Giải ngân vốn đầu tư công: Cần những giải pháp đồng bộ

  • 06:56 | Thứ Sáu, 17/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công (VĐTC) cho tỉnh Quảng Bình là xấp xỉ 5,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là hơn 3.378 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương (NSTƯ) hơn 2.100 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm từ thực tế năm 2022, hiện các sở, ngành, địa phương đang tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc để tập trung thực hiện và giải ngân VĐTC bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
 
Nhiều khó khăn, vướng mắc
 

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Phong Phú cho biết: Từ thực tế tỷ lệ giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2022 đạt thấp (chỉ 69,09%) dẫn đến số vốn đề xuất kéo dài sang năm 2023 tương đối lớn. Tổng hợp nhu cầu đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 sang năm 2023 đến thời điểm 14/2/2023 là hơn 1.300 tỷ đồng. Đó là chưa tính các dự án (DA) ODA đề xuất hủy dự toán để bố trí lại chứ không đề xuất kéo dài (hơn 400 tỷ đồng). Điều này dẫn đến áp lực không nhỏ đối với việc thực hiện và giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2023 của tỉnh.

Hiện, UBND tỉnh đã phân bổ chi tiết kế hoạch VĐTC năm 2023 là hơn 6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 574 tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao để thực hiện 97 DA chuyển tiếp năm 2022 sang và 92 DA khởi công mới từ nguồn ngân sách tỉnh.

Tại hội nghị bàn giải pháp thực hiện và giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2023 được UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều chủ đầu tư cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện và giải ngân kế hoạch VĐTC là giá vật liệu tăng đột biến dẫn đến tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa, từ đó ảnh hưởng đến việc triển khai các hợp đồng xây dựng, nhất là hợp đồng theo đơn giá cố định và hợp đồng trọn gói.

Thực tế này dẫn đến tình trạng tại một số gói thầu, DA có hiện tượng nhà thầu thi công cầm chừng, cá biệt có trường hợp dừng thi công do không đủ nguồn lực để thực hiện hoặc chờ giá vật liệu giảm, làm chậm tiến độ công trình, DA.

Theo Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phan Văn Thanh thì hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập. Cụ thể là đơn giá bồi thường vẫn chưa sát với giá thực tế, phương án và dự toán bồi thường có sự không đồng nhất giữa DA đầu tư công và các DA do nhà đầu tư thỏa thuận, đặc biệt là các khu vực có nhiều lợi thế kinh doanh như đô thị hay khu vực ven biển. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các DA sử dụng VĐTC của tỉnh cũng như các huyện, thị xã, thành phố.
Bảo đảm tiến độ triển khai DA công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông là nhiệm vụ trong tâm của tỉnh.
Bảo đảm tiến độ triển khai DA công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông là nhiệm vụ trong tâm của tỉnh.
Thực tế cho thấy không ít DA sử dụng nguồn NSTƯ phải thực hiện nhiều thủ tục liên quan ở các bộ, ngành Trung ương (như chuyển đổi đất rừng, đất lúa…) mất rất nhiều thời gian. Đây cũng là lý do ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư cũng như các thủ tục tiếp theo và tiến độ chung của các DA. Trong đó phải kể đến một số DA lớn, như: Đường ven biển; đường cứu hộ, cứu nạn xã Trường Xuân đi xã Trường Sơn (Quảng Ninh); Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh; sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn đập Khe Dỗi, xã Trung Hóa (Minh Hóa)…
 
Một khó khăn mang tính chủ quan nữa cần nói đến là nhiều chủ đầu tư chưa phát huy hết trách nhiệm của người đứng đầu, thiếu kinh nghiệm; đơn vị quản lý DA thiếu năng lực dẫn đến công tác điều hành còn lúng túng. Cá biệt có một số chủ đầu tư thiếu sự quan tâm đôn đốc nhà thầu triển khai thi công, hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, hoàn tạm ứng khối lượng, thanh toán, quyết toán DA, thậm chí còn tâm lý, thói quen tập trung thanh toán vào những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, năng lực của một số đơn vị tư vấn yếu kém, dẫn đến hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều lần cả trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng như triển khai thực hiện.
 
Đồng bộ các giải pháp triển khai
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đã từng phê bình nghiêm khắc các chủ đầu tư chưa phát huy hết trách nhiệm của người đứng đầu, chưa nhận thức được trách nhiệm giải ngân là đầu tiên và trực tiếp thuộc về chủ đầu tư, dẫn đến tỷ lệ giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2022 đạt thấp.
 
“Cần tiếp tục duy trì hoạt động thường xuyên các tổ công tác giải ngân VĐTC của UBND tỉnh do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để kiểm tra thực tế các DA, nắm bắt tình hình thực hiện và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng lưu ý.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc chuyển đổi đất rừng, đất lúa đối với các DA đầu tư công đang thực hiện các thủ tục ở Trung ương.
 
Mặt khác, thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện các thủ tục để triển khai DA; tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo chỉ đạo của UBND tỉnh. “Chậm ở khâu nào, thủ tục nào, người đứng đầu sở, ngành, đơn vị, địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh.
 
Trao đổi với chúng tôi về một số giải pháp thực hiện và giải ngân kế hoạch VĐTC, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình cho biết: Địa phương luôn chủ động lên kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện, nghiệm thu và giải ngân cho từng công việc của từng DA theo tiến độ hàng ngày, hàng tuần và nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, lãnh đạo huyện thường xuyên trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng DA cụ thể; đôn đốc, theo sát các đơn vị tư vấn, quản lý DA, thi công trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn các DA để có biện pháp xử lý vướng mắc. Nhờ vậy mà tỷ lệ giải ngân kế hoạch VĐTC của Lệ Thủy luôn bảo đảm tiến độ đề ra.
 
“Để bảo đảm tiến độ giải ngân kế hoạch VĐTC, theo chúng tôi, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa; đồng thời phân khai nguồn vốn ngay từ đầu năm để các địa phương chủ động thực hiện. Bởi thời điểm cuối năm thường có mưa, lũ nên không thể triển khai thi công các DA”, ông Đặng Đại Tình chia sẻ.
 
Tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng tại hội nghị bàn giải pháp thực hiện và giải ngân VĐTC năm 2023 là phải xác định trách nhiệm công tác giải ngân đầu tiên và trực tiếp thuộc về chủ đầu tư, phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân VĐTC, phân công lãnh đạo đơn vị phụ trách từng DA và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư DA. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch hành động của UBND tỉnh; tiếp tục coi đẩy mạnh giải ngân VĐTC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023.
 
Nguyễn Hoàng

tin liên quan

Khẩn trương phòng, chống bệnh khảm lá sắn

(QBĐT) - Toàn tỉnh đã gieo trồng được 6.587ha sắn. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra điểm của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và báo cáo của các địa phương, bệnh khảm lá đã phát sinh gây hại trên cây sắn trên địa bàn tỉnh. 

 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh

(QBĐT) - Ngày 14/3, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Hiệu quả mô hình quỹ tín dụng nhân dân

(QBĐT) - Thời gian qua, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển, khẳng định vai trò, vị trí trong lĩnh vực tiền tệ. Hiệu quả thiết thực của hệ thống này đã góp phần giải quyết nhu cầu vay vốn sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.