Trồng sen theo hướng hữu cơ

  • 13:07 | Thứ Năm, 11/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên vùng đất đầm lầy trồng lúa kém hiệu quả, ông Trương Hoằng ở thôn Tiền, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) đã chuyển đổi sang trồng sen theo hướng hữu cơ. Bước đầu mô hình đem lại hiệu quả cao, lợi nhuận thu về gấp 3-4 lần so với trồng lúa.
 
Khả năng thích nghi tốt
 
Trên cánh đồng sen của ông Hoằng, người dân đang tấp nập thu hoạch sen. Ông Hoằng cho biết, cánh đồng sen này trước đây là vùng đầm lầy, ông đã cải tạo làm hồ cá, nuôi tôm càng xanh, trồng lúa nhưng hiệu quả đạt thấp, có thời điểm phải bỏ hoang vì chưa tìm được cây trồng phù hợp.
 
Đầu năm 2022, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, ông Hoằng bắt tay vào trồng sen theo hướng hữu cơ. Giống sen được trồng là sen hồng cao sản, có nguồn gốc tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông Hoằng được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ với hình thức sau đầu tư 30% chi phí mua giống, vật tư phân bón; 100% kinh phí triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện mô hình, trung tâm cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn quá trình trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng bảo đảm đúng kỹ thuật.
 
Theo ông Hoằng, sen là loại cây rất dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp, chỉ mất chi phí cho lần xuống giống đầu tiên, sau đó chăm sóc bón phân và thu hoạch. Sen được trồng 1 vụ/năm bắt đầu từ tháng 2 và sau gần 3,5 tháng có thể cho thu hoạch, sen nở rộ vào tháng 6 đến tháng 8. Để sen phát triển tốt thì tùy giai đoạn mà điều chỉnh mực nước phù hợp. Muốn sen phát triển nhanh, tươi tốt, thu hoạch được lâu, năng suất cao thì phải chăm sóc thường xuyên bằng cách bón phân đầy đủ, phân dùng để bón cho sen hoàn toàn là phân hữu cơ.
 
Để gương sen ra đều phải hạn chế việc lấy ngó sen, vì lấy nhiều ngó sen thì gương sen sẽ bị nhiều hạt lép, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt. Trồng sen theo hướng hữu cơ có ưu điểm vượt trội là cây sinh trưởng khoẻ mạnh, rất ít bị sâu bệnh. So với trồng sen truyền thống, trồng sen theo hướng hữu cơ cho sản lượng không cao nhưng chất lượng và độ an toàn của sản phẩm thì vượt trội.
Cánh đồng sen đang cho thu hoạch của ông Trương Hoằng ở thôn Tiền, xã Võ Ninh (Quảng Ninh).
Cánh đồng sen đang cho thu hoạch của ông Trương Hoằng ở thôn Tiền, xã Võ Ninh (Quảng Ninh).
Cây sen rất thích hợp với vùng đất thấp trũng, nhiều bùn lầy, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương. Sau gần 4 tháng trồng, cây sen sinh trưởng phát triển tốt, số gương/10m2 đạt 57-60 gương, số hạt chắc/gương sen 26-30 hạt; khối lượng trung bình 100 hạt/202,6g; sản lượng ước tính gần 3 tấn/ha.
 
Thu nhập cao hơn trồng lúa
 
Một trong những ưu điểm của mô hình trồng sen là khi đến đợt thu hoạch, thương lái đến tận nơi để thu mua. Do đó, nông dân không phải “chạy đôn chạy đáo” tìm đầu ra so với các loại cây trồng khác. Thời điểm này, hạt sen tươi rất được ưa chuộng nên thương lái tìm đến thu mua tận nơi với giá từ 40-50 nghìn đồng/kg. Theo dự tính của ông Hoằng, bình quân 1ha trồng sen trên đất nông nghiệp kém hiệu quả, sau khi trừ chi phí sản xuất trực tiếp sẽ cho lãi hơn 21 triệu đồng, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa.
 
“Để trồng sen theo hướng hữu cơ đạt hiệu quả cao hơn nữa và có tính bền vững, tôi rất mong các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về chính sách, hỗ trợ máy móc để bảo quản sản phẩm, phát triển mô hình theo hướng chế biến sen thành phẩm. Hiện tại, người trồng sen còn phụ thuộc rất nhiều vào thương lái vì thu hoạch sen đòi hỏi đúng thời điểm, sen hái xong phải chuyển đi nhanh chóng, nếu muộn có thể bị vứt bỏ”, ông Hoằng cho hay.
 
Ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh cho biết, mô hình trồng sen theo hướng hữu cơ của ông Hoằng bước đầu cho hiệu quả cao, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương, có thể nhân rộng trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện Quảng Ninh còn có nhiều vùng đất thấp trũng, đất trồng lúa kém hiệu quả có nhu cầu chuyển đổi sang cây trồng khác với diện tích khoảng vài trăm ha.
 
Đây là những vùng thích hợp với việc trồng sen, đặc biệt là các mô hình trồng sen theo hướng hữu cơ. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích trồng lúa kém hiệu quả, thời gian tới, phòng sẽ tham mưu UBND huyện khuyến khích nhân rộng mô hình trồng sen tại các địa phương.
 
Trồng sen theo hướng hữu cơ trên đất nông nghiệp kém hiệu quả không chỉ tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, giải quyết việc làm cho nông dân, khắc phục tình trạng đất bỏ hoang mà còn góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm sen theo chuỗi giá trị.
 
Sản phẩm từ cây sen được thị trường ưa chuộng, có thể bán được từ củ, thân, hoa, lá cho đến hạt. Lá sen dùng làm nước uống; ngó sen dùng để xào, nấu canh; hạt sen và nhụy sen dùng nấu cháo, nhân bánh, ướp trà làm chất bổ dưỡng cho trẻ em, người già…
 
Lan Chi

tin liên quan

Dự kiến trình Bộ Chính trị dự án đường sắt tốc độ cao trong tháng 9

Ngày 10/8, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2022, dự kiến trong tháng 9 tới, Bộ sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao bắc-nam.

Gian nan giữ rừng phòng hộ

(QBĐT) - Diện tích rừng tự nhiên nhiều, trữ lượng gỗ lớn, lực lượng bảo vệ mỏng, chế độ đãi ngộ thấp, hàng chục công nhân nghỉ việc do thiếu nguồn kinh phí trả lương… là thực trạng chung của nhiều ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh. 

Điện lực Lệ Thủy: 128 khách hàng phản ánh sản lượng điện tăng cao

(QBĐT) - Ông Phạm Ngọc Hoài, Giám đốc Điện lực Lệ Thủy cho biết: Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện có hàng trăm khách hàng sử dụng điện phản ánh tình trạng sử dụng điện tăng cao. Trước thực trạng đó, đơn vị đã cử lực lượng đến kiểm tra, giải thích và khắc phục giúp khách hàng…