Gian nan giữ rừng phòng hộ

  • 07:23 | Thứ Năm, 11/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Diện tích rừng tự nhiên nhiều, trữ lượng gỗ lớn, lực lượng bảo vệ mỏng, chế độ đãi ngộ thấp, hàng chục công nhân nghỉ việc do thiếu nguồn kinh phí trả lương… là thực trạng chung của nhiều ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) trên địa bàn tỉnh. Thực trạng này đang khiến cho “cuộc chiến” giữ rừng của các đơn vị gặp nhiều gian nan, thách thức…
 
Quảng Bình có trên 145.000ha rừng phòng hộ (RPH), tập trung nhiều tại các huyện: Quảng Ninh gần 52.000ha, Minh Hóa và Tuyên Hoá mỗi địa phương trên 33.000ha… RPH đầu nguồn có vai trò điều tiết nguồn nước cho các dòng chảy, hồ chứa, giảm thiểu nguy cơ lũ lụt, xói mòn, bảo vệ đất, ngăn sự bồi lấp lòng sông, lòng hồ. RPH ven biển thì chống gió hạn, chắn cát bay, ngăn chặn sự xâm nhập mặn của biển, chống sạt lở, bảo vệ các công trình ven biển...
 
RPH có trữ lượng gỗ quý lớn, lực lượng bảo vệ mỏng nên thường bị xâm hại. Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng Kiểm lâm và các ngành chức năng đã phát hiện, xử lý 612 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có nhiều vụ liên quan đến RPH, thu giữ trên 360m2 gỗ. Vụ việc xâm hại RPH mới đây nhất xảy ra tại huyện Quảng Ninh khi lâm tặc vào tiểu khu 554, xã Trường Sơn, đốn hạ 5 cây gỗ Măng ri có đường kính từ 37-80cm và lấy đi gần 0,7m2 gỗ, gây xôn xao dư luận.
Áp lực công việc của lực lượng BQLRPH rất lớn nhưng chế độ đãi ngộ còn thấp.
Áp lực công việc của lực lượng BQLRPH rất lớn nhưng chế độ đãi ngộ còn thấp.
Ông Đỗ Minh Cừ, Giám đốc BQLRPH Quảng Ninh cho biết: “Diện tích rừng của đơn vị quản lý lớn, lực lượng mỏng, 25 nhân viên hợp đồng lâu nay cũng phải nghỉ việc do chưa có nguồn kinh phí trả lương khiến công tác bảo vệ rừng (BVR) gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian tới, đơn vị rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm, tăng cường thêm lực lượng cũng như kinh phí cho hoạt động BVR”.
 
BQLRPH Quảng Ninh được giao quản lý, bảo vệ gần 52.000ha rừng. Từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã phát hiện, lập biên bản 32 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, thu giữ gần 21m2 gỗ các loại cùng nhiều tang vật khác.  
 
Theo ông Cừ, sau khi 25 nhân viên hợp đồng phải nghỉ việc từ cuối tháng 1/2022, lực lượng của đơn vị thiếu hụt trầm trọng. Hiện ban còn 49 người (37 người chuyên trách BVR tại 7 trạm), phải làm một khối lượng công việc rất lớn trong khi lâm tặc trên địa bàn ngày càng manh động, liều lĩnh. Do áp lực công việc, trách nhiệm quá lớn nên một số trạm trưởng, trạm phó xin thôi giữ chức vụ để làm nhân viên. Từ đầu năm đến nay, số vụ phá rừng bị phát hiện, xử lý có giảm nhưng số vụ xâm hại rừng để lại gốc, ngọn tăng hơn trước.
 
Ông Trần Minh Luyến, Trạm trưởng Trạm BVR Lồ Ô, thuộc BQLRPH Quảng Ninh cho hay: “Hiện trạm chỉ có 6 người nhưng phải quản lý trên 13.600ha đất lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên. Để BVR, chúng tôi phải thường xuyên tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát rừng. Có những chuyến đi phải mất gần 10 ngày và trải qua rất nhiều khó khăn, nguy hiểm khi ở trong rừng. Một số đối tượng bị bắt giữ gỗ thường quay lại đe dọa, “khủng bố” tinh thần của anh em trong trạm. Dù công việc khó khăn, nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau, quyết tâm bám rừng làm nhiệm vụ”.
 
BQLRPH Minh Hóa được giao quản lý, bảo vệ gần 20.000ha RPHtại xã Trọng Hóa, Dân Hóa, Tân Hóa… Cũng như các đơn vị khác, công tác BVR nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng lớn, địa hình hiểm trở, lực lượng bảo vệ mỏng. Cuối tháng 1/2022, do thiếu kinh phí trả lương nên 17 nhân viên hợp đồng của đơn vị phải nghỉ việc. Hiện ban chỉ còn 25 cán bộ, viên chức, hợp đồng lao động. Do thiếu người BVR chuyên trách nên đơn vị phải giảm bớt chốt, tăng cường nhân viên văn phòng cho các trạm.
 
Ngày 12/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 809/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025”. Chương trình sẽ ưu tiên cho đầu tư bảo vệ và phát triển bền vững đối với diện tích rừng đặc dụng, RPH, rừng sản xuất là rừng tự nhiên; đầu tư khôi phục, phát triển hệ thống RPH đầu nguồn. Chương trình cũng sẽ ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng BVR, bảo tồn, phát triển rừng tại các ban quản lý rừng hoạt động thường xuyên cũng như công tác tuần tra BVR… Tổng vốn thực hiện chương trình dự kiến là 78.585 tỷ đồng.
Ông Đinh Thanh Xuân, Giám đốc BQLRPH Minh Hóa cho biết: “Do lực lượng mỏng, chế độ đãi ngộ thấp, lâm tặc ngày càng mạnh động, liều lĩnh nên công tác BVR của chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nhất là dịp Tết Nguyên đán hay vào mùa nắng nóng. Để giải quyết bài toán về lực lượng, đơn vị phải tăng cường lượt tuần tra, ăn ở thường xuyên trong rừng, nhất là các địa bàn trọng điểm có nguy cơ rừng bị phá. Mặt khác, cử lực lượng nắm bắt tình hình trong dân để tuyên truyền, vận động bà con không phá rừng”. Mặc dù rất quyết tâm, nhưng rừng đơn vị quản lý vẫn còn tình trạng bị xâm hại. Từ năm 2021 đến nay, ban đã phát hiện, xử lý 13 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp, thu giữ trên 11m3 gỗ các loại cùng nhiều tang vật khác.
 
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho rằng: Để bảo vệ RPH tốt hơn, đề nghị các địa phương sớm kiện toàn, tổ chức lại các BQLRPH, trong đó phải tổ chức, sắp xếp lại các trạm cho khoa học. Đặc biệt là phải quan tâm, giải quyết các chế độ, chính sáchcho lực lượng BVR, làm tốt công tác tư tưởng để họ yên tâm công tác. Các cấp chính quyền cần phải sớm triển khai các chương trình, dự án (nếu có) để bảo đảm nguồn kinh phí BVR. Khi có kinh phí, cần có chính sách ký hợp đồng, thu hút người dân gần rừng vào làm việc tại các trạm BVR để họ có thu nhập và phát huy vai trò tuyên truyền, vận động người dân bản địa tham gia BVR.
 
Các BQLRPH phải nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho lực lượng BVR chuyên trách; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng trong công tác BVR. Khi phát hiện các vụ xâm hại rừng, lực lượng bảo vệ RPH phải ngăn chặn kịp thời, tham mưu cho các cơ quan chuyên môn xử lý nghiêm khắc; đồng thời, tạo thêm nhiều mô hình sinh kế cho người dân sống gần rừng để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập…
 
Xuân Vương

tin liên quan

Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia

(QBĐT) - Sáng nay, 10/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, chủ trì hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 33 tỉnh, thành phố. 

Cơ hội nào từ famtrip?

(QBĐT) - Ngay thời điểm du lịch bước vào mùa cao điểm, một chương trình khảo sát điểm đến du lịch Quảng Bình (famtrip) do Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức cho các đơn vị lữ hành lớn, chuyên gia du lịch được đánh giá là "cơ hội vàng" để doanh nghiệp (DN) du lịch Quảng Bình kết nối, quảng bá sản phẩm. Không chỉ bây giờ, mà với người làm du lịch, famtrip từ lâu được coi là hình thức du lịch đầy tính thâm nhập thực tế, mang đến cơ hội cho đoàn tham quan và cả địa điểm đón đoàn.

Điện lực Lệ Thủy: 128 khách hàng phản ánh sản lượng điện tăng cao

(QBĐT) - Ông Phạm Ngọc Hoài, Giám đốc Điện lực Lệ Thủy cho biết: Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện có hàng trăm khách hàng sử dụng điện phản ánh tình trạng sử dụng điện tăng cao. Trước thực trạng đó, đơn vị đã cử lực lượng đến kiểm tra, giải thích và khắc phục giúp khách hàng…