Hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững

  • 07:03 | Thứ Hai, 04/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều mô hình đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất.
 
Nhiều mô hình hiệu quả
 
Những năm qua, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: Thiên tai, dịch bệnh, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm… Từ những khó khăn này, việc cải tiến quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn thực phẩm và hạn chế dịch bệnh góp phần tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi, nâng cao thu nhập của người dân trở thành nhu cầu cấp thiết.
 
Năm 2021, Trung tâm KN-KN tỉnh đã thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bảo đảm an toàn thực phẩm tại xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) và xã Hải Ninh (Quảng Ninh) với quy mô 2ha.
 
Tham gia mô hình, người dân được Trung tâm KN-KN tỉnh hỗ trợ giống và vật tư (thức ăn, chế phẩm sinh học, vitamin…); cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi và hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký sản xuất. Trước khi thực hiện, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật nuôi, quy trình chăm sóc và cách phòng trừ dịch hại trên tôm.
 
Anh Nguyễn Minh Giáp ở xã Ngư Thủy Bắc cho biết, quá trình nuôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn việc ghi nhật ký theo dõi trạng thái sức khỏe của tôm nuôi và các chỉ số môi trường; cách bảo quản thức ăn, hóa chất, tăng cường việc sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc và hóa chất. Mô hình được áp dụng theo công nghệ nuôi hai giai đoạn và tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học nên đã hạn chế tối đa dịch bệnh trên tôm nuôi nhất là các bệnh về môi trường.
 
“Sau một thời gian chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vụ tôm của gia đình tôi đạt sản lượng cao với hơn 5,4 tấn. Với giá bán 120.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về hơn 160 triệu đồng sau khi trừ chi phí”, anh Giáp chia sẻ. 
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Chị Hồ Thị Thủy, Phó phòng Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm KN-KN tỉnh cho biết: “Quá trình thực hiện mô hình tại các hộ nuôi đạt kết quả cao, tỷ lệ sống đạt 75%, năng suất đạt trên 10 tấn/ha. Thu nhập bình quân của các hộ nuôi đạt từ 140-160 triệu đồng. Mô hình được các hộ nuôi đánh giá cao, xem đây là hình thức nuôi mới có thể thay thế hình thức nuôi truyền thống trước đây. Từ hiệu quả của mô hình, nhiều người dân trong vùng và các địa phương lân cận đã tham quan học hỏi và áp dụng vào sản xuất”.
 
Với mục tiêu đưa những giống lúa mới triển vọng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng, Trung tâm KN-KN tỉnh đã thực hiện mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa ADI trên quy mô 5,5ha. Trong đó: Lệ Thủy 2ha, Quảng Ninh 2ha và Bố Trạch 1,5ha. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được hỗ trợ 50% giống và vật tư phân bón. Trong quá trình sản xuất, bà con được cán bộ kỹ thuật của trung tâm trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm bón, phòng ngừa sâu bệnh…
 
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng (Lệ Thủy) cho biết: “Vụ đông-xuân 2020-2021, HTX phối hợp với Trung tâm KN-KN tỉnh sản xuất thử nghiệm 2ha lúa ADI28. Giống lúa này có tỷ lệ nảy mầm khá cao trên 90%; giống đẻ nhánh tập trung, cây cao trung bình 100-110cm, cứng cây, khả năng chống ngã đổ tốt. Năng suất thu hoạch bình quân đạt 60-68 tạ/ha. Hạt gạo dài, trắng, cơm mềm dẻo và có hương thơm nhẹ”.
 
Năm 2021, Trung tâm KN-KN tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai thí điểm nhiều mô hình KN, bước đầu đem lại những kết quả tích cực. Các mô hình sản xuất thử nghiệm các giống mới cho kết quả tốt, triển vọng và được đề xuất nhân rộng trong thời gian tới, như: Lúa ADI28, ngô PAC 789, lạc L29...
 
Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, mô hình chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm, sen bước đầu đánh giá khá phù hợp, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Trong đó, mô hình chuyển đổi trồng sen cho hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa.
 
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
 
Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh, các mô hình KN được triển khai thực hiện nhằm mục đích giới thiệu, chuyển giao kỹ thuật về các giống cây trồng, vật nuôi mới; đồng thời giúp người dân tiếp cận với phương pháp phát triển sản xuất theo định hướng thị trường.
 
Thông qua các mô hình, trung tâm đã đưa các tiến bộ khoa học công nghệ đến gần với người dân; giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, chủ động áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi.
 
Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao vào sản xuất đã khẳng định được hiệu quả kinh tế mang lại, năng suất, chất lượng và giá trị được nâng lên như: Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn đạt năng suất 25 tấn/ha, mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP trong nhà màng cho thu nhập bình quân 35 triệu đồng/vụ.
 
Trong năm 2022, Trung tâm KN-KN tỉnh lựa chọn các mô hình có quy mô phù hợp, gắn với việc thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp của tỉnh. Căn cứ vào chương trình KN tỉnh giai đoạn 2021-2025, trung tâm sẽ xây dựng các chương trình, nhiệm vụ KN tập trung trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản gắn với đào tạo chuyển giao công nghệ, liên kết tiêu thụ sản phẩm… nhằm tiếp tục đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống mới, kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất.
 
Trung tâm tiếp tục xây dựng các mô hình thử nghiệm các giống cây, con mới, đánh giá tính thích nghi cũng như khả năng sinh trưởng phát triển để từng bước bổ sung vào bộ giống của tỉnh, đa dạng hóa đối tượng nuôi.
 
Đặc biệt là ưu tiên hỗ trợ các mô hình, chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của tỉnh; các mô hình ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất mới; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và mô hình áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến.
Năm 2021, từ nguồn kinh phí của tỉnh, Trung tâm KN-KN tỉnh đã thực hiện 19 mô hình trên các lĩnh vực; trong đó: 12 mô hình trồng trọt, lâm nghiệp, 4 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình thủy sản. Ngoài ra, trung tâm đã phối hợp ký hợp đồng thực hiện 8 mô hình, dự án với các tỉnh và Trung tâm KN Quốc gia.
Lan Chi

tin liên quan

Quảng Bình tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2022

(QBĐT) - Sáng 31/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2022). 

Ông Đặng Tất Thắng sẽ làm Chủ tịch FLC, Chủ tịch Bamboo Airways

Ông Đặng Tất Thắng sẽ chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của FLC và Bamboo Airways cho đến khi có quyết định mới của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị.

Thả 850.000 tôm sú giống và tặng 10.000 cờ Tổ quốc cho ngư dân

(QBĐT) - Sáng 31/3, tại bến sông Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình và Báo Người lao động tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân.