Bố Trạch: Giảm chi phí đầu vào trong sản xuất vụ đông-xuân 2021-2022

  • 07:13 | Thứ Năm, 30/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vượt lên những khó khăn do đại dịch Covid-19, bà con nông dân huyện Bố Trạch sẵn sàng bước vào sản xuất vụ đông-xuân 2021-2022. Huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm bớt chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích.
 
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy cho biết: Năm 2021, mặc dù gặp ảnh hưởng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thêm vào đó là mưa lũ đến sớm hơn so với những năm trước, nhưng nhờ kịp thời thực hiện các giải pháp đồng bộ nên năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng 2 vụ, nhất là các giống cây chủ lực trên địa bàn huyện vẫn tăng cao so với cùng kỳ.
 
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả được huyện đẩy mạnh. Toàn huyện Bố Trạch đã chuyển đổi được 46,5ha diện tích đất lúa và 30ha diện tích vùng gò đồi, cao su kém hiệu quả sang trồng một số loại cây ăn quả, hoa màu, mang lại thu nhập cao hơn từ 2-5 lần so với trước. Được mùa, cũng được giá bán nên bà con nông dân huyện Bố Trạch rất phấn khởi, tích cực bước vào sản xuất vụ mới.
 
Theo kế hoạch, vụ đông-xuân 2021-2022, Bố Trạch gieo giống trên 13.000ha cây trồng các loại; trong đó, lúa 5.150ha, ngô 750ha, lạc 750ha...
 
Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch cho hay, phương án của huyện được xác định khi bước vào vụ sản xuất đông-xuân 2021-2022 là đẩy mạnh cơ cấu cây trồng hiệu quả với việc phát triển các loại cây có đầu ra ổn định, như: Lạc, ngô, ngô sinh khối, sắn... Huyện cũng tích cực tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền.
 Nông dân huyện Bố Trạch xuống giống lúa đông-xuân 2021-2022.
Nông dân huyện Bố Trạch xuống giống lúa đông-xuân 2021-2022.
Trước diễn biến của thiên tai ngày càng khắc nghiệt, Bố Trạch đang điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng kết hợp bố trí thời vụ hợp lý để giảm những bất lợi của thời tiết và theo kịp xu hướng thị trường; cơ cấu lượng giống chất lượng cao chiếm 70% diện tích, có thời gian sinh trưởng ngắn và trung ngày.
 
Đồng thời, huyện cũng tận dụng lợi thế vùng gò đồi để xây dựng các mô hình kinh tế vườn đồi hiệu quả, như: Trồng cây dược liệu, các loại cây ăn quả chất lượng cao...; ưu tiên đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học vào sản xuất theo tiểu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa...
 
“Đặc biệt, trước mắt, Bố Trạch tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, chú trọng tập trung vào vụ đông-xuân 2021-2022, như: Triển khai thực hiện biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, gồm: giảm lượng giống gieo, giảm phân bón, giảm thuốc trừ sâu và tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả. Trong đó, huyện tuyên truyền vận động nông dân giảm lượng giống gieo xuống còn 100-120kg/ha (tương đương 5-6kg/sào). Bà con nên tăng cường sử dụng phân chuồng để giảm lượng phân bón hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết, hạn chế trong 35-40 ngày đầu gieo giống. Tại các vùng đất bị chua phèn, nhiễm mặn..., bà con cần chú trọng bón vôi”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long trao đổi thêm.
 
Để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, huyện Bố Trạch cũng đẩy mạnh sử dụng giống xác nhận, giống kháng bệnh; loại bỏ các giống thường xuyên bị sâu bệnh, như: HT1, P6, VN20...; lưu ý đối với một số địa phương như: Hưng Trạch, Mỹ Trạch, Liên Trạch, Cự Nẫm...
 
Theo Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch Lê Ngọc Sơn, vụ đông-xuân 2021-2022, xã Hưng Trạch sẽ gieo cấy 267ha lúa, 40ha ngô, 20ha lạc, 45ha sắn và 35ha hoa màu, đậu đỗ các loại. Riêng lúa, xã đã thay thế các giống thoái hóa, chuyển sang gieo các loại giống, như: LTH 31, Phong Nha 99, VNR20… Hiện, bà con đã hoàn thành khâu làm đất, cải tạo hệ vi sinh vật trong đất...; tiến hành trồng màu và xuống giống ngô rồi mới gieo giống lúa.
 
“Dù mưa rét nhưng bà con trên địa bàn xã đã hoàn thành gieo trà đầu với 220ha lúa giống IR353-66 và chuẩn bị để gieo trà muộn 75ha giống lúa PC6. Trước đó, xã đã triển khai diệt chuột, cày bừa phơi đất, bảo đảm diệt được cỏ dại và mầm mống sâu bệnh tồn dư từ vụ mùa chuyển sang. Xã Bắc Trạch chỉ độc canh cây lúa nên việc chuẩn bị và hoàn thành gieo lúa thường đạt tiến độ sớm nhất so với các địa phương trên địa bàn huyện”, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch Nguyễn Văn Vui chia sẻ.
 
Sự nỗ lực, quyết tâm giành thắng lợi của bà con nông dân huyện Bố Trạch ngay từ đầu vụ sản xuất đông-xuân 2021-2022 là cơ sở để huyện phấn đấu bảo đảm an toàn tổng sản lượng lương thực năm 2022 với gần 47.000 tấn; trong đó sản lượng lúa 39.407 tấn, ngô trên 5.120 tấn, lạc gần 2.100 tấn...
 
                                                                                     Hương Trà

tin liên quan

Tăng cường chống buôn lậu, hàng giả cuối năm

(QBĐT) - Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, đây cũng là lúc nhiều đối tượng lợi dụng trà trộn hàng kém chất lượng, hàng lậu, hàng giả, hàng cấm… để trục lợi. Cục Quản lý thị trường (QLTT) tiếp tục siết chặt công tác quản lý, triển khai nhiều giải pháp mạnh nhằm bảo đảm sự lành mạnh cho thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Du lịch Quảng Bình phấn đấu đạt 2 triệu lượt khách tham quan trong năm 2022

(QBĐT) - Ngày 29-12, Sở Du lịch tổ chức hội nghị kết nối hoạt động du lịch năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. 

Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Bình đạt 4,83%

(QBĐT) - Ngày 29-12, Cục Thống kê tỉnh tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội năm 2021 của tỉnh.