Giải ngân vốn đầu tư công: Rà soát kỹ "kèm" giải pháp mạnh

  • 06:45 | Thứ Bảy, 18/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đến thời điểm 10/6/2022, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công (ĐTC) của tỉnh chỉ đạt khoảng 17%. Con số này quá thấp so với tổng nguồn vốn (bao gồm cả ngân sách trung ương trong nước, ngân sách tỉnh và nguồn ODA) được bố trí cho việc triển khai 178 dự án (DA) chuyển tiếp và khởi công mới năm 2022 trên toàn tỉnh. Điều này chứng tỏ Quảng Bình đang có những khó khăn vướng mắc và cần có giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn ĐTC.
 
Tỷ lệ giải ngân thấp
 
Năm 2022, Quảng Bình có 31 DA sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước, trong đó có 9 DA chuyển tiếp từ năm 2021 sang. Hiện tại, trong số 22 DA khởi công mới, có 5 DA vẫn đang lựa chọn nhà thầu xây lắp, 8 DA đang chờ thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, 5 DA đang lập, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, 2 DA đang trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn, 1 DA đang trình thẩm định báo cáo nghiên cứu kỹ thuật và 1 DA vừa được HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư nên đang chuẩn bị điều chỉnh DA. Tổng nguồn vốn giao cho các DA này năm 2022 là hơn 1,7 nghìn tỷ đồng và hiện mới chỉ giải ngân được hơn 300 tỷ đồng.
 
Cũng trong năm 2022, Quảng Bình có 11 DA sử dụng nguồn vốn ODA, gồm 9 DA chuyển tiếp và 2 DA khởi công mới. Tổng nguồn vốn ODA ngân sách trung ương giao cho tỉnh năm 2022 là gần 800 tỷ đồng; hiện mới chỉ giải ngân được hơn 8,5 tỷ đồng, tương đương khoảng 1% kế hoạch. 
Bảo đảm tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh.
Bảo đảm tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh.
Về nguồn vốn ngân sách tỉnh, năm 2022 bố trí thực hiện 136 DA; trong đó có 75 DA chuyển tiếp và 61 DA khởi công mới. Tổng nguồn vốn giao cho các DA khởi công mới năm 2022 là hơn 380 tỷ đồng, hiện mới chỉ giải ngân được hơn 12,5 tỷ đồng, chiếm 3,3% kế hoạch.
 
Riêng đối với nguồn ngân sách huyện, xã, từ cuối năm 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn các địa phương phân bổ và triển khai thực hiện nên cơ bản đạt tiến độ giải ngân theo kế hoạch. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao là Minh Hóa 67%, Tuyên Hóa 66%, Lệ Thủy 61%...
 
Nhiều khó khăn, vướng mắc
 
Thực tế cho thấy, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, kế hoạch vốn ĐTC cũng đã được giao sớm từ đầu năm; Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đốc thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC vẫn đạt rất thấp.
 
Trong buổi làm việc giữa UBND tỉnh với các sở, ngành, địa phương nhằm bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC vừa được tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đã chỉ rõ khó khăn lớn nhất dẫn đến việc chậm giải ngân kế hoạch vốn ĐTC là do một số sở, ngành cấp tỉnh cùng lúc làm chủ đầu tư nhiều DA thuộc nhiều nguồn vốn, năm 2021 đã bị chậm tiến độ giải ngân, phải đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 với số vốn tương đối lớn, năm 2022 lại được giao làm chủ đầu tư nhiều DA và tiến độ vẫn rất chậm.
Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.
Theo chúng tôi, đây là một gánh nặng cho công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2022 bởi các chủ đầu tư vừa phải tập trung giải ngân kế hoạch vốn kéo dài từ năm 2021 sang năm 2022, đồng thời phải tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án khởi công mới. Hơn nữa, do năm 2022 là năm đầu triển khai các DA mới của kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025, số lượng DA khởi công mới nhiều nên tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp.
 
Ông Mai Hồng Ngọc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Xét tình hình chung thì một số DA sẽ không thể giải ngân hết số vốn đã bố trí kế hoạch năm 2022 và buộc phải điều chuyển sang cho các DA khác do thời gian còn lại của năm không nhiều, trong khi tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư khá chậm. Trong khi đó, các DA được bố trí kế hoạch vốn ĐTC năm 2022 (kể cả các DA chuyển tiếp từ năm 2021 sang-PV) triển khai quá chậm và hầu như không có nhu cầu bổ sung thêm vốn, đặc biệt là các DA sử dụng nguồn vốn ODA nên dự kiến sẽ phải đề xuất huỷ một phần kế hoạch vốn năm 2022 đối với nguồn vốn ODA; đồng thời rà soát để điều chuyển đối với các DA sử dụng nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh.
 
Cũng theo ông Mai Hồng Ngọc, sở dĩ tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2022 của tỉnh chậm là do các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chờ cập nhật giá xăng dầu, sắt thép (ngày 10/4/2022-PV) đối với các DA có hợp đồng thi công trọn gói, sau đó mới trình sở chuyên ngành thẩm định. Về nguyên nhân chủ quan, một số chủ đầu tư chưa phối hợp sát sao với đơn vị tư vấn trong quá trình lập dự án, dẫn đến hồ sơ sai sót, phải chỉnh sửa nhiều lần. Thậm chí có chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập dự án chưa phù hợp với chủ trương đầu tư được phê duyệt, không tuân thủ quy hoạch xây dựng…
 
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân
 
Tinh thần chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC vừa qua là phải quyết liệt thực hiện, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Cầu vượt đường sắt trên tuyến đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, sử dụng vốn đầu tư công, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại.
Cầu vượt đường sắt trên tuyến đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, sử dụng vốn đầu tư công, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các chủ đầu tư có DA khởi công mới năm 2022 chậm tiến độ phải khẩn trương hoàn thành việc lập DA để trình các sở chuyên ngành thẩm định, chậm nhất ngày 15/6/2022. Mặt khác, cần phải lập kế hoạch chi tiết tình hình thực hiện và giải ngân của các DA để theo dõi sát sao các công việc cụ thể theo đúng tiến độ; đồng thời khẩn trương nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng công việc hoàn thành, tránh dồn vào cuối năm.
 
Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, phấn đấu đến 30/9/2022, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC toàn tỉnh đạt 80% và hoàn thành giải ngân 100% vào ngày 31/12/2022.
Đối với nguồn vốn kéo dài từ năm 2021 sang, các chủ đầu tư cần khẩn trương điều chỉnh thời gian thực hiện DA để triển khai và giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2021 được phép kéo dài thời gian thực hiện, đặc biệt là đối với các chủ đầu tư có nhiều DA triển khai năm 2022 như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Y tế; thường xuyên rà soát, đề xuất cắt giảm, bổ sung để điều chuyển vốn từ những DA giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang cho những DA giải ngân tốt…
 
Riêng các chủ đầu tư, ban quản lý DA ODA có tiến độ giải ngân chậm cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của mình để phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, nhà tài trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, thực hiện nghiệm thu thanh toán ngay khi có khối lượng công việc hoàn thành.
 
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo giám đốc các sở chuyên ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nâng cao trách nhiệm, chỉ đạo sát sao đơn vị tư vấn trong việc lập DA đúng chủ trương đầu tư đã được phê duyệt, rà soát kỹ lưỡng từng nội dung để tránh sai sót, phải điều chỉnh nhiều lần, làm chậm tiến độ thủ tục DA.
 
Nguyễn Hoàng

tin liên quan

Giữ lửa cho làng nghề

(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên từ làng nghề, nên tình yêu đối với nghề truyền thống của gia đình, quê hương đã in sâu vào tâm thức của bà. Chính vì thế, dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", cái tuổi nên được nghỉ ngơi để con cháu chăm sóc, phụng dưỡng, nhưng bà vẫn miệt mài, hăng say, tráng bánh để ''giữ lửa" cho làng nghề. Nhân vật mà chúng tôi muốn nói đó là bà Nguyễn Thị Đông, thôn Tân An, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch).

Ngăn ngừa "giặc lửa"

(QBĐT) - Từ đầu năm 2022, Hạt Kiểm lâm TP. Đồng Hới đã chú trọng triển khai đồng bộ các phương án bảo vệ rừng (BVR), đặc biệt là nâng cao hiệu quả trong phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

(QBĐT) - Ngày 14/6, Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Chương trình hành động số 13-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.