"Gỡ vướng" thủ tục hành chính về đất đai

  • 07:41 | Thứ Ba, 26/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN-MT), nhất là trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Lệ Thủy thời gian qua đã được các cơ quan có liên quan chú trọng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên hiện nay, địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng được tháo gỡ…
 
Vẫn chồng chất khó khăn…
 
Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Giang Trần Công Thoán cho biết: Gần đây, số lượng người dân địa phương đến thực hiện các giao dịch TTHC về đất đai tương đối lớn. Bởi vậy, các bộ phận liên quan của địa phương, nhất là công chức địa chính-xây dựng luôn làm việc hết công suất để giải quyết nhu cầu của nhân dân.
 
“Từ đầu năm đến nay, thị trấn Kiến Giang đã tiếp nhận, xử lý gần 400 hồ sơ liên quan đến TTHC về đất đai. Tuy nhiên, ở địa phương hiện nay không có hồ sơ đất đai tồn đọng mà chủ yếu là tồn đọng, chậm giải quyết ở cấp huyện, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nên đã chậm trả kết quả, gây bức xúc cho người dân trên địa bàn. Vì thế, địa phương đề nghị các đơn vị, ngành có liên quan cần phải đẩy nhanh thực hiện các TTHC về đất đai, bố trí cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân…”, Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Giang cho hay.
 
Được biết, hiện nay, tất cả các TTHC về TN-MT, nhất là trong việc cấp GCNQSDĐ trên địa bàn huyện Lệ Thủy đều được tổ chức thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và trên môi trường điện tử. TTHC về đất đai có 16/48 thủ tục (chiếm 33%) là thuộc trách nhiệm của UBND huyện; 32/48 thủ tục (chiếm 70%) thuộc trách nhiệm Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Sở TN-MT.
Người dân thực hiện giao dịch các TTHC về đất tại tại Bộ phận một cửa xã Liên Thủy (Lệ Thủy).
Người dân thực hiện giao dịch các TTHC về đất đai tại Bộ phận một cửa xã Liên Thủy (Lệ Thủy).

Trưởng phòng TN-MT huyện Lệ Thủy Nguyễn Xuân Tường cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng hồ sơ TTHC về đất đai tại địa phương tăng đột biến (thẩm quyền cấp huyện 648 hồ sơ, thẩm quyền Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai 1.113 hồ sơ). Mặc dù, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo và tham mưu văn bản gửi Sở TN-MT chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh, cấp huyện tập trung xử lý nhưng do số lượng TTHC phát sinh nhiều, chỉ giải quyết được hơn 83% hồ sơ.

Hơn nữa, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ còn thiếu, trong cùng một thời gian phải giải quyết nhiều nhiệm vụ, như: Tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng công trình đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn qua địa bàn và đường ven biển nên vẫn còn một số TTHC giải quyết chậm trễ…

Cũng theo Trưởng phòng TN-MT huyện Lệ Thủy, số hồ sơ tồn đọng, giải quyết quá hạn trên hệ thống một cửa điện tử còn nhiều do một số người dân chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, cấp tỉnh chậm trả kết quả; ngân sách huyện và xã còn quá hạn hẹp nên chưa đầu tư xây dựng được Trung tâm giao dịch một cửa liên thông cấp huyện, cấp xã theo quy định nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giải quyết TTHC của nhân dân…

“Một số cán bộ, công chức ở một số địa phương có biểu hiện nhũng nhiễu, thiếu đạo đức công vụ làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện các TTHC trong lĩnh vực TN-MT và tính chất đặc thù về đất đai một số trường hợp cần xác minh, làm rõ nên cần gia hạn thời gian để giải quyết, đó là những khó khăn cần giải quyết…”, Trưởng phòng TN-MT huyện Lệ Thủy Nguyễn Xuân Tường cho biết.
 
Từng bước “gỡ vướng”…
 
Để từng bước “gỡ vướng” những khó khăn, hạn chế trong công tác cải cách TTHC ở lĩnh vực TN-MT, nhất là việc cấp GCNQSDĐ cho người dân trên địa bàn, thời gian qua, huyện Lệ Thủy đã ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến kiểm soát TTHC; lồng ghép vào các phiên họp thường kỳ, chuyên đề của UBND huyện để chỉ đạo triển khai thực hiện. Huyện cũng đã giao Văn phòng HĐND, UBND huyện thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các phòng, ban, đơn vị, các xã, thị trấn thực hiện; phối hợp với các đơn vị cấp tỉnh trong giải quyết TTHC đối với các hồ sơ liên thông; thường xuyên đôn đốc các đơn vị về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC trên ứng dụng Zalo; bố trí cán bộ của các phòng, ban liên quan, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện, bố trí thêm cán bộ thực hiện tiếp nhận TTHC tại Bộ phận một cửa huyện…
 
Trưởng phòng TN-MT huyện Lệ Thủy Nguyễn Xuân Tường chia sẻ: Vừa qua, UBND huyện đã tổ chức làm việc với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện để chấn chỉnh tình trạng hồ sơ chậm giải quyết. UBND huyện cũng đã yêu cầu rà soát, luân chuyển các cán bộ phụ trách của chi nhánh và cán bộ địa chính công tác lâu năm trên 1 vị trí để tránh tình trạng nhũng nhiễu…
 
Cũng theo ông Tường, hiện nay, Phòng TN-MT đã giảm thời gian thực hiện thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bố trí cơ sở vật chất bảo đảm; tích cực chỉ đạo, tăng cường xử lý công việc, TTHC trên môi trường điện tử, gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; thường xuyên rà soát triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; triển khai thực hiện tại chỗ toàn bộ quy trình giải quyết TTHC (4 tại chỗ) tại bộ phận một cửa đối với các lĩnh vực TN-MT…
 
“Hiện nay, trung bình mỗi cán bộ trực tại bộ phận một cửa huyện tiếp nhận khoảng 21 hồ sơ/ngày, vượt cao so với quy định (không tính hồ sơ chứng thực, hồ sơ liên thông). Trong đó, hồ sơ TTHC về lĩnh vực đất đai chiếm phần lớn, trung bình một cán bộ tiếp nhận khoảng 50 hồ sơ/ngày. Huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tùy theo lượng người đến giao dịch giải quyết TTHC hàng ngày để có phương án bố trí thêm nhân lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giải quyết TTHC một cách thuận lợi nhất...”, Trưởng phòng TN-MT huyện Lệ Thủy cho biết thêm.
 
Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lệ Thủy Đào Văn Mẫu cho biết: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý hơn 7.643 hồ sơ đăng ký, cấp GCNQSDĐ và đăng ký biến động QSDĐ theo nhu cầu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện, đăng ký giao dịch bảo đảm phục vụ nhu cầu vay vốn cho nhân dân trên địa bàn, vượt 170% so với cùng kỳ.
 
Hiện, đơn vị còn một số hạn chế, đó là: Công tác xử lý hồ sơ cấp GCNQSDĐ, đăng ký biến động QSDĐ một số trường hợp còn chậm thời gian do lượng hồ sơ tăng đột biến. Trong xử lý hồ sơ cấp GCNQSDĐ, một số trường hợp còn sai sót mà nguyên nhân là do ý thức chủ quan của cán bộ; công tác khai thác cung cấp thông tin địa chính cho các tổ chức và cá nhân chưa đáp ứng kịp thời do điều kiện lưu trữ hồ sơ chưa bảo đảm; công tác chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính còn bỏ sót một số lĩnh vực như chưa chỉnh lý đầy đủ các trường hợp thế chấp, xóa thế chấp vào sổ địa chính…
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt hơn 40.000 tấn

(QBĐT) - Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng cao nên sản lượng khai thác thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 40.000 tấn.

Tiếp nhận, giải quyết gần 80.000 hồ sơ lĩnh vực tài nguyên môi trường

(QBĐT) - Từ đầu năm 2022 đến 25/7, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận giải quyết 79.783 hồ sơ của tổ chức, cá nhân liên quan đến thủ tục đất đai và lĩnh vực do ngành phụ trách. 

Kiểm soát dấu hiệu 'bong bóng' bất động sản

Giá nhà đất trên thị trường bất động sản (BĐS) tăng cao, liên tục lập mặt bằng giá mới ở các địa phương, nhưng thanh khoản và giao dịch thấp là tín hiệu cho thấy xuất hiện bong bóng cục bộ. Các chuyên gia cho rằng cần phải kiểm soát hiện tượng này không đê gia tăng.