Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản

  • 11:24 | Thứ Bảy, 22/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã chú trọng công tác tham mưu, quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 
Tăng cường công tác quản lý nhà nước
 
Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Huệ cho biết: Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, sở đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai hướng dẫn, áp dụng thi hành Luật Khoáng sản nghiêm túc và kịp thời, sát đúng với thực tế; ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành làm rõ trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý bảo vệ khoáng sản của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.
 
Trong công tác quy hoạch khoáng sản, sở đã tham mưu UBND tỉnh lập quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường giai đoạn giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025; xác định được nhu cầu thực tế để cân đối quy hoạch, đáp ứng nguồn cung, không để thiếu nguồn cung làm đẩy giá vật liệu xây dựng, tạo áp lực cho các công trình dự án và gia tăng nạn khai thác trái phép.
 
Tổng số mỏ khoáng sản đưa vào quy hoạch là 184 mỏ, tổng diện tích hơn 2.000ha, trong đó 59 mỏ khoáng sản đá làm VLXD thông thường; 23 mỏ khoáng sản sét gạch ngói; 54 mỏ khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường; 48 mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp. Đồng thời, sở cũng tiến hành rà soát, kiểm tra các khu vực không đấu giá khai thác khoáng sản do các địa phương đề xuất, lập kế hoạch, phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2021.
 
Năm 2021, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Chính phủ khoanh định bổ sung khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; ban hành Quy chế phối hợp, văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc khai thác, tập kết, kinh doanh vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tiếp tục được tăng cường, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội.
Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tiếp tục được tăng cường, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với Sở TN-MT, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản cũng được các địa phương trong tỉnh chú trọng. Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phan Văn Thanh cho biết: Để đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đi vào nền nếp, thời gian qua, bên cạnh việc triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông và đất san lấp; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
 
Phát huy hiệu quả nguồn lực tài nguyên khoáng sản
 
Hiện nay, Sở TN-MT đã hoàn thành việc lập Bản đồ phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng, tài nguyên trên địa bàn tỉnh và bàn giao cho Sở Kế hoạch-Đầu tư tổng hợp, đưa vào quy hoạch tỉnh, kết quả đã khoanh định được 281 điểm 232 mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường của 4 loại khoáng sản với tổng diện tích  hơn 2.000ha, trữ lượng hơn 900 triệu m3. Cụ thể, khoáng sản sét gạch, ngói đã khoanh định 23 điểm mỏ; khoáng sản đất san lấp đã khoanh định 73 điểm mỏ, với tổng trữ lượng, tài nguyên dự báo khoảng hơn 50 triệu m3; khoáng sản cát xây dựng đã khoanh định 80 điểm mỏ.
 
Bên cạnh đó, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cấp phép khai thác khoáng sản luôn được Sở TN-MT quan tâm chỉ đạo Phòng Khoáng sản thực hiện kịp thời theo đúng quy định của pháp luật và kế hoạch đấu giá năm.... để cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 108 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực. Trong đó, 50 mỏ đá xây dựng, trữ lượng 73 triệu m3; 30 mỏ cát, sỏi lòng sông; 18 mỏ cát ven biển; 5 mỏ đất, đá san lấp; 5 mỏ sét làm gạch ngói. Ngoài ra, Bộ TN-MT cấp 16 giấy phép còn hiệu lực. Nhờ vậy, tỉnh Quảng Bình luôn luôn chủ động và đáp ứng đầy đủ nguồn nguyên vật liệu cho mọi công trình dự án trên địa bàn tỉnh trong mọi tình huống.
 
Đặc biệt, Sở TN-MT đã đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải cách công vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân. Hiện nay, các quy trình cấp phép khai thác khoáng sản đều được thực hiện thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Việc giải quyết các hồ sơ thủ tục về cấp phép hoạt động khoáng sản trong năm 2021 bảo đảm các thủ tục theo quy định pháp luật.
 
Tiếp tục quản lý tốt nguồn tài nguyên khoáng sản
 
Theo đánh giá của Sở TN-MT, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục. Nổi lên là, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra; công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các địa phương chưa được chú trọng đúng mức. Mặt khác, công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do sự chồng chéo giữa các luật với Luật Khoáng sản.
 
Theo Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Huệ, để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Luật Khoáng sản và các văn bản thi hành. Đồng thời, nâng cao công tác thẩm định, đánh giá chất lượng, trữ lượng khoáng sản để quản lý cấp phép khai thác có hiệu quả.
 
Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Bình thời kỳ cuối giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2025 và Quy hoạch tỉnh 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 sau khi được phê duyệt. Thực hiện cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy hoạch để tăng nguồn thu cho ngân sách.
 
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; chấn chỉnh trình trạng khai thác trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản.
 
Năm 2021, Sở TN-MT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành 37 giấy phép, quyết định hoạt động khoáng sản. Trong đó có 7 giấy phép khai thác khoáng sản, 7 giấy phép khai thác khoáng sản trong dự án đầu tư xây dựng công trình; 3 quyết định gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản; 10 quyết định phê duyệt trữ lượng và 5 giấy phép thăm dò khoáng sản; 1 quyết định điều chỉnh giấy phép; 2 quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ...
Anh Tuấn

tin liên quan

Đường đến tương lai

(QBĐT) - Tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình vào tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, Quảng Bình cần hoàn thành quy hoạch tỉnh với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá song song với phát triển hạ tầng đồng bộ bằng cách kết nối các địa phương. Dự án thành phần 1- Đường ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 là một trong những điểm nhấn quan trọng, đặt nền móng cho hệ thống giao thông đồng bộ, từng bước hiện đại, là "đòn bẩy" để Quảng Bình khai mở những tiềm năng mới, vững tin phát triển.  
 

Hành trình thương hiệu "cam Kim Lũ"

(QBĐT) - Đưa chúng tôi ra thăm vườn cam đang trĩu quả, anh Trương Quốc Việt (xã Kim Hóa, Tuyên Hóa) khoát tay chỉ một vòng tròn quanh khoảng đồi có hơn chục ha cam rồi nói át tiếng gió thổi: "Đây là vụ đầu được coi là vụ bói. Theo kỹ thuật thì phải bỏ trái, nhưng tôi thấy cây tốt, có sức nên chỉ cắt bỏ phân nửa trái thôi. Vậy mà đã có thương lái bỏ sỉ 600 triệu đồng mua trọn vụ cam này đấy".

Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021

(QBĐT) - Sáng nay, 21/1, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP năm 2021.