Bước chuyển mình của nông nghiệp Quảng Bình

  • 13:49 | Thứ Sáu, 31/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc ngày càng diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao, việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng hữu cơ là một trong những giải pháp mà ngành Nông nghiệp, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang hướng tới để phát triển chăn nuôi bền vững.
 
Tạo ra sản phẩm sạch, an toàn
 
Trong chuyến làm việc tại huyện vùng cao Tuyên Hóa, chúng tôi có dịp cùng với đoàn công tác của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN và TY) đến thăm mô hình chăn nuôi của ông Hoàng Văn Lộc, ở thôn Ba Tâm, xã Thuận Hóa.
 
Theo như giới thiệu của ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục CN và TY, đây là mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ đầu tiên trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sạch, an toàn và thân thiện với môi trường.
 
Trong bộ đồ bảo hộ dành cho khách vào tham quan khu vực trại nuôi, chúng tôi được ông Lộc giới thiệu về quá trình ủ, chế biến thức ăn và quy trình chăm sóc lợn thịt an toàn sinh học. Thức ăn được sử dụng hoàn toàn là các thực phẩm có sẵn ở địa phương, như: Ngô, lúa, cám gạo…, được ủ bằng chế phẩm vi sinh, hoàn toàn không dùng thức ăn công nghiệp. Nền chuồng sử dụng đệm lót sinh học có chứa vi sinh có khả năng lên men, phân giải chất thải nên không gây ô nhiễm môi trường, không có mùi hôi.
Chăn nuôi theo hướng hữu cơ giúp đàn lợn có sức đề kháng tốt, hạn chế dịch bệnh.
Chăn nuôi theo hướng hữu cơ giúp đàn lợn có sức đề kháng tốt, hạn chế dịch bệnh.
Ông Hoàng Văn Lộc cho biết: “Được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương, tôi bắt tay vào nuôi lợn theo hướng hữu cơ với khởi đầu là 50 con lợn thịt. Sau 4 tháng nuôi theo đúng quy trình an toàn sinh học, đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Tôi hoàn toàn không lo về khâu tiêu thụ, bởi khi biết nhà tôi có nuôi lợn hữu cơ, người dân đến mua tại nhà. Giá bán ra cũng cao hơn so với thịt lợn nuôi truyền thống”.
 
Ông Đinh Đăng Tuân, xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) đã có hơn mười năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn. Những năm trước, trang trại của gia đình ông nuôi từ 500-600 con lợn thịt cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Nhưng thời gian gần đây, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Với mong muốn tìm hướng đi mới, bền vững để phát triển kinh tế gia đình, ông Tuân đã mạnh dạn “thử sức” nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Được sự hỗ trợ của Chi cục CN và TY, ông bắt tay vào đầu tư chuồng trại đạt chuẩn theo quy định và mua 50 con lợn giống về nuôi.
 
Theo ông Tuân, chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ thời gian dài hơn so với nuôi lợn truyền thống, quá trình nuôi hoàn toàn không sử dụng thuốc thú y, thuốc kháng sinh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chất lượng thịt thơm ngon, ăn có vị ngọt và rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
 
“Năm đầu tiên cho thấy, nuôi lợn theo hướng hữu cơ rất hiệu quả, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương nên chi phí nuôi thấp hơn lợn truyền thống. Ngoài ra, có thể tận dụng được phân từ đệm lót sinh học để trồng các loại cây khác. Rất mong Nhà nước, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để người chăn nuôi có thể nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ”, ông Tuân nói.
 
Hướng đến chăn nuôi bền vững
 
Từ nguồn chính sách hỗ trợ nông nghiệp năm 2021, Chi cục CN và TY đã hỗ trợ xây dựng hai mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Tuyên Hóa và Lệ Thủy. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, đơn vị còn cử cán bộ kỹ thuật bám sát, hướng dẫn các hộ nuôi đúng quy trình an toàn sinh học theo hướng hữu cơ.
 
Ông Đoàn Quyết Thắng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tuyên Hóa cho biết, trên địa bàn huyện hiện có gần 30 mô hình trang trại nuôi lợn nhưng chủ yếu nuôi theo kiểu truyền thống. Năm 2021, được sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT, huyện Tuyên Hóa đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ tại xã Thuận Hóa. Sau hơn 4 tháng thực hiện, mô hình đã đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi. Quá trình giám sát, theo dõi mô hình cho thấy, nuôi lợn theo hướng hữu cơ rất phù hợp với đất đai, khí hậu và điều kiện nuôi trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Từ thành công đó, huyện Tuyên Hóa đã quyết định thành lập các tổ hợp tác để nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ tại xã Thuận Hóa, tiến tới nhân rộng trên địa bàn toàn huyện với mục đích xây dựng chuỗi sản phẩm sạch, an toàn trong chăn nuôi.
 
Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT chia sẻ: “Thực hiện Đề án phát triển NNHC tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020-2030, thời gian qua, sở đã tích cực triển khai nhiều mô hình chăn nuôi; trong đó có mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Mô hình được đánh giá cao, bởi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. Chúng tôi xác định đây là một trong những mô hình rất phù hợp với hình thức chăn nuôi nông trại, gia trại, trang trại trên địa bàn tỉnh và sẽ đẩy mạnh nhân rộng trong thời gian tới”.
Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020-2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt từ 1-2,5% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong tỉnh. Các sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ theo tiềm năng thế mạnh được ưu tiên: Thịt gia súc, gia cầm, trứng, mật ong...
 
Để đạt được mục tiêu, Quảng Bình đã xây dựng các giải pháp cụ thể, như: Quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất NNHC tập trung, xây dựng các mô hình sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm thịt lợn hữu cơ; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất NNHC; xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm NNHC từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ…
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục CN và TY cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh động vật diễn biến phức tạp, việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học đóng vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi, bởi đây là bước tạo đà để ngành chăn nuôi Quảng Bình chuyển mình, thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững. Hai mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ do chi cục hỗ trợ thực hiện bước đầu mang lại hiệu quả rất khả quan. Đây là hướng đi mới phù hợp với chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, phù hợp với địa bàn nông thôn. Không chỉ thân thiện với môi trường, nuôi lợn theo hướng hữu cơ còn tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nguời tiêu dùng.
 
Lan Chi

tin liên quan

Kinh tế toàn cầu: Những mảng màu đan xen

Làn sóng mới của dịch Covid-19 làm chậm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, song các dự báo vẫn chỉ ra những tín hiệu khả quan. Theo báo cáo thường niên của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR), sản lượng kinh tế thế giới sẽ lần đầu tiên đạt mốc 100 nghìn tỷ USD vào năm 2022. GDP toàn cầu cũng sẽ cao hơn mức trước đại dịch.

 

Đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

(QBĐT) - Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới (NTM).

Từ năm 2022: Cứ 10 ngày giá xăng dầu trong nước sẽ điều chỉnh một lần

Theo Nghị định 95/CP, từ năm 2022, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 10 ngày một lần. Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ.