"Điểm tựa" cho nông dân phát triển sản xuất

  • 20:47 | Chủ Nhật, 16/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhờ vận dụng linh hoạt Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, là điểm tựa giúp người nông dân trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
 
Hiện trên địa bàn tỉnh có 254 HTX lĩnh vực nông nghiệp đang hoạt động với 66.865 thành viên và tổng số vốn hơn 551 tỷ đồng, doanh thu ước đạt 185 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số HTX xây dựng được cánh đồng mẫu lớn, sắp xếp, bố trí sản xuất hợp lý, thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên.
 
Nhiều HTX đã tích cực đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng, giá trị cao vào sản xuất. Các HTX nông nghiệp sản xuất công nghệ cao có xu hướng phát triển nhanh, mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Các HTX sản xuất chuyên ngành chăn nuôi, thủy sản cũng đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hệ thống chuồng trại tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập.
 
Đặc biệt, đã có nhiều mô hình HTX nông nghiệp năng động sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo điểm tựa cho người dân phát triển kinh tế. Điển hình như HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và Kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm (Bố Trạch). HTX có 8 thành viên, được thành lập và đi vào hoạt động năm 2018, ngành nghề chủ yếu là chuyên trồng và chế biến các sản phẩm dược liệu, như: Cao cà gai leo, cao thìa canh, trà xạ đen, trà lạc tiên…
 
Thời gian qua, HTX đã mở rộng diện tích, liên kết với 15 hộ dân trồng cây dược liệu trên địa bàn xã Cự Nẫm và các xã lân cận với diện tích 8ha cà gai leo, 2ha thìa canh, 3ha chè vằng, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương.
 
Chị Trương Thị Liên Hương, thành viên của HTX cho biết: "Gia đình có 4.000m2 đất màu, trước đây chỉ trồng sắn, khoai, ngô nhưng hiệu quả kinh tế thấp, năm 2018, được sự hướng dẫn của HTX, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây cà gai leo. Tuy chăm sóc hơi vất vả do không được phun thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, cây có gai… nhưng bù lại thu nhập tương đối cao. Với 1kg cà gai leo có giá từ 11.000-12.000 đồng, thu hoạch 3 lứa/năm, mỗi năm, gia đình thu về hơn 50 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác. HTX đã giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo được giá trị và lợi nhuận cao trên một đơn vị diện tích".
Để mô hình HTX nông nghiệp ngày càng phát triển, các sở, ngành, địa phương cũng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi trong thành lập mới HTX, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý; tạo điều kiện quy hoạch, giới thiệu địa điểm mặt bằng, thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất; thuế, tín dụng; kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa do HTX cung ứng; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để chế biến sản phẩm; đầu tư kết cấu hạ tầng…
HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và Kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm đã giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một mô hình khác là mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh). Trước đây, bà con thường nuôi ong theo hướng tự phát, thả đàn tự nhiên cho nên năng suất thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ. Với mong muốn phát triển nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2018, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ ong Trường Xuân được thành lập, thu hút 15 thành viên tham gia, mỗi năm xuất bán ra thị trường gần 3,5 tấn mật ong.
 
Chị Võ Thị Hòe, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ ong Trường Xuân cho biết: Từ khi thành lập HTX, thị trường tiêu thụ sản phẩm luôn ổn định. Với sự tương trợ giúp đỡ nhau, các thành viên của HTX và các hộ dân liên kết đã có cuộc sống khấm khá hơn. Đặc biệt, được sự hỗ trợ kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm, nhiều hộ dân nuôi ong đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, nắm bắt các quy trình nuôi ong để tạo ra mật ong chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Hoạt động của HTX đã góp phần không nhỏ trong việc giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Sản phẩm mật ong Trường Xuân đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, đây là cơ hội để HTX tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để cạnh tranh thị trường.
 
Tuy nhiên, theo ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, hiện nhiều HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức, như: Hoạt động chưa ổn định, hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa được như kỳ vọng, lợi ích HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều, thu nhập bình quân của người lao động còn thấp. Bên cạnh đó, mức độ liên kết giữa các HTX với nhau, HTX với các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa còn hạn chế. Đặc biệt, năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn vẫn còn yếu nên nhiều HTX chưa phát huy được thế mạnh…
 
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng, các cơ quan, ban, ngành liên quan cùng với các địa phương cần thường xuyên rà soát, đánh giá các HTX để kịp thời tháo gỡ khó khăn HTX đã gặp phải; giải thể những HTX hoạt động kém hiệu quả, hoạt động hình thức, đẩy mạnh xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa, tăng cường xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp theo hướng công nghệ cao…
 
Để mô hình HTX nông nghiệp ngày càng phát triển, các sở, ngành, địa phương cũng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi trong thành lập mới HTX, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý; tạo điều kiện quy hoạch, giới thiệu địa điểm mặt bằng, thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất; thuế, tín dụng; kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa do HTX cung ứng; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để chế biến sản phẩm; đầu tư kết cấu hạ tầng…
Thanh Hoa

tin liên quan

Bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn dịp Tết Nguyên đán

(QBĐT) - Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của khách hàng thường tăng mạnh. Để bảo đảm cung ứng điện an toàn, xuyên suốt trong dịp này, Công ty Điện lực (PC) Quảng Bình đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường khả năng vận hành của hệ thống điện, phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết...

Ổn định thị trường hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán

(QBĐT) - Giáp Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường giá cả; đồng thời ứng phó linh hoạt với dịch Covid-19, Sở Công thương đã triển khai các giải pháp đồng bộ, phối hợp với các ngành, địa phương dự trữ, đa dạng nguồn hàng nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thu ngân sách nhà nước toàn ngành thuế năm 2021 đạt hơn 6.200 tỷ đồng

(QBĐT) - Sáng 14/1, Cục Thuế tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.