Làm giàu từ nghề sản xuất mỳ gạo

  • 11:19 | Thứ Ba, 18/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, thông qua phong trào phụ nữ vượt khó vươn lên làm giàu do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TX. Ba Đồn phát động, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi. Một trong những điển hình là chị Nguyễn Thị Mai (SN 1970, ở thôn Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc) với mô hình sản xuất mỳ gạo.
 
Xuất thân từ gia đình thuần nông, sau khi lập gia đình, chị Mai làm đủ nghề để sinh sống, nhưng thu nhập không cao. Là một người cần cù, thông minh, chịu thương, chịu khó, chị luôn trăn trở, nỗ lực tìm cách phát triển kinh tế để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.
 
Năm 2012, nhận thấy bánh canh là đặc sản của Ba Đồn, được nhiều người trong và ngoài vùng lựa chọn mỗi khi đến đây, nhưng cơ sở sản xuất còn ít; bên cạnh đó, nguyên liệu sản xuất mỳ gạo dồi dào, giá rẻ, sản phẩm dễ tiêu thụ, nhu cầu thị trường lớn, không bị đọng vốn đầu tư, chi phí sản xuất thấp, vợ chồng chị quyết định học hỏi kinh nghiệm và bắt tay sản xuất mỳ gạo.
 
Với số vốn ban đầu khoảng 10 triệu đồng, chị mua máy nghiền bột, máy cán sợi… Thời gian đầu khởi nghiệp, gia đình chị gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm, thêm vào đó đầu ra còn ít nên gia đình chị chỉ sản xuất nhỏ lẻ, số lượng hạn chế. Tuy nhiên, không nản lòng, ngày ngày, chị vẫn miệt mài bên dây chuyền sản xuất vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
 
Chính bởi sự công phu, kỹ càng trong từng công đoạn, tuân thủ quy trình kỹ thuật, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nên lâu dần chị cũng tích lũy được kinh nghiệm của riêng mình, sản phẩm mỳ gạo của gia đình chị ngày càng được người dân và thương lái lựa chọn. Chị Mai mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm máy móc để sản xuất. Hiện nay, cơ sở sản xuất của gia đình chị đã đầu tư 11 máy bao gồm: Máy xay, máy nhồi... để phục vụ sản xuất. 
Cơ sở sản xuất mỳ gạo của chị Nguyễn Thị Mai đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Cơ sở sản xuất mỳ gạo của chị Nguyễn Thị Mai đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Theo chị Mai, để có những mẻ mỳ gạo đạt chất lượng là cả quá trình lao động với nhiều công đoạn, như: Ngâm gạo, xay gạo… Mỗi khâu, mỗi bước đều phải làm cẩn thận mới có được sản phẩm như ý. Đặc biệt, mỳ gạo "kén" gạo nên công đoạn lựa chọn gạo phải rất kỹ càng mới cho ra sợi mỳ mềm và ngon, còn nếu sử dụng gạo lai tạp thì sợi mỳ sẽ nát, dễ bị đứt gãy, không ngon.
 
Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất mỳ gạo của gia đình chị Mai cho ra lò trên 3,5 tạ mỳ gạo thành phẩm. Với giá 16.000-18.000 đồng/kg mỳ gạo, mỗi ngày, gia đình chị thu lãi khoảng 1 triệu đồng. Mỳ gạo của gia đình chị tạo được sự tin tưởng của khách hàng, không chỉ được người tiêu dùng trong tỉnh ưu chuộng mà còn được thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh yêu thích, trở thành món ăn quen thuộc của nhiều gia đình.
 
Chị Nguyễn Thị Mai cho biết: Cơ sở sản xuất của gia đình bắt đầu làm việc từ 12 giờ trưa cho đến 6 giờ chiều để cho ra mẻ mỳ gạo kịp đơn hàng sáng sớm hôm sau. Hiện nay, cơ sở đã tạo việc làm cho 9 nhân công, làm việc bán thời gian với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng. Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, nên sản phẩm sản xuất ra chưa đủ cung cấp cho thị trường, vợ chồng chị đang cố gắng mở rộng quy mô sản xuất.
 
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Mai còn tích cực, năng động tham gia công tác hội phụ nữ của địa phương. Ngoài ra, gia đình chị luôn gương mẫu thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động tuyên truyền các thành viên trong gia đình và người thân tham gia các phong trào của địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Được biết, trong đợt dịch bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh, cơ sở của chị Mai đã nhận gạo từ các nhà hảo tâm để sản xuất bột mỳ gạo khô gửi vào hỗ trợ bà con miền Nam.
 
Ông Hoàng Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc cho hay: Nhờ năng động, sáng tạo nắm bắt thời cơ trong phát triển kinh tế, mô hình  của chị Nguyễn Thị Mai không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần vào công tác giảm nghèo của xã. Với những nỗ lực của mình, chị Mai là tấm gương cho nhiều chị em phụ nữ học tập và làm theo trong phát triển kinh tế. Hiện nay, sản phẩm mỳ gạo của gia đình chị Mai là sản phẩm OCOP của xã.
 
Phạm Hà

tin liên quan

Lệ Thủy: Vụ đông-xuân dự báo nhiều khó khăn

(QBĐT) - Được xem là vụ sản xuất chính với diện tích theo kế hoạch là 10.191ha, tuy nhiên, vụ lúa đông-xuân 2021-2022 ở huyện Lệ Thủy được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn bởi giá giống, vật tư, nguyên liệu đầu tư, phục vụ cho sản xuất tăng cao…Trước những thách thức đó, huyện đang nỗ lực, chủ động, tập trung triển khai các giải pháp ứng phó để bảo đảm vụ mùa thành công…

Nguồn vốn tín dụng CSXH giúp hơn 2.800 hộ thoát nghèo

(QBĐT) - Chiều 17/1, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động ủy thác cho vay năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. 

 

"Điểm tựa" cho nông dân phát triển sản xuất

(QBĐT) - Nhờ vận dụng linh hoạt Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, là điểm tựa giúp người nông dân trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.