Lệ Thủy: Vụ đông-xuân dự báo nhiều khó khăn

  • 08:51 | Thứ Ba, 18/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được xem là vụ sản xuất chính với diện tích theo kế hoạch là 10.191ha, tuy nhiên, vụ lúa đông-xuân 2021-2022 ở huyện Lệ Thủy được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn bởi giá giống, vật tư, nguyên liệu đầu tư, phục vụ cho sản xuất tăng cao… Trước những thách thức đó, huyện đang nỗ lực, chủ động, tập trung triển khai các giải pháp ứng phó để bảo đảm vụ mùa thành công…
 
Xã An Thủy là một trong những địa phương có diện tích gieo lúa vụ đông-xuân lớn của huyện Lệ Thủy với hơn 1.227ha. Chủ tịch UBND xã An Thủy Lê Văn Quyết cho biết, ngay từ đầu vụ, trên cơ sở hướng dẫn khung thời vụ gieo trồng của huyện, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các hợp tác xã, thôn bố trí lịch thời vụ linh hoạt, tập trung và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, bảo đảm thời gian gieo lúa vụ đông-xuân cơ bản đúng lịch, tránh thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh.
 
“Đến thời điểm này, địa phương mới xuống giống được hơn 210ha, đạt khoảng 15% theo kế hoạch, nhưng phấn đấu đến ngày 26/1 cơ bản sẽ hoàn thành việc xuống giống. Năm nay, dự báo sản xuất lúa vụ đông-xuân sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả phân bón, lân, đạm và các chi phí khác tăng cao…”, ông Lê Văn Quyết cho biết thêm.
Nông dân Lệ Thủy chăm sóc lúa vụ đông-xuân.
Nông dân Lệ Thủy chăm sóc lúa vụ đông-xuân.
Cũng như xã An Thủy, sản xuất lúa vụ đông-xuân ở xã Liên Thủy cũng gặp một số bất lợi do chịu nhiều tác động của dịch Covid-19. Đợt mưa lớn từ cuối tháng 12/2021 khiến một số diện tích lúa đã gieo của người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng.
 
Chủ tịch UBND xã Liên Thủy Phạm Văn Linh cho hay, theo kế hoạch, vụ đông-xuân này, địa phương sẽ gieo hơn 856ha lúa, về cơ bản, người dân đã tuân thủ đúng lịch thời vụ của huyện và triển khai áp dụng các giống lúa trung ngày, ngắn ngày, mỗi cánh đồng cơ cấu từ 1-2 giống lúa. Ngoài ra, tùy theo chân đất của từng vùng để bà con lựa chọn giống lúa phù hợp.
 
“Khó khăn lớn nhất của người dân trong sản xuất lúa vụ đông-xuân 2021-2022 là đầu vào mua giống, vật tư, phân bón phục vụ cho sản xuất tăng cao, giá một số mặt hàng tăng gấp đôi so với năm trước. Trong khó khăn, chính quyền địa phương đã tăng cường động viên bà con nông dân, cố gắng bám ruộng sản xuất để vụ mùa đạt được thắng lợi…”, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy Phạm Văn Linh chia sẻ.
 
Qua trao đổi với một số nông dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy được biết, từ đầu vụ sản xuất lúa đông-xuân, do ảnh hưởng của mưa lớn, nên nhiều gia đình đã phát sinh thêm chi phí tháo nước ở đồng ruộng để gieo lúa cho đúng lịch thời vụ. Hơn nữa, giá một số loại giống cũng tăng từ 2.000-4.000 đồng/kg; giá lân, đạm, phân bón tăng gấp đôi, nên cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất…
 
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Vương, năm 2021, ngành nông nghiệp địa phương gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả lũ lụt lịch sử năm 2020; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng giá đột biến; đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản… Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Lệ Thủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, cùng với đó là quá trình sản xuất diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi nên năng suất cây trồng, đặc biệt là năng suất lúa tăng cao.
 
Ông Nguyễn Văn Vương cũng cho biết thêm, theo kế hoạch sản xuất lúa vụ đông-xuân 2021-2022, huyện Lệ Thủy sẽ gieo 10.191ha. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ, do ảnh hưởng của mưa lớn đã làm 17ha lúa mới gieo của bà con nông dân bị ngập úng và khoảng 100ha diện tích đến ngày gieo không thể xuống giống. Hơn nữa, năm nay, giá cả vật tư, phân bón phục vụ cho sản xuất tăng, do vậy, kéo theo chi phí sản xuất của người nông dân tăng…
 
“Trước mắt, huyện sẽ cơ cấu các giống lúa trung ngày, ngắn ngày vào sản xuất vụ đông-xuân; mỗi xã, thị trấn chỉ cơ cấu từ 2-3 giống lúa chủ lực, mỗi cánh đồng chỉ cơ cấu từ 1-2 giống lúa để giảm chi phí. Ngoài ra, huyện sẽ phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Quảng Bình điều tiết nước, hút nước nhanh để người dân giảm chi phí bơm, tát nước; động viên người dân yên tâm bám đất, bám ruộng để sản xuất…”, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết.
 
Năm 2022, huyện Lệ Thủy phấn đấu sản lượng lương thực đạt trên 94.000 tấn. Các giống lúa được cơ cấu vào sản xuất lúa vụ đông-xuân gồm: VNR20, Hà phát 3, Nhị ưu 838, ĐB6; P6, Xuân Mai, KH336, VN20…
Ngọc Hải

tin liên quan

Nguồn vốn tín dụng CSXH giúp hơn 2.800 hộ thoát nghèo

(QBĐT) - Chiều nay, 17/1, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động ủy thác cho vay năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. 

 

"Điểm tựa" cho nông dân phát triển sản xuất

(QBĐT) - Nhờ vận dụng linh hoạt Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, là điểm tựa giúp người nông dân trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn dịp Tết Nguyên đán

(QBĐT) - Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của khách hàng thường tăng mạnh. Để bảo đảm cung ứng điện an toàn, xuyên suốt trong dịp này, Công ty Điện lực (PC) Quảng Bình đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường khả năng vận hành của hệ thống điện, phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết...