Nông sản địa phương gập ghềnh đường vào siêu thị

  • 07:31 | Thứ Năm, 25/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đang từng bước trở thành những kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả giúp bà con nông dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp hướng tới chủ động sử dụng công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, để nông sản và đặc sản Quảng Bình vào các siêu thị, vẫn còn đó nhiều khó khăn!
 
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa và giống mới vào trồng trọt, chăn nuôi nên năng lực sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng cao. Nguồn cung dồi dào cùng sự đa dạng về chủng loại sản phẩm, xây dựng được nhiều sản phẩm đặc trưng đã đem đến sự ưa chuộng của người tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh có 57 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên và có nhiều sản phẩm khẳng định được thương hiệu, tiêu thụ trên nhiều kênh phân phối tiềm năng. Tuy nhiên, đầu ra của nhiều nông sản vẫn gặp khó khăn, chưa tiếp cận các thị trường tiềm năng, như: Cửa hàng nông sản sạch, siêu thị, trung tâm thương mại…
 
Tổ hợp tác (THT) rau an toàn xã Võ Ninh (Quảng Ninh) hiện có 4,8ha rau an toàn theo chuẩn VietGAP. Nhưng khi hỏi về đầu ra của sản phẩm, chị Nguyễn Thị Nhàn, Tổ trưởng THT rau an toàn Võ Ninh cho biết: Hiện nay, lượng rau của THT chỉ mới cung cấp cho các trường học, quán ăn và một vài cửa hàng nông sản sạch, số còn lại là thông qua thương lái để tiêu thụ tại các chợ truyền thống.
 
Mặc dù canh tác theo chuẩn VietGAP, nhưng THT rau an toàn xã Võ Ninh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của siêu thị Co.opmart.
Mặc dù canh tác theo chuẩn VietGAP nhưng tổ hợp tác rau an toàn xã Võ Ninh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của siêu thị Co.opmart.
Năm 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh đã hỗ trợ, kết nối tiêu thụ với siêu thị trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Nguyên nhân chủ yếu là do việc sản xuất rau ở địa phương phải phụ thuộc vào thời tiết, về mùa mưa lũ, THT không thể cung ứng đủ lượng rau theo hợp đồng cho siêu thị. Bên cạnh đó, hợp đồng vào siêu thị còn nhiều thủ tục rườm rà, khắt khe và việc kéo dài thời gian thanh toán tiền sau khi bán hàng nhiều hộ dân không đồng ý nên chưa kết nối được với siêu thị.
 
Không chỉ các sản phẩm về rau an toàn mà nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh cũng khó khăn khi tham gia kênh phân phối siêu thị mặc dù đã có đầy đủ thủ tục cần thiết. Đơn cử như ớt bột Hồng Thủy của cơ sở thu mua và chế biến nông sản Thánh Gái, xã Hồng Thủy (Lệ Thủy). Đây là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, nhưng khi chủ cơ sở kết nối sản phẩm với siêu thị trong tỉnh thì không được chấp nhận do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ớt của người tiêu dùng thấp. Hay tương tự như sản phẩm mật ong Tuyên Hóa do Công ty TNHH Sinh thái miền Tây Quảng Bình sản xuất, sản phẩm nhiều năm được siêu thị Co.opmart Quảng Bình tiếp nhận phân phối nhưng do không cạnh tranh được với giá cả thị trường, hàng tiêu thụ kém nên hai bên phải chấm dứt hợp đồng.
 
Nhiều nông sản Quảng Bình vẫn chưa có cơ hội tiếp cận các thị trường tiềm năng, như: Siêu thị, trung tâm thương mại.
Nhiều nông sản Quảng Bình vẫn chưa có cơ hội tiếp cận các thị trường tiềm năng, như: Siêu thị, trung tâm thương mại.
Qua trao đổi, ông Dương Thảo, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Quảng Bình cho hay: "Thời gian qua, siêu thị đã tiếp nhận và phân phối hơn 20 sản phẩm của 10 nhà cung ứng trong tỉnh Quảng Bình, như: Dầu lạc Trường Thủy, các sản phẩm về nấm và trà Tuấn Linh, khoai deo Như Mận… Siêu thị cũng rất mong muốn được tiếp cận với nhiều nguồn hàng hơn nữa của địa phương, nhằm giảm chi phí vận chuyển, tạo điều kiện cho người nông dân và doanh nghiệp địa phương phát triển.
 
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX, THT tại địa phương có sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù sản phẩm chất lượng tốt, nhưng số lượng sản phẩm chưa tập trung, sản xuất nhỏ lẻ theo mùa vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu bao bì, nhãn mác, các giấy chứng nhận theo quy định… Co.opmart sẵn sàng nhập hàng nông sản của địa phương để làm phong phú danh mục hàng hóa, đổi mới sản phẩm, thế nhưng người sản xuất cần phải đáp ứng được những yêu cầu theo quy chuẩn mà Co.opmart đề ra".
 
Còn theo ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, hàng nông sản Quảng Bình vào phân phối ở siêu thị, trung tâm thương mại vẫn còn khó khăn là do việc sản xuất nông sản của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có nguồn hàng ổn định, bảo đảm cung ứng trực tiếp cho siêu thị… Để những kênh tiêu thụ lớn như Co.opmart, Vinmart, các trung tâm thương mại thật sự “mặn mà” với hàng nông sản của địa phương, rất cần sự hướng dẫn, trợ giúp của các đơn vị, ngành chức năng có liên quan trong việc tư vấn, giúp đỡ nông dân xây dựng thương hiệu, thực hiện các thủ tục mua bán hiện đại.
 
Bên cạnh đó, tự bản thân doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất phải đầu tư thiết bị máy móc hiện đại nằm nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung, chuyên canh, hướng dẫn nông dân tập trung sản xuất những cây trồng có thị trường và năng suất cao…
 
"Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục kết nối, quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong tỉnh đến các tỉnh bạn và nước ngoài. Đồng thời, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng phát triển thị trường, kinh doanh, phát triển thương hiệu…, đặc biệt chú trọng tập huấn về chuyển đổi số để phù hợp với tình hình mới; hỗ trợ doanh nghiệp thành lập website bán hàng, bán hàng trên các trang thương mại điện tử", ông Lê Mậu Khánh cho biết thêm.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

PC Quảng Bình: Bảo đảm hành lang an toàn lưới điện

(QBĐT) - Cùng với việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, công tác bảo đảm hành lang an toàn lưới điện được Công ty Điện lực (PC) Quảng Bình tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, góp phần cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, tiềm ẩn không ít nguy cơ tai nạn, sự cố về điện.

Lệ Thủy: Gieo trồng trên 1000ha rau màu vụ đông-xuân

(QBĐT) - Hiện nay, bà con nông dân huyện Lệ Thủy đang tích cực khẩn trương xuống giống rau màu vụ đông-xuân 2021-2022.

Hành trình xây dựng thương hiệu cà gai leo Thủy Mai

(QBĐT) - Sau hơn ba năm nỗ lực xây dựng thương hiệu, sản phẩm cao cà gai leo của Hợp tác xã (HTX) dược liệu sạch Thủy Mai đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận.