Phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi: Bảo đảm an toàn, phục vụ thị trường Tết

  • 07:33 | Thứ Tư, 05/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời điểm này, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tích cực tăng đàn, chăm sóc đàn vật nuôi nhằm đáp ứng thị trường Tết Nguyên đán. Trước nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi bùng phát trở lại, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống để bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế thiệt hại cho người dân.
 
Những tháng cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa bàn huyện Quảng Trạch diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện trở lại của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).
 
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch, từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, trên địa bàn huyện có 9/17 xã xảy ra DTLCP, làm chết và tiêu hủy hơn 500 con lợn. Sau thời gian thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, DTLCP trên địa bàn huyện Quảng Trạch được khống chế. UBND huyện đã có quyết định công bố hết dịch theo đúng quy định.
Công tác vệ sinh chuồng trại phòng, chống dịch bệnh được người chăn nuôi và chính quyền các đia phương thực hiện nghiêm túc.
Công tác vệ sinh chuồng trại phòng, chống dịch bệnh được người chăn nuôi và chính quyền các đia phương thực hiện nghiêm túc.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, do thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện cho dịch phát sinh, công tác kiểm soát dịch bệnh và ý thức phòng, chống dịch của một bộ phận nhân dân còn hạn chế nên 6 địa phương trên địa bàn huyện đã tái xuất hiện trở lại DTLCP, gồm: Phù Hóa, Cảnh Hóa, Quảng Xuân, Liên Trường, Quảng Tùng và Quảng Phú.
 
Ngay sau khi nhận được thông báo của các địa phương, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch đã phối hợp với các đơn vị, địa phương chủ trì lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn tiêu hủy, chôn lấp đàn lợn, vệ sinh tiêu độc khử trùng đúng quy trình kỹ thuật.
 
Ông Tưởng Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch cho biết, để chủ động kiểm soát, không để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, đơn vị đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đến nay, toàn huyện thực hiện tiêm phòng 2 đợt vắc-xin cho vật nuôi, đạt tỷ lệ 93,86%, số lượng các loại vắc-xin đã tiêm là 31.414 liều/ 33.470 liều. Các loại vắc-xin được tiêm, gồm: Lở mồm long móng (LMLM) trâu, bò; tụ huyết trùng (THT) trâu, bò; dịch tả lợn; cúm gia cầm (CGC)…
 
Hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Minh Hóa đang tích cực tái đàn, tăng đàn để phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
 
Theo bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Minh Hóa, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất các ổ dịch phát sinh, ngăn ngừa dịch lây lan trên diện rộng, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các phương án, kế hoạch, công điện về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quy trình phòng bệnh tổng hợp…, giúp người dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh, từ đó, tự giác thực hiện.
 
UBND huyện đã cấp phát 6.245 lít hóa chất, 57.000 tấn vôi bột, áo quần bảo hộ chống dịch và máy động cơ phun tiêu độc cho UBND các xã, thị trấn trên địa bàn. Công tác tiêm phòng được triển khai cơ bản kịp thời. Các địa phương đã tiêm phòng khẩn cấp vắc-xin viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò với 15.475 liều, đạt tỷ lệ 82,96%; tiêm 61.194 liều vắc-xin LMLM, THT cho đàn trâu, bò, đạt tỷ lệ 81% tổng đàn…
Các trang trại chăn nuôi đang tích cực chăm sóc đàn gia cầm, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Các trang trại chăn nuôi đang tích cực chăm sóc đàn gia cầm, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện có 244.014 con, đàn trâu 32.470 con, đàn bò 106.936 con và tổng đàn gia cầm hơn 4.680.000 con. Để phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, chi cục đã tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh, như: Tiến hành phun hóa chất ở các chuồng trại chăn nuôi của người dân, tiêm phòng vắc-xin…
 
Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã tiêm 84.100 liều vắc-xin VDNC trâu, bò; 80.745 liều vắc-xin LMLM trâu, bò; 88.381 liều vắc-xin THT trâu bò; 63.981 liều vắc-xin dịch tả lợn, tam liên lợn; 24.711 liều vắc-xin dại chó; 336.000 liều vắcxin CGC.
 
Chi cục đã tiếp nhận, cấp phát 12.700 lít hóa chất sát trùng từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh nhằm ngăn chặn, tiêu diệt mầm bệnh phát sinh và lây lan; hướng dẫn kỹ thuật khử trùng bảo đảm môi trường chăn nuôi và xử lý động vật chết, bị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho hay, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang diễn biến phức tạp. Thời điểm cận Tết, tổng đàn và việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm tăng, cùng với đó là hiện tượng thời tiết cực đoan làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, nên nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh cao. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục triển khai biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh; tuyên truyền, phổ biến cho người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
 
Tính đến cuối tháng 12-2021, DTLCP đã xảy ra ở 275 hộ tại 43 xã trên địa bàn 8 huyện, thành phố, thị xã làm 2.340 con lợn chết, tiêu hủy với tổng trọng lượng là 140.232kg. Hiện có 38/43 xã đã qua 21 ngày còn 5 xã/2huyện chưa qua 21 ngày, gồm: Cảnh Hóa, Phù Hóa, Quảng Phú, Quảng Tùng (Quảng Trạch) và Mai Hóa (Tuyên Hóa). Bệnh VDNC trên trâu, bò đã xảy ra ở 6.261 hộ tại 125 xã trên địa bàn 8 huyện, thành phố, thị xã, làm 10.070 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 1.340 con chết, tiêu hủy. Đến nay, bệnh VDNC trên trâu, bò đã được công bố hết dịch trên địa bàn toàn tỉnh.
Lan Chi

tin liên quan

Kinh tế toàn cầu: Những mảng màu đan xen

Làn sóng mới của dịch Covid-19 làm chậm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, song các dự báo vẫn chỉ ra những tín hiệu khả quan. Theo báo cáo thường niên của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR), sản lượng kinh tế thế giới sẽ lần đầu tiên đạt mốc 100 nghìn tỷ USD vào năm 2022. GDP toàn cầu cũng sẽ cao hơn mức trước đại dịch.

 

Bước chuyển mình của nông nghiệp Quảng Bình

(QBĐT) - Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc ngày càng diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao, việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng hữu cơ là một trong những giải pháp mà ngành Nông nghiệp, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang hướng tới để phát triển chăn nuôi bền vững.

Bố Trạch: Giảm chi phí đầu vào trong sản xuất vụ đông-xuân 2021-2022

(QBĐT) - Vượt lên những khó khăn do đại dịch Covid-19, bà con nông dân huyện Bố Trạch sẵn sàng bước vào sản xuất vụ đông-xuân 2021-2022. Huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm bớt chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích.