Mở hướng làm giàu sau dồn điền đổi thửa

  • 06:19 | Thứ Năm, 23/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa (DĐĐT), 10 hộ dân ở các thôn trên địa bàn xã Quảng Kim (Quảng Trạch) đã nhường những thửa ruộng màu mỡ nhưng có diện tích nhỏ, manh mún cho người khác để lên nhận gần 80ha đất cằn cỗi, bạc màu ở đồng Cồn Sim. Câu chuyện của những người nông dân “mê ruộng” này đã mở ra một hướng đi mới sau DĐĐT, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và làm giàu từ cánh đồng quê hương…

Biến đất bạc màu thành “bờ xôi ruộng mật”
 
Quá nửa đời người lam lũ làm nông nghiệp, ông Nguyễn Quốc Phi (thôn 4, xã Quảng Kim) luôn quý ruộng như vàng. Bao năm qua, lão nông này đã không quản ngại khó khăn, vất vả, bám ruộng, bám đồng để mưu sinh. Vậy nhưng, ruộng lúa của ông Phi có diện tích nhỏ, lại manh mún nhiều thửa nên bao năm vất vả, gia đình ông cũng chỉ đủ ăn. Khi có chủ trương DĐĐT, ông Phi đã không ngần ngại nhường lại những thửa ruộng màu mỡ của mình để lên đồng Cồn Sim, hiện thực hóa ước mơ làm giàu từ nông nghiệp mà ông đã ấp ủ bấy lâu nay.
 
Cồn Sim là cánh đồng rộng khoảng 80ha, nằm sát dưới chân dãy Hoành Sơn. Đây là vùng đất bạc màu, cằn cỗi, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ, nên nhiều hộ không muốn canh tác. Chính vì vậy, khi lên nhận đất ở đây, ông Phi được cấp hơn 2ha đất, nhiều gấp 5 lần so với diện tích ruộng cũ.
Mô hình lúa nước 2 vụ và chăn nuôi của ông Nguyễn Quốc Phi.
Mô hình lúa nước 2 vụ và chăn nuôi của ông Nguyễn Quốc Phi.

Ông Phi cho biết, khi được nhận đất với số diện tích lớn, ông đã mạnh dạn vay vốn, mua máy móc, hệ thống máy bơm, đường ống đưa nước về để cải tạo đất. Trên diện tích đất của mình, ông Phi dành một phần để đào ao thả cá, trồng các loại cây hoa màu phục vụ chăn nuôi; phần còn lại, ông cải tạo thành những thửa ruộng gieo lúa 2 vụ. Từ một vùng đất cằn cỗi, bạc màu, nhờ kiên trì “cải tạo”, cùng với sự hỗ trợ của máy móc, đến hôm những thửa ruộng của gia đình ông đã trở thành “bờ xôi ruộng mật”.

“Chưa kể những nguồn thu từ chăn nuôi, mỗi vụ lúa, gia đình tôi đã thu hoạch được hơn 4 tấn. Với giá lúa hiện nay trên 6 triệu đồng/tấn, tính ra mỗi năm 2 vụ lúa, gia đình đã thu gần 50 triệu đồng. Trước đây, nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ làm ruộng lại có nguồn thu nhập lớn như vậy”, ông Phi chia sẻ.
 
Phát triển nhiều mô hình trang trại tổng hợp
 
Cùng chung ý chí và quyết tâm làm giàu như ông Phi, sau khi nhường lại những thửa ruộng màu mỡ của mình, anh Từ Văn Lịch ở thôn 2 cũng được cấp 2,4ha đất ở đồng Cồn Sim. Sau khi nhận đất, anh Lịch đã quyết định vay vốn, đầu tư cải tạo để trồng các loại cây lương thực và trồng cỏ để nuôi bò. Nhờ cần cù, chịu khó, đến nay anh Lịch đã biến diện tích đất hoang hóa thành một trang trại trồng hợp với nhiều loại cây trồng và đồng cỏ xanh tốt. Từ những con bò giống thả ban đầu, hiện nay, đàn bò của gia đình anh đã phát triển lên đến hàng chục con. Anh Lịch cho biết, gia đình đang tiếp tục đầu tư để xây dựng chuồng trại kiên cố, hướng tới mở rộng chăn nuôi theo hình thức khép kín và đa dạng hóa vật nuôi.
 
Ông Chu Đức Mậu ở thôn 2, là một người có kinh nghiệm chăn nuôi heo lâu năm. Tuy nhiên, trước đây do không có đất để xây dựng chuồng trại, ông Mậu chỉ có thể chăn nuôi nhỏ lẻ, rất khó khăn trong việc mở rộng mô hình. Sau khi thực hiện DĐĐT, gia đình ông được cấp 2,7ha đất ở đồng Cồn Sim. Nhờ đó, ông Mậu đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường để chăn nuôi heo.
 
Hiện gia đình ông Mậu đang duy trì đàn heo trên 90 con, trong đó có 10 con heo nái, mỗi năm sinh sản hơn 200 heo con. Chỉ mới hơn 1 năm sau khi xây dựng mô hình, ông Mậu đã xuất bán 2 lứa lợn với hơn 100 con, thu lãi hơn 150 triệu đồng. “Ý định làm trang trại đã được vợ chồng tôi ấp ủ từ lâu nhưng ở dưới thôn 2 không có đủ diện tích nên đành chịu. Bây giờ lên đây, được cấp diện tích rộng, tôi mừng lắm. Sắp tới, ngoài hệ thống chăn nuôi lợn hiện đại, tôi sẽ quy hoạch lại vườn để trồng các loại cây ăn quả và các loại cây nguyên liệu làm thức ăn cho lợn, bò, gà… để giảm chi phí thức ăn cho chăn nuôi…”, ông Mậu cho biết.
 
Cạnh trang trại ông Mậu, gia đình ông Từ Đình Sơn cũng đang thực hiện cải tạo 1ha đất vừa được cấp để xây dựng mô hình “vườn-ao-chuồng”. Hiện trên diện tích đất của mình, ông Sơn thả nuôi 10 con heo rừng giống, 2 con trâu, 1 con bò; các loại gia cầm như gà, chim bồ câu và đào 1 ao cá. Cùng với đó, ông Sơn cũng kết hợp trồng các loại cây ăn quả, cây nguyên liệu làm thức ăn và trồng rừng làm vành đai chắn gió. Đến nay, các loại con, cây trồng của mô hình đã cơ bản sinh trưởng và phát triển tốt. Ông Sơn đã xuất bán 7 con heo rừng, bắt đầu có nguồn thu để tiếp tục tái đầu tư chăn nuôi…
 
Đến nay, đã có 10 hộ nông dân ở các thôn 1,2,3,4,5 của xã Quảng Kim đổi đất ruộng ở các cánh đồng khác để lên nhận đất ở đồng Cồn Sim phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp. Đây là những hộ nông dân “mê ruộng”, có quyết tâm phát triển kinh tế nông nghiệp để làm giàu cho bản thân và quê hương. Hiện xã Quảng Kim đang làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho các hộ này, để họ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất”, ông Giã Thanh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Kim cho biết.
 
Phan Phương

tin liên quan

Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

(QBĐT) - Ngày 21/6, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 05/CĐ-UBND về việc chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng. 

Kiểm soát hiệu quả mức tiêu thụ điện trong mùa nắng nóng

Nắng nóng diện rộng khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao. Tổng công ty Điện lực miền Trung khuyến cáo, người dân cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

"Chìa khóa vàng" phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

(QBĐT) - Dịch Covid-19 bùng phát, lây lan rộng và kéo dài trong hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế-xã hội (KT-XH). Để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NĐ-CP. Sau một thời gian triển khai, các chương trình của nghị quyết đã phát huy vai trò trong việc giúp người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.