Doanh nghiệp may khan hiếm lao động

  • 08:39 | Thứ Bảy, 19/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cứ sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán là tình trạng thiếu lao động lại xảy ra ở các doanh nghiệp (DN), do nguồn lao động đi vào các tỉnh phía Nam và đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Năm nay, tình trạng thiếu lao động ở các DN may mặc có phần gay gắt hơn các năm trước.
 
Ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết, hầu hết các DN ra quân sản xuất đầu năm vào ngày mồng 6 đến mồng 8 Tết Nguyên đán. Vào ngày ra quân sản xuất đầu năm, một số DN có số lượng lao động lớn thuộc các lĩnh vực sản xuất: trang phục, gỗ ván ép xuất khẩu, xi măng… Để bảo đảm quá trình sản xuất an toàn, các DN đã thực hiện xét nghiệm toàn diện cho người lao động trước khi vào sản xuất và bố trí phương tiện đưa đón lao động, thực hiện “một cung đường hai điểm đến”.
 
Theo nắm bắt của phóng viên, hầu hết các DN trong lĩnh vực may mặc đều thiếu lao động khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch sản xuất sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2022.
 
Bà Trần Thị Thơm, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH S&D Quảng Bình, cho biết: "Theo quy mô sản xuất cần đến 2.000 lao động, hiện tại, công ty chúng tôi đang thiếu từ 500-700 lao động. Đó là chưa kể sau Tết có 45 lao động phải nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ quân sự và một số khác đi xuất khẩu lao động nước ngoài".
 
Tại Công ty May Thăng Long, ông Đặng Thăng Long, Tổng Giám đốc cho biết: Ở cả 2 cơ sở của công ty (cơ sở ở phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới và ở phường Quảng Thuận, TX. Ba Đồn) hiện thiếu hơn 200 lao động. Công ty vừa sản xuất, vừa tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng yêu cầu thực hiện các đơn hàng.
 
Có lẽ, tình trạng thiếu lao động ở Xí nghiệp May Hà Quảng (thuộc Tổng Công ty May 10) là gay gắt hơn cả. Theo quy mô sản xuất, hiện tại, DN này thiếu gần 800 lao động. Ông Võ Xuân Trung, Giám đốc Xí nghiệp May Hà Quảng cho biết: “Trong năm 2022, đơn vị thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất. Hiện, nhà xưởng, máy móc thiết bị và các điều kiện khác để phục vụ cho việc mở rộng quy mô sản xuất đã sẵn sàng, nhưng chưa tuyển dụng được lao động”.
 
Trong số các DN hoạt động ở lĩnh vực may mặc, qua nắm bắt của phóng viên, chỉ có duy nhất Chi nhánh Công ty CP dệt may Huế (ở Cam Liên, Lệ Thủy) là không phải băn khoăn đến vấn đề thiếu lao động. Theo đại diện của đơn vị cho biết, do chủ yếu sử dụng nguồn lao động của địa phương, mà cụ thể là các xã xung quanh nhà máy nên nguồn lao động ở đây cơ bản ổn định, với khoảng 800 người, vì thế rất ít biến động, nhất là mỗi dịp ra Tết.
 
Cùng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, việc phục hồi mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đã tác động tích cực đến thị trường lao động, việc làm. Ngay sau Tết Nguyên đán, các DN đã bắt tay vào sản xuất với nhiều dự định mở rộng quy mô, cùng với đó là nhu cầu tuyển dụng lao động với kỳ vọng một năm kinh doanh ổn định và phát triển hơn.
 
Các DN may mặc ở Quảng Bình hiện đều bảo đảm đơn hàng để sản xuất cho đến hết tháng 6/2022. Nhiều DN ngay từ quý IV/2021, sau khi triển khai hoạt động sản xuất ,kinh doanh thích ứng an toàn theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ đã nhận được rất nhiều đơn hàng.
 
Ông Võ Xuân Trung, Giám đốc Xí nghiệp May Hà Quảng cho biết, với những tín hiệu khởi sắc đối với ngành dệt may, Xí nghiệp May Hà Quảng phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất, đạt doanh thu 11 triệu USD, lợi nhuận 19 tỷ đồng, bảo đảm cho lao động có thu nhập bình quân từ 8-9 triệu đồng/tháng/người trong năm 2022.
Công nhân Công ty TNHH S&D Quảng Bình kiểm tra, đóng gói sản phẩm.
Công nhân Công ty TNHH S&D Quảng Bình kiểm tra, đóng gói sản phẩm.
Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đến nay, Quảng Bình đã và đang thực hiện hiệu quả mục tiêu kép-vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phục hồi kinh tế, tạo đà cho tái sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các xí nghiệp may trên địa bàn đều đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là các DN có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất.
 
“Do yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nên nhu cầu tuyển dụng lao động của Xí nghiệp May Hà Quảng là rất lớn. Chúng tôi mong muốn có sự kết nối của các địa phương, sở, ngành để được tiếp cận, tuyển dụng được nguồn  lao động vào làm việc tại xí nghiệp”, ông Võ Xuân Trung nói.
 
Trên thực tế, từ nguồn lao động ở các tỉnh phía Nam trở về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021 (theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tới tháng 11/2021 là gần 8.000 người trong độ tuổi lao động), trong đó có khá nhiều lao động trong ngành may mặc, nên trong những tháng cuối năm 2021, các DN cũng đã tuyển dụng được không ít lao động. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, cùng với tình hình dịch bệnh được kiểm soát và thích ứng an toàn, linh hoạt, nhiều lao động đã trở lại các tỉnh, thành phố phía Nam.
 
“Cuối năm 2021, công ty cũng đã tuyển dụng được một số lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, số lao động này đã nghỉ việc để vào lại trong đó rồi”, bà Trần Thị Thơm, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH S&D Quảng Bình cho biết.
 
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình, tình hình nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh đầu năm mới cho thấy, nhu cầu lao động tăng cao. Đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 40 DN liên hệ với trung tâm để tuyển dụng lao động, với nhu cầu tuyển dụng là 5.000 chỉ tiêu, trong đó ngành may mặc là 3.700 chỉ tiêu.
 
Với sự phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, không chỉ nền kinh tế mà thị trường lao động đã khởi sắc hơn, tạo cơ hội việc làm cho lao động thất nghiệp, lao động mất việc làm, lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê. Đồng hành với DN trong các hoạt động kết nối tuyển dụng lao động, ngành LĐ-TB-XH tỉnh cũng đang hỗ trợ tối đa các DN tuyển dụng lao động.
 
Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình (thuộc Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Trung tâm hiện đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, các huyện, xã để rà soát, thống kê nhu cầu lao động, triển khai kết nối tuyển dụng lao động với các DN. Trong phiên giao dịch đầu năm diễn ra vào ngày 17/2/2022, đã có 11 DN đến đăng ký tuyển dụng 400 chỉ tiêu.
 
“Cùng với việc hỗ trợ kết nối tuyển dụng lao động thì một vấn đề hết sức quan trọng đó là các DN cũng cần phải có phương án giữ chân người lao động bằng các chế độ chính sách thỏa đáng, từ đó, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình chia sẻ.
Anh Tuấn

tin liên quan

Lệ Thủy: Hỗ trợ hiệu quả chương trình phát triển sản xuất

(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Lệ Thủy đã ưu tiên triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2021 là 3,35%, hộ cận nghèo là 2,86%.

Theo chân Đội Hotline 2

(QBĐT) - Để nâng cao độ tin cậy, giảm thời gian ngừng cấp điện cho khách hàng, bảo đảm lưới điện trung áp 22kV vận hành an toàn, thông suốt, giảm các sự cố và hiện tượng bất thường, tháng 1/2021, Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) đã thành lập Đội sửa chữa nóng lưới điện (gọi tắt là Đội Hotline 2). Hơn một năm đi vào hoạt động với nhiều khó khăn, vất vả, nguy hiểm, cán bộ, công nhân của đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình…

Bảo đảm sinh kế cho người nghèo

(QBĐT) - Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, công tác đa dạng hóa sinh kế là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ hết sức cần thiết, giúp người dân còn nhiều khó khăn có động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.