Phát huy hiệu quả tổ đoàn kết, tổ hợp tác trên biển

  • 07:23 | Thứ Tư, 30/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, các tổ đoàn kết (TĐK), tổ hợp tác (THT) trên biển đã giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
 
Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 23/2/2020, tàu cá của ông Lê Ngọc Cúc (tổ viên THT Bắc Phú, xã Quang Phú, TP. Đồng Hới) công suất 120CV mang số hiệu QB 91813 TS khi ra cửa lạch Nhật Lệ, đã bị mắc cạn, dẫn đến chìm tàu và được các tàu trong TĐK trục vớt đưa vào bờ.
 
Tiếp đó, 14 giờ ngày 21/3/2020, tàu cá QB 11163 TS của anh Nguyễn Văn Dương (thôn Tây Phú, xã Quang Phú) đang neo đậu tại sông Nhật Lệ không may bị chìm. Sau khi nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Nhật Lệ đã điều động nhân lực và phương tiện, phối hợp với các TĐK của Hội Nông dân xã và các tàu cá ở địa phương kịp thời trục vớt tàu, góp phần hạn chế thiệt hại về tài sản cho ngư dân.
 
Anh Nguyễn Văn Dương cho biết: "Nhờ các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên Phòng Nhật Lệ, các thành viên trong TĐK, Hội Nông dân, các tàu cá ở trong xã và bà con đã giúp đỡ gia đình trong hoạn nạn. Sự ứng cứu kịp thời của mọi người đã hạn chế thiệt hại về tài sản cho gia đình chúng tôi."
(QBĐT) - Thời gian qua, các tổ đoàn kết (TĐK), tổ hợp tác (THT) trên biển đã giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
 Việc thành lập TĐK, THT giúp ngư dân an tâm bám biển.
Chị Nguyễn Thị Hải Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Phú cho biết: Đánh bắt thủy hải sản trên biển, ngư dân luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, như: Thiên nhiên bất trắc, đau ốm, tàu hư hỏng, tàu nước ngoài va đâm… Vì vậy, việc thành lập các TĐK, THT trên biển không chỉ giúp các ngư dân đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong việc đánh bắt thủy hải sản mà còn để giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, hay thông báo cho nhau khu vực có nhiều cá, nhiều mực để đến đánh bắt. Hiện nay, toàn xã có 108 tàu, thuyền, có 7 TĐK với 58 thành viên, sản lượng khai thác năm 2021 đạt 2.500 tấn. Vì vậy, đánh bắt theo tổ, đội được xem là hướng đi bền vững trong khai thác hải sản.
 
Xã Đức Trạch (Bố Trạch) hiện có khoảng 450 tàu, thuyền lớn nhỏ, trong đó, 244 tàu có công suất 90CV, sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 8-10 nghìn tấn. Trước đây, khi chưa thành lập TĐK, thì các tàu thường đi theo từng nhóm để dễ dàng hỗ trợ nhau khi cần thiết. Từ khi các tổ, đội đoàn kết trên biển được thành lập, các tàu thành viên càng hỗ trợ nhau cứu hộ, cứu nạn tốt hơn, kịp thời hơn. Các ngư dân trong tổ luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi có sự cố xảy ra.
 
Theo ông Trương Quang An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch thì hiện nay, toàn xã có 19 THT, 1 HTX đánh bắt xa bờ với 200 thành viên. Nhờ các THT, HTX mà mỗi khi có rủi ro, hoạn nạn, các thành viên đã kịp thời ứng cứu. Mỗi khi thấy tàu đánh cá lạ xâm nhập trái phép vùng biển của mình và gây chuyện, các tàu THT lại báo cho nhau qua máy bộ đàm, đoàn kết cùng nhau xua đuổi.
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 6.792 tàu cá, có 86 TĐK khai thác hải sản với tổng số 485 tàu cá tham gia, 117 THT khai thác thủy sản với khoảng hơn 700 tàu cá tham gia và 2 nghiệp đoàn nghề cá. Các TĐK, THT, HTX có tổ chức chặt chẽ, gắn bó mật thiết với nhau về lợi ích kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, giúp đỡ nhau trong quá trình đánh bắt trên biển.
 
Thông qua hoạt động của các TĐK, THT trên biển, các sở, ngành liên quan đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm nâng cao nhận thức của người dân; giúp đỡ ngư dân tìm kiếm ngư trường, giúp nhau trong hoạn nạn, hỗ trợ nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm...
 
Ông Trần Quang Viên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Nhằm phát triển mạnh các TĐK, THT trên biển, nhất là đối với khai thác hải sản xa bờ, kết hợp bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo, thời gian tới, chi cục đẩy mạnh thành lập mới, cũng cố phát triển, nhân rộng các mô hình TĐK, THT sản xuất trên biển hiệu quả, bảo đảm an toàn khai thác trên biển.
 
Phạm Hà

tin liên quan

Hiệu quả tín dụng chính sách ở xã biên giới

(QBĐT) - Trọng Hóa là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa. Nơi đây, gần 95% số hộ dân thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã hỗ trợ cho rất nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống.

Khởi nghiệp từ bột ngũ cốc dinh dưỡng

(QBĐT) - Nhận thấy nhu cầu sử dụng bột ngũ cốc dinh dưỡng tổng hợp từ các loại đậu, hạt đang được người tiêu dùng ưa chuộng, chị Nguyễn Thị Nga (SN 1984) ở thôn Đông Hưng, xã Quảng Đông (Quảng Trạch) đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để chế biến nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng. Khởi nghiệp thành công, chị Nga còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều chị em phụ nữ ở địa phương…

Đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình

(QBĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan và Tập đoàn Dohwa về tình hình đầu tư dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình, diễn ra sáng nay, 29/3.