Nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt Nam

  • 07:52 | Thứ Ba, 05/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2021, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (XTTM) (thuộc Sở Công thương) đã hỗ trợ xây dựng 8 điểm bán hàng Việt Nam, nâng tổng số điểm bán hàng Việt trên toàn tỉnh lên 23 điểm. Đây là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng.
 
Triển khai thực hiện CVĐ, ngay từ cuối năm 2015, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và XTTM bắt đầu triển khai xây dựng điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam".
 
Siêu thị Diến Hồng, thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) là điểm bán hàng Việt đầu tiên của tỉnh. Đến nay, các điểm bán hàng Việt đã được nhân rộng trên toàn tỉnh, giúp người dân dễ dàng tiếp cận được các mặt hàng sản xuất trong nước chất lượng cao, giá thành hợp lý, phù hợp với khả năng mua sắm; hình thành thói quen mua sắm hàng Việt thay thế các mặt hàng trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng Trung Quốc chất lượng kém…; kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
 
Trong quá trình triển khai, các điểm bán hàng Việt Nam tại các khu vực nông thôn, miền núi, nơi tỷ lệ hàng Việt chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân được ưu tiên hỗ trợ. Các điểm bán hàng được lựa chọn để tham gia chương trình phải có diện tích tối thiểu 150m2, hàng hóa kinh doanh là hàng Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm, ưu tiên các mặt hàng nông sản, đặc sản sản xuất trong tỉnh; chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết… 
Điểm bán hàng Việt tại xã Thanh Trạch (Bố Trạch).
Điểm bán hàng Việt tại xã Thanh Trạch (Bố Trạch).
Cửa hàng Bình Minh Mart, xã Thanh Trạch (Bố Trạch) là một trong những điểm bán hàng Việt Nam được hỗ trợ xây dựng từ năm 2019. Hiện, cửa hàng có khoảng 90% hàng hóa sản xuất trong nước, các mặt hàng chủ yếu là thực phẩm thiết yếu, hàng gia dụng, may mặc, đồ chơi trẻ em…
 
Đặc biệt, đây là điểm phân phối các mặt hàng hải sản khô, tươi sống đánh bắt trên vùng biển Quảng Bình và một số sản phẩm OCOP trong tỉnh. Sau khi được hỗ trợ làm điểm bán hàng Việt, cửa hàng được sắp xếp khoa học hơn, hàng hóa đa dạng hơn, giúp người dân xã Thanh Trạch và các xã lân cận có cơ hội mua các loại hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, giá cả phải chăng.
 
Còn tại cửa hàng Mini Mart, thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa), anh Mai Tiến Dũng, chủ cửa hàng chia sẻ: "Xây dựng điểm bán hàng Việt Nam, tôi được hỗ trợ thêm một số trang bị phục vụ trưng bày, như: Thiết bị bảo quản, giám sát, thanh toán, kệ trưng bày sản phẩm, hệ thống biển hiệu quảng cáo... giúp cửa hàng bài trí được điểm bán hàng có quy mô rộng rãi, ngay ngắn, hàng hóa phong phú, thuận tiện cho người tiêu dùng lựa chọn. Hiện, cửa hàng có hơn 95% hàng hóa là hàng Việt Nam có thương hiệu, nhãn hiệu. Chúng tôi cam kết tuyệt đối không chạy theo lợi nhuận để nhập bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Từ khi trở thành điểm bán hàng Việt Nam, người tiêu dùng ghé mua tại cửa hàng nhiều hơn trước".
 
Chị Trần Thị Xuân Quý, thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) cho biết: "Tôi thường đến cửa hàng Mini Mart để mua hàng tiêu dùng vì hàng hóa nơi đây chất lượng bảo đảm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cửa hàng bài trí đẹp mắt, ngăn nắp, khoa học và phong cách giao dịch văn minh, lịch sự. Thường thì tôi ưu tiên lựa chọn các mặt hàng của Việt Nam sản xuất vì hàng chất lượng mà giá thành hợp lý. Tuy nhiên, các điểm bán hàng Việt tại thị trấn Đồng Lê quy mô vẫn còn nhỏ, chủ yếu là hàng tạp hóa mà chưa có mặt hàng tươi sống, như: Rau, củ, quả, cá, thịt…"
 
Ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và XTTM cho biết: Điểm bán hàng Việt Nam được xây dựng và đưa vào hoạt động đã góp phần giới thiệu hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, thực hiện hiệu quả CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
 
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và XTTM sẽ tiếp tục quan tâm, định hướng và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng tiện ích bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh, nhân rộng thêm từ 6-8 điểm mỗi năm tại các địa phương, chú trọng các xã nông thôn, miền núi; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích các thương nhân đẩy mạnh đầu tư, phát triển, nhân rộng mô hình này bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, hình thành hệ thống phân phối hàng Việt trong toàn tỉnh; phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nguồn hàng hóa để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Đến nay, Trung tâm Khuyến công và XTTM đã xây dựng được 23 điểm bán hàng Việt với nguồn kinh phí hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng.

Nhiều địa phương vùng nông thôn, miền núi được hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng Việt, như: xã Quảng Tùng, Quảng Đông (Quảng Trạch), xã Phúc Trạch, Sơn Trạch (Bố Trạch), xã An Ninh, Hải Ninh (Quảng Ninh), thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa)…

 
 Thanh Hoa

tin liên quan

Quảng Bình tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2022

(QBĐT) - Sáng 31/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2022). 

Ông Đặng Tất Thắng sẽ làm Chủ tịch FLC, Chủ tịch Bamboo Airways

Ông Đặng Tất Thắng sẽ chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của FLC và Bamboo Airways cho đến khi có quyết định mới của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị.

Hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững

(QBĐT) - Nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều mô hình đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất.