Khai thác thị trường khách du lịch Ấn Độ: Dễ mà khó

  • 08:02 | Chủ Nhật, 12/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với dân số dự kiến đạt 1,4 tỷ người vào năm 2023 và đến 2028 Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới cùng nền kinh tế tăng trưởng nhanh ổn định. Thị trường khách du lịch đầy tiềm năng này được coi là “miếng bánh vàng” để du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Bình nói riêng khai thác trong thời gian tới. Tuy nhiên, với những đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng, thói quen chi tiêu, việc phục vụ cho đối tượng khách du lịch Ấn Độ đòi hỏi những yêu cầu khắt khe.
 
Lượng khách tăng đột biến
 
Ấn Độ được xem là một trong những thị trường trao đổi khách tiềm năng của Việt Nam, nhất là trong những thời điểm thị trường quốc tế trọng điểm Trung Quốc chưa mở cửa. Đây cũng được đánh giá là thị trường khách quốc tế phục hồi nhanh nhất kể từ khi ngành Du lịch khởi động trở lại sau đại dịch Covid-19.
 
Liên tiếp trong các năm 2019, 2020, 2022, hãng hàng không Indigo của Ấn Độ, Vietnam Airlines và Vietjet Air của Việt Nam đã mở 21 đường bay trực tiếp với trên 60 chuyến/tuần kết nối các thành phố lớn của 2 nước, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc với Delhi, Mumbai, Kolkata, Chennai, Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad.
 
Việt Nam đã áp dụng hệ thống cấp thị thực điện tử cho du khách Ấn Độ và Chính phủ Ấn Độ cũng đã công nhận hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam. Đây là những điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa 2 quốc gia. Năm 2022, Việt Nam đón 3,66 triệu lượt khách quốc tế, trong đó, lượng khách Ấn Độ tăng ấn tượng. So với thời điểm trước dịch, năm 2019, lượng du khách Ấn Độ tăng 88% với 137.900 lượt, xếp thứ 9 trong 10 thị trường gửi khách đến Việt Nam.  
 Doanh nghiệp du lịch Ấn Độ tìm hiểu các sản phẩm của du lịch Quảng Bình tại Hội chợ du lịch quốc tế Đà Nẵng 2022.
Doanh nghiệp du lịch Ấn Độ tìm hiểu các sản phẩm của du lịch Quảng Bình tại Hội chợ du lịch quốc tế Đà Nẵng 2022.
Năm 2022, số lượng du khách Ấn Độ đến Quảng Bình, nhất là khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng tăng đột biến, đã giúp khuấy động không khí du lịch mùa thấp điểm của vùng đất này. Khách Ấn đến Quảng Bình thường đi theo nhóm hoặc khách đoàn. Theo nhiều đơn vị lữ hành, khách Ấn chọn du lịch Quảng Bình bởi nhiều yếu tố hội tụ, như: Môi trường du lịch an toàn, phong cảnh đẹp, con người thân thiện, món ăn hấp dẫn, giá cả dịch vụ bình dân… Ngoài ra, một số nét tương đồng về văn hóa, tín ngưỡng của 2 đất nước cũng là điểm làm nên sức hút đối với du khách Ấn Độ.
 
“Có những ngày, Phong Nha đón đoàn lên tới 300 khách Ấn Độ, họ đến chủ yếu tham gia các tour truyền thống, như: Khám phá động Thiên Đường, động Phong Nha, sông Chày-hang Tối”, anh Nguyễn Thanh Hải, chủ nhà hàng Bamboo Chopsticks tại thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) cho biết.
 
Vào ngày đầu năm mới 2023, một đoàn khách Ấn Độ với hơn 30 người đã đến "xông đất" du lịch Quảng Bình. Họ chọn Quảng Bình là một trong những điểm đến trong hành trình khám phá Việt Nam dài hơn 10 ngày.
 
Ông Rajesh Samdani, thành viên đoàn hào hứng cho biết: “Tìm hiểu thông tin trước chuyến đi, nhận thấy những phản hồi tích cực của nhiều người Ấn Độ về một số điểm đến của du lịch Quảng Bình, chúng tôi đã mạnh dạn đăng ký tham quan, khám phá nơi này. Vậy là sau khi đặt chân đến nhiều điểm đến khác như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc, chúng tôi chọn đến đây để khám phá các tour hang động. Hy vọng chuyến đi sẽ mang đến cho đoàn những trải nghiệm hấp dẫn, thú vị”.
 
Tiềm năng nhưng không dễ phục vụ
 
Ganesh Phong Nha-nhà hàng Ấn Độ ra đời ngay giữa trung tâm thị trấn Phong Nha nhằm tạo không gian ẩm thực chuyên phục vụ cho đối tượng khách Ấn. Sự xuất hiện của Ganesh Phong Nha đã lấp được “khoảng trống” khi mà nhiều đoàn khách Ấn thường đòi hỏi phải có nhà hàng Ấn Độ tại những điểm đến trong lịch trình của mình. Bhim-đầu bếp của Ganesh Phong Nha có 15 năm kinh nghiệm làm việc cho các nhà hàng Ấn tại Việt Nam cũng là một người gốc Ấn. Sự hiểu biết về văn hóa, thói quen ăn uống của người Ấn Độ giúp anh tự tin đứng bếp trong suốt nhiều năm qua. Bởi như anh nói, phục vụ khách Ấn không phải là việc dễ dàng.
 
Người Ấn Độ có thói quen ăn bốc bằng tay phải. Ðối với người Ấn, gia vị được xem là yếu tố cực kì quan trọng để tạo ra món ăn ngon. Loại gia vị tạo hương thơm đặc trưng và không thể thiếu trong nhiều món ăn là lá càri. Người Ấn Độ xem bò là động vật thiêng liêng nên họ tuyệt đối không ăn thịt bò. Do đó, thịt gà, dê, cừu và các loại thủy hải sản là thông dụng nhất. Do Ấn Độ cũng là đất nước của Phật giáo nên nhiều người Ấn cũng có thói quen ăn chay. Hiểu được những thói quen ăn uống, mới có thể phục vụ tốt nhất đối tượng khách đặc biệt này.
 Người Ấn Độ có những thói quen ăn uống đặc trưng (trong ảnh, du khách Ấn Độ trải nghiệm tại nhà hàng Ganesh Phong Nha).
Người Ấn Độ có những thói quen ăn uống đặc trưng (trong ảnh, du khách Ấn Độ trải nghiệm tại nhà hàng Ganesh Phong Nha).
Anh Nguyễn Thanh Hải, chủ nhà hàng Bamboo Chopsticks tại Phong Nha cho biết, nhà hàng của anh phục vụ các món Âu, Á. Năm nay, lượng khách Ấn Độ đến với nhà hàng khá đông. Khách Ấn vốn có nhiều thói quen ăn uống đặc biệt, lại thường rất khó tính và có những yêu cầu riêng trong gọi món. Vì vậy, phục vụ đối tượng khách này đòi hỏi phải kiên nhẫn, có sự hiểu biết, lắng nghe và tìm hiểu kỹ về truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, thói quen ăn uống của họ.
 
“Khách Ấn Độ thường kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, nhất là trong ăn uống. Họ thường so sánh tỉ mỉ mức giá để đưa ra quyết định. Nếu không hiểu được văn hóa, không nắm bắt được tâm lý của họ thì không thể phục vụ tốt”, anh Hải chia sẻ thêm.
 
Cần chính sách dài hơi
 
Tại hội nghị xúc tiến, hợp tác đầu tư giữa Đại sứ quán Ấn Độ cùng các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ diễn ra vào ngày 1/3/2023, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh dự đoán, số lượng khách Ấn đến du lịch Việt Nam năm 2023 có thể lên đến nửa triệu người. Trong nhóm liên kết du lịch 5 địa phương miền Trung (gồm Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam), TP. Đà Nẵng cũng đang triển khai hàng loạt kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch tại Ấn Độ và coi đây là thị trường du lịch trọng điểm trong thời gian tới. Nếu biết nắm bắt cơ hội, triển khai các kế hoạch quảng bá, xúc tiến “ăn theo” những sự kiện này, du lịch Quảng Bình có thể đạt được những kết quả ấn tượng trong khai thác thị trường khách du lịch Ấn Độ.
 
Tuy nhiên, Ấn Độ được coi là đối tượng khách hàng tiềm năng nhưng không dễ khai thác. Muốn nắm bắt được tâm lý, phục vụ tốt nhất đối tượng khách hàng này, các đơn vị du lịch Quảng Bình cần sẵn sàng một đội ngũ nhân lực du lịch hiểu về văn hoá của người Ấn, thói quen sinh hoạt cũng như ẩm thực. Thực tế, hiện đội ngũ hướng dẫn có kinh nghiệm phục vụ khách Ấn không nhiều. Các địa điểm kinh doanh phục vụ ẩm thực Ấn cũng còn khá hiếm hoi. Vì vậy, muốn đón đầu làn sóng thị trường tỷ dân này, ngành Du lịch cần có kế hoạch đầu tư hạ tầng phục vụ riêng, đáp ứng được những nhu cầu đặc thù liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, thói quen sinh hoạt, ẩm thực riêng biệt.
 
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch thừa nhận, thời gian qua, du lịch Quảng Bình chưa có các kế hoạch xúc tiến, quảng bá thị trường khách Ấn Độ. Thời gian tới, muốn khai thác tốt thị trường tỷ dân này, các doanh nghiệp du lịch Quảng Bình cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. “Chúng ta cần liên kết với các đơn vị lữ hành nổi tiếng ở trong nước để họ kết nối khách về với Quảng Bình. Khi khách Ấn Độ đến với các điểm du lịch nổi tiếng, có đường bay thẳng như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc… chi phí sẽ thấp hơn là về tới Quảng Bình. Vì vậy, muốn thu hút khách Ấn đến với mình, doanh nghiệp cần có những chính sách quảng bá, kích cầu hấp dẫn”, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết thêm.
 
Diệu Hương

tin liên quan

"Gỡ khó" để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

(QBĐT) - Cùng với việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tăng cường kiểm soát quy mô gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, qua đó giúp DN dễ dàng tiếp cận vốn vay, góp phần tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong các lĩnh vực ưu tiên cũng như các ngành, hàng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

"Rốn lũ" làm du lịch

(QBĐT) - Như những cánh đồng ngô hồi sinh mướt mắt sau những ngày ngập ngụa trong bùn nước, "rốn lũ" Tân Hóa xưa đã trở thành làng du lịch mà mỗi địa danh, mỗi hang động chỉ nhắc tên thôi đã thấy thân thương. 

Rộn rã công trình cao tốc Bắc-Nam

(QBĐT) - Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được chính thức khởi công vào ngày 1/1/2023. Với tính chất đặc biệt quan trọng của dự án và yêu cầu rất cao của Chính phủ về tiến độ, các dự án thành phần của công trình đi qua địa bàn Quảng Bình đang được các nhà thầu huy động tối đa phương tiện, thiết bị máy móc để thi công.