Thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ

  • 07:59 | Thứ Bảy, 27/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng huyện Quảng Trạch đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy thương mại, dịch vụ (TM, DV) phát triển, tạo bước đột phá vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 
 
Tại xã Cảnh Dương, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã đã có chủ trương khuyến khích, tạo mọi điều kiện để người dân phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, trong đó, lấy kinh tế biển và TM, DV làm trọng tâm.
 
Cùng với việc khuyến khích bà con ngư dân vươn khơi, bám biển sản xuất, để tạo thuận lợi cho các ngành nghề TM, DV phát triển, xã Cảnh Dương đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như có các cơ chế cho các tiểu thương và các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, mở rộng DV.
 
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đứng trước những khó khăn chung đó, xã Cảnh Dương đã động viên, khuyến khích người dân tích cực thực hiện "mục tiêu kép", vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Quảng Trạch hiện có hàng trăm cơ sở dịch vụ, thương mại.
Quảng Trạch hiện có hàng trăm cơ sở dịch vụ, thương mại.
Ông Cao Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: Hiện toàn xã có 1.015 hộ kinh doanh, chủ yếu là buôn bán ở chợ. Nhờ đó, tổng doanh thu từ kinh doanh, DV của xã tính đến đầu tháng 10-2021 đạt trên 457,5 tỷ đồng, đạt gần 72% kế hoạch năm. Để tạo điều kiện cho bà con buôn bán được thuận lợi, xã sẽ đề xuất với huyện cho mở rộng chợ cá Cảnh Dương, qua đó, thúc đẩy ngành TM, DV trên địa bàn ngày càng phát triển hơn nữa.
 
Bên cạnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, huyện Quảng Trạch đã tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư vốn để nâng cấp, xây mới các chợ trên địa bàn. Đồng thời, huyện có các chính sách để khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
Cùng với đó, huyện cũng đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại, tạo điều kiện để các điểm bán buôn, bán lẻ hoạt động nhằm tạo nên mạng lưới cung cấp hàng hóa ổn định, thúc đẩy sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.        
 
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Quảng Trạch cho biết: Phòng sẽ tiếp tục tham mưu các giải pháp, phương án để chỉ đạo các ban, ngành của huyện, trong đó có Ban Chỉ đạo 389 của huyện, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện tốt công tác có liên quan đến lĩnh vực TM, DV trên địa bàn. Phòng tham mưu, chỉ đạo các đơn vị có liên quan và UBND các xã về kiểm soát tốt thị trường giá cả, chú trọng công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
 
Mặt khác, cần chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong việc lưu thông, kinh doanh hàng hóa; tập trung tăng cường các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng như phòng, chống thiên tai, không để xảy ra các hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa; tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", khuyến khích người dân sử dụng hàng hóa, DV do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất. 
 
Cùng với các giải pháp cấp thiết, huyện Quảng Trạch tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, phát triển hệ thống chợ nông thôn, tăng cường quảng bá tiềm năng, lợi thế của huyện về các điểm du lịch trên địa bàn, gắn với việc thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
 
Bên cạnh đó, huyện nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, pháp lý cho các hộ kinh doanh, buôn bán và mở rộng DV. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu DV tăng bình quân 13,7%-15,7%/năm, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
 
Huyện Quảng Trạch hiện có 17 chợ và hàng trăm cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, hàng trăm cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực, như: Nhà hàng, DV vận tải... 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 12.562,87 tỷ đồng, tăng 0,17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu từ hoạt động lưu trú, ăn uống, DV lại giảm so với cùng kỳ năm trước.
 
Đoàn Nguyệt

tin liên quan

Gương sáng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

(QBĐT) - Những năm gần đây, từ phòng trào thi đua phát triển kinh tế, trên địa bàn TP. Đồng Hới đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cho đất đồi "đơm hoa"

(QBĐT) - Đưa mắt nhìn quanh mảnh vườn xanh tốt với nhiều loại cây ăn trái đang cho những mùa quả ngọt, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, người cựu binh Phạm Duy Bốn phấn khởi nói: "Không ai ngờ những vùng đất đồi xã Hoa Thủy lại có thể thích nghi với các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Quảng bá, xúc tiến du lịch: Tập trung các thị trường trọng điểm

(QBĐT) - Quảng Bình là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đón khách du lịch trở lại sau thời gian phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đây là minh chứng cho thấy, các chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch đã được tỉnh triển khai bài bản, khoa học...