Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

  • 05:27 | Thứ Ba, 14/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm 2022, ngành chăn nuôi Quảng Bình tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động xấu của thời tiết, các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan… Do vậy, việc chủ động các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang được các ngành, địa phương khẩn trương triển khai…
 
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Công Tám cho biết, toàn tỉnh hiện có đàn trâu 32.161 con, đàn bò 99.430 con, đàn lợn 239.747 con, đàn gia cầm 4.545.255 con và 374 trang trại chăn nuôi. Trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, như: Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm A/H5N1.
 
Cũng theo ông Tám, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 35 hộ/16 thôn tại 11 xã thuộc 3 huyện với tổng số lợn tiêu hủy là 477 con. Hiện nay, còn 3 xã có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày là Cao Quảng, Thạch Hóa (Tuyên Hóa) và Hóa Sơn (Minh Hóa). Ngoài ra, dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra từ ngày 31/1/2022-8/2/2022 ở 1 hộ chăn nuôi tại xã Phú Thủy (Lệ Thủy) làm 4.100 con gà mắc bệnh, chết và tiêu hủy; dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra ở 21 hộ thuộc 4 huyện, thị xã là Quảng Ninh, Bố Trạch, Ba Đồn, Quảng Trạch với tổng diện tích 11,93ha, trong đó, diện tích bị bệnh đốm trắng 11,61ha, diện tích bị bệnh vi bào tử trùng 0,32ha...
 
Lệ Thủy là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn với hơn 1.800 nghìn con, trong đó, đàn gà trên 1.504 nghìn con. Nhiều xã có tổng đàn gia cầm cao, như: Hưng Thủy, Cam Thủy, Thanh Thủy và một số trang trại, gia trại có tổng đàn gia cầm trên 5.000 con. Hiện nay, nhiều hộ, trang trại có nhu cầu phát triển đàn, thêm vào đó việc vận chuyển buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm phục vụ nhu cầu của thị trường tiếp tục gia tăng nên nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan trên địa bàn huyện trong thời gian tới là rất lớn.
Nông dân huyện Lệ Thủy đàn chăm sóc đàn gà.
Nông dân huyện Lệ Thủy đàn chăm sóc đàn gà.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vương cho biết, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện, đặc biệt là công tác tiêm phòng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn sản xuất.
 
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên động vật nuôi ở địa bàn tỉnh, để chủ động phòng, chống dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tiến hành cấp phát hơn 5.000 tờ rơi và 120 quyển sổ tay hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống bệnh; hỗ trợ một số địa phương triển khai công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng; ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về đặc điểm, tính chất nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm trên gia súc, gia cầm và thủy sản; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh để người dân biết, thực hiện...
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của chi cục, hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đó là: Công tác giám sát dịch bệnh thông qua hoạt động kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y còn hạn chế; tiến độ tiêm phòng chậm, tỷ lệ tiêm phòng tại một số địa phương đạt thấp; công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh chưa thường xuyên... 
 
Một số địa phương không bố trí cán bộ thú y ở cấp xã mà thay vào đó là cán bộ lĩnh vực khác kiêm nhiệm nên không phát huy được vai trò trong phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, do tác động của đại dịch Covid-19 và hệ thống thú y cơ sở chưa đồng bộ nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chống dịch...
 
Theo ông Trần Công Tám, trong thời gian tới, dự báo ngành chăn nuôi tỉnh ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Giá thức ăn chăn nuôi có thể tiếp tục tăng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp nhất là dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi... Vì vậy, đơn vị đã triển khai một số giải pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho động vật nuôi, như: Phối hợp chặt chẽ với các địa phương phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra cho người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn địa phương tổ chức giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi; củng cố hệ thống báo cáo dịch bệnh từ cấp tỉnh đến cấp xã, nâng cao năng lực giám sát, lấy mẫu, xử lý ổ dịch cho thú y cơ sở.
 
Bên cạnh đó, đơn vị khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn và đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT, ngày 2/6/2016 của Bộ NN-PTNT; tăng cường chỉ đạo thực hiện tổng vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, khu vực chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ công tác vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh theo quy định; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh, nghi mắc bệnh...
 
Đến hết tháng 5/2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thực hiện tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục 4.720 liều, lở mồm long móng 35.427 liều, tụ huyết trùng trâu bò 41.400 liều, dịch tả lợn 22.190 liều, cúm gia cầm 692.100 liều; thực hiện thủ tục kiểm dịch đối với 54.424 con trâu bò, 27.840 con lợn, 360 con dê, 305.030 con gia cầm để giết thịt và 1.381 con lợn nuôi thương phẩm...
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Giá xăng lập kỷ lục mới, vượt mốc 32.000 đồng/lít

Từ 15h hôm nay (13/6), mỗi lít xăng tăng 800-880 đồng trong khi dầu tăng hơn 2.000 đồng và thiết lập mức cao nhất từ trước đến nay. Giá xăng lập kỷ lục mới, hơn 32.000 đồng/lít.

Không tăng giá dịch vụ khám-chữa bệnh, thận trọng trong tăng học phí

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng rủi ro lạm phát cuối năm là rất lớn, do vậy phải điều hành linh hoạt để giữ lạm phát theo mục tiêu nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống người dân.
 

Để vùng biên giới sáng bừng ánh điện

(QBĐT) - Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) là 2 xã vùng sâu, vùng biên giới của tỉnh hiện chưa có điện lưới quốc gia. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), củng cố an ninh-quốc phòng (AN-QP) và đời sống người dân. Vì thế chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình cấp điện lưới cho các địa phương này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các vùng miền.