Vận động người Việt dùng hàng Việt trong tình hình mới

  • 07:07 | Thứ Tư, 03/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương đã tích cực triển khai cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo doanh nghiệp cũng như người dân. Những nỗ lực từ nhiều phía đã góp phần hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 
 
Hiện nay, hàng Việt Nam chất lượng cao không chỉ có mặt ở các trung tâm thương mại, siêu thị mà còn xuất hiện tại nhiều cửa hàng bán lẻ từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa với chủng loại phong phú, đa dạng. Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 80% tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị…và trở thành kênh hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu trong tiêu dùng mua bán sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.
 
CVĐ đã góp phần không nhỏ trong việc khích lệ, động viên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ và cách thức quản lý để sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường cũng được đẩy mạnh, như: Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; chương trình bán hàng Việt khuyến mại; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các điểm bán hàng Việt nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, hàng đặc trưng của tỉnh…
 
Hàng Việt Nam chiếm số lượng lớn tại siêu thị Co.opmart Quảng Bình và được người dân tin tưởng sử dụng.
Hàng Việt Nam chiếm số lượng lớn tại siêu thị Co.opmart Quảng Bình và được người dân tin tưởng sử dụng.
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, người tiêu dùng trong tỉnh đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước; tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng; hàng hóa, sản phẩm trong nước sản xuất có tỷ lệ tiêu thụ ngày càng tăng, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi rẻo cao.
 
Bà Hoàng Thị Nga, chủ cửa hàng tạp hóa trên địa bàn xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) cho biết: "Cửa hàng đã dự trữ số lượng lớn hàng hóa với nhiều chủng loại khác nhau, từ nhu yếu phẩm đến các mặt hàng gia dụng, trong đó 95% là hàng Việt để cung ứng cho người dân, bảo đảm đầy đủ và không bị đội giá, ngay cả trong thời gian xảy ra dịch Covid-19. Việc người dân ưu tiên sử dụng các mặt hàng sản xuất trong nước rất quan trọng, không chỉ tiết kiệm chi tiêu mà còn góp phần chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay".
 
Nhằm nâng cao hiệu quả triển khai CVĐ, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vừa qua, Ban Chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh đã ban hành Kế hoạch số149/KH-MT-BCĐCVĐ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư  về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới. 
 
Theo đó, những cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản của CVĐ. Trong đó, tăng cường tuyên truyền về CVĐ trong nhà trường, đặc biệt là trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy mạnh mẽ vai trò các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước, trong tỉnh. Cùng với đó, cần chú trọng các hoạt động phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam và hàng hóa của tỉnh Quảng Bình; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, nhất là bán hàng trực tuyến, phát triển thương mại điện tử kết hợp hài hòa với kênh phân phối truyền thống, phù hợp với diễn biến của đại dịch Covid-19.
 
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương cần phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến sản phẩm, doanh nghiệp; thường xuyên biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong tỉnh, người Quảng Bình ở tỉnh ngoài, nước ngoài có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người Việt Nam tin dùng hoặc có nhiều thành tích trong thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
 
Trong thời điểm hiện nay, khi tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc tích cực tuyên truyền và hưởng ứng CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó linh hoạt với dịch bệnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hàng Việt Nam và của tỉnh.
 
Ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết: "Mặc dù CVĐ đã được triển khai sâu rộng, nhưng tính thuyết phục và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương vẫn chưa cao. Các doanh nghiệp chưa chú trọng về công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, gắn nhãn mác sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tạo lòng tin với người tiêu dùng. Tại một số nơi, CVĐ còn mang tính hình thức, riêng lẻ, độc lập, chưa gắn kết nên chưa phát huy hết sức mạnh của các địa phương. Trong hoạt động đưa hàng về nông thôn, một số doanh nghiệp còn lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng đã hết thời hạn sử dụng…, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, từ đó, làm giảm ý nghĩa thiết thực của CVĐ".
 
T.Hoa

tin liên quan

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa VN và các tập đoàn kinh tế nước ngoài

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện thái độ cầu thị và sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp để tháo gỡ từng khó khăn, thách thức, giúp gây dựng được sự tin tưởng và yên tâm cho các nhà đầu tư.
 

Người trẻ khởi nghiệp

(QBĐT) - Nuôi lươn không bùn là mô hình phát triển kinh tế khá mới mẻ ở Quảng Bình. Nhiều người cũng đã thử nghiệm và chấp nhận thất bại nhưng đó lại là hướng khởi nghiệp được đôi vợ chồng trẻ Lê Thị Bảy (SN 1993) và Phạm Ngọc Tú (SN 1993), thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) lựa chọn và thành công. Câu chuyện khởi nghiệp của họ thể hiện tư duy đột phá của người trẻ trong cách nghĩ, cách làm để vươn lên trên chính mảnh đất quê hương.

"Nuôi dưỡng" nguồn thu ngân sách

(QBĐT) - Sớm hiện thực hóa các kịch bản, phương án nhằm hỗ trợ, phục hồi, "vực dậy" nền sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang là vấn đề được các doanh nghiệp (DN), người dân quan tâm hiện nay. Bởi, đây không chỉ là câu chuyện sống còn của DN, mà còn để "nuôi dưỡng" nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).