu phụ Cà Roòng

Ngày 28/2, tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn (Lào) chính thức mở lại cửa khẩu Cà Roòng-Nọong Ma phục vụ người dân biên giới 2 nước Việt Nam-Lào qua lại thăm thân và trao đổi, thông quan hàng hóa, sau 3 năm tạm đóng cửa.

Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

(QBĐT) - Chiều nay,  28/2, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Bình tổ chức hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. 

Lão nông tiên phong làm vườn mẫu

(QBĐT) - Là người tàn tật do hậu quả của bom đạn thời chiến tranh nhưng ông Đinh Văn Bính, thôn Tân Đức, xã Hương Hóa (Tuyên Hóa) vẫn luôn nỗ lực vươn lên trở thành một trong những điển hình về phát triển kinh tế và tiên phong xây dựng vườn mẫu ở địa phương.