Thu tiền tỷ từ thỏ New Zealand

  • 08:09 | Chủ Nhật, 17/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, anh Nguyễn Đức Thuần, thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh (Quảng Ninh) “bén duyên” với nghề nuôi thỏ NewZealand. Với sự cần cù, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, anh đã thành công từ mô hình nuôi thỏ với doanh thu 1 tỷ đồng/năm.
 
Mạnh dạn“khởi nghiệp”
 
Chúng tôi có dịp về thăm trại nuôi thỏ New Zealand theo quy mô chăn nuôi khép kín, hiện đại của anh Nguyễn Đức Thuần vào những ngày trưa tháng 7. Không khí thoáng mát trong chuồng nuôi như đối lập với tiết trời nóng bức ở bên ngoài. Trại nuôi thỏ được trang bị hệ thống quạt làm lạnh, nước uống tự động và máng đựng thức ăn tinh, có quạt để điều chỉnh nhiệt độ.
 
Anh Thuần chia sẻ, cũng như bao chàng trai nông thôn khác, anh đã từng làm rất nhiều nghề để kiếm sống nhưng kinh tế gia đình vẫn không dư giả. Anh luôn suy nghĩ, trăn trở phải trồng cây gì, nuôi con gì để có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Trong một lần xem truyền hình, anh biết đến mô hình nuôi thỏ và rất muốn nuôi thử nghiệm tại gia đình, nhưng vì trên địa bàn chưa có ai nuôi thỏ quy mô lớn để tham quan, học hỏi kinh nghiệm nên anh “ngại”.
 
Nhưng với ý chí của người trẻ “dám nghĩ, dám làm”, anh Thuần đã gạt bỏ những lo lắng, bắt đầu tìm hiểu về cách thức nuôi cũng như thị trường tiêu thụ trên địa bàn. Càng tìm hiểu, anh càng nhận thấy thỏ là con vật dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, thị trường tiêu thụ ổn định nên anh đã mạnh dạn “khởi nghiệp”.
Nhờ mạnh dạn đầu tư, ham học hỏi, mô hình nuôi thỏ New Zealand của anh Thuần mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Nhờ mạnh dạn đầu tư, ham học hỏi, mô hình nuôi thỏ New Zealand của anh Thuần mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Thời gian đầu, vốn liếng ít, chưa có kinh nghiệm, anh Thuần chỉ dám đặt mua 20 cặp thỏ bố mẹ của một hộ dân trên địa bàn xã Sơn Thuỷ (Lệ Thuỷ) về nuôi. Để có thể tiết kiệm tối đa chi phí, anh tự tay làm chuồng trại, tận dụng các loại lá cây, rau và cỏ quanh nhà để làm thức ăn cho thỏ. Do chưa có kỹ thuật, thiếu kiến thức, anh Thuần đã thất bại ngay lần đầu bắt tay vào nuôi thỏ. Đàn thỏ không những không sinh sản mà còn bị bệnh và chết dần.  
 
Không nản chí, anh tiếp tục học hỏi thêm kiến thức chăn nuôi và mạnh dạn nhờ bạn bè đặt giống thỏ New Zealand từ Nam Định về nuôi. Nói về lý do chọn thỏ New Zealand, anh Thuần cho biết, đây là giống thỏ nhập ngoại, trọng lượng lớn, dễ nuôi, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon, giá bán ra thị trường cao. Quá trình nuôi, anh dành nhiều thời gian học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế trong chăn nuôi. Nhận thấy thỏ sinh trưởng và phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định, anh đã nhân rộng lên vài trăm con mỗi năm.
 
Năm 2019, anh mạnh dạn vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại đầu tư thêm hệ thống trại lạnh bằng hơi nước tự nhiên, hiện đại. Lồng nuôi thỏ được sắp xếp khoa học và được chia thành các khu vực khác nhau, gồm: Chuồng nuôi thỏ bố mẹ, chuồng nuôi thỏ hậu bị, chuồng nuôi thỏ con vừa tách mẹ... Để dễ quản lý và chăm sóc, trên mỗi ô, anh đều đánh dấu theo dõi thời gian sinh trưởng, phát triển của thỏ.
 
Tiếp chuyện chúng tôi, anh Thuần vừa thoăn thoắt đưa từng con thỏ ra khỏi lồng để làm vệ sinh. “Tranh thủ thời gian sáng sớm tôi làm vệ sinh cho thỏ sạch sẽ vì mỗi lần làm là phải đưa thỏ ra khỏi lồng nên riêng việc làm vệ sinh thôi cũng mất rất nhiều thời gian. Thỏ là loài vật nuôi có sức đề kháng cơ thể kém, khi thời tiết thay đổi, thỏ dễ nhiễm bệnh.
 
Vì vậy, trong quá trình nuôi phải giữ cho nền chuồng khô ráo, thông thoáng bảo đảm vệ sinh, điều chỉnh nhiệt độ mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Bên cạnh đó, phải phun thuốc khử trùng định kỳ, thường xuyên tiêm phòng các loại vắc-xin để phòng bệnh. Thức ăn, nước uống cũng phải sạch sẽ thì thỏ mới lớn nhanh và ít bị bệnh. Thỏ là động vật không kén chọn thức ăn, có thể tận dụng các loại rau có sẵn trong gia đình nhưng để bảo đảm dinh dưỡng cho đàn thỏ, tôi chủ yếu sử dụng bột thức ăn dành riêng cho thỏ”, anh Thuần chia sẻ.
 
Cho thu nhập ổn định
 
Nói đến việc nuôi thỏ làm giàu, anh Thuần tâm sự: “Từ ngày bắt tay vào nuôi thỏ, nhiều lúc cũng gặp khó khăn nhưng thấy thỏ lớn nhanh từng ngày, nuôi bao nhiêu người ta thu mua bấy nhiêu nên tôi rất phấn khởi và càng có thêm động lực, niềm tin vào hướng đi của mình”. Nhờ khéo léo và vận dụng đúng phương pháp trong chăn nuôi, từ 20 cặp thỏ bố mẹ ban đầu, đến nay, anh Thuần đã xây dựng được 2 trang trại nuôi thỏ với tổng đàn trên 1.700 con, trong đó có 200 con thỏ mẹ sinh sản.
 
Theo anh Thuần, thỏ có giá trị kinh tế cao nhưng muốn nuôi thỏ thành công cần phải nắm vững một số đặc điểm về sinh lý, tiêu hoá, đặc điểm sinh sản, kỹ thuật nuôi và chăm sóc thỏ theo lứa tuổi. Đặc biệt là khâu phối giống cho thỏ cái và kỹ thuật nuôi con.Thông thường thỏ cái nuôi đến tháng thứ 6 sẽ bắt đầu cho phối giống, thời gian phối thích hợp nhất vào sáng sớm hoặc chiều tối. Sau khi thỏ đẻ phải chăm sóc thật kỹ, cho thỏ ăn nhiều hơn để lấy sữa nuôi con. Thỏ con nuôi từ 15-20 ngày sẽ được tách ra lồng nuôi riêng. Thời gian nuôi thỏ con từ lúc đẻ đến khi được xuất chuồng mất 3 tháng sẽ đạt trọng lượng 2,2-2,4 kg/con. 
Trung bình mỗi tháng, anh Thuần xuất bán 400 con thỏ thương phẩm cho các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh.
Trung bình mỗi tháng, anh Thuần xuất bán 400 con thỏ thương phẩm cho các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh.
Theo anh Thuần chỉ cần người nuôi chăm sóc đúng quy trình thì thỏ sẽ lớn rất nhanh, chỉ từ 2,5-3 tháng kể từ khi sinh, trọng lượng đạt khoảng 2,5-3kg/con là có thể xuất bán. Thỏ cũng là một loài vật sinh sản tốt, mỗi tháng thỏ mẹ sinh sản một lứa từ 6-8 con. Thỏ con được 1 tháng tuổi thì có thể tách mẹ để nuôi thương phẩm và sau 3 tháng nuôi thì có thể xuất bán.
 
Trung bình mỗi tháng, anh Thuần xuất bán 400 con thỏ thương phẩm cho các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh. Bên cạnh bán thỏ thương phẩm, anh còn bán 20-30% thỏ giống cho người dân trên địa bàn và các xã lân cận. Nhờ nuôi thỏ đã giúp gia đình anh Thuần có thêm nguồn thu nhập đáng kể, kinh tế ngày càng ổn định với doanh thu 1tỷ đồng/năm.
 
“Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thỏ thương phẩm của các nhà hàng trên địa bàn trong và ngoài huyện rất lớn, trong khi đó, trại nuôi của gia đình tôi chỉ đáp ứng một số lượng nhất định, có những lúc không đủ thỏ để bán. Nhu cầu nhiều nhưng diện tích trang trại của tôi không thể mở rộng thêm số lượng nuôi, trước mắt tôi sẽ kết hợp nuôi thêm dúi để phát triển kinh tế”, anh Thuần cho hay.
 
Dám nghĩ dám làm, dám biến ước mơ thành hiện thực, chàng thanh niên Nguyễn Đức Thuần đã thành công ngay trên mảnh đất quê hương, trở thành tấm gương để các bạn trẻ học hỏi, mở ra hướng đi mới trong phát triển các mô hình chăn nuôi tại địa phương.
 
L.Chi

tin liên quan

Bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý hợp tác xã

(QBĐT) - Ngày 16/7, Liên minh hợp tác xã tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý HTX cho gần 50 học viên là cán bộ thuộc Hội đồng quản trị, Ban giám đốc các HTX trên địa bàn tỉnh. 
 

Một nông dân thu tiền tỷ từ mô hình nuôi tôm

(QBĐT) - Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân vươn lên làm giàu chính đáng nhờ các mô hình SXKDG, trong đó có anh Ngô Văn Truyền (xã Hải Ninh, Quảng Ninh) với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thu lãi mỗi năm hàng tỷ đồng…

Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp miền Trung-Tây Nguyên với các DN xuất khẩu

Ngày 15/7, tại TP. Đà Nẵng, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương và Trung tâm xúc tiến của các địa phương khu vực miền Trung-Tây Nguyên tổ chức hội nghị "Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung-Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại".