Những cánh rừng "mặt trận"...

  • 08:02 | Thứ Năm, 04/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mới được trồng chưa đầy 1 năm nhưng cánh rừng dổi ở bản La Trọng 1 (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa), do Ủy ban MTTQVN tỉnh hỗ trợ đã bén rễ, phát triển tốt. Từ thành công của mô hình, hiện Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa đang triển khai nhân rộng, phát triển trồng dổi trên vùng đồi ở các xã: Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn. Đây được xem là hướng đi đúng, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và cải thiện môi trường sinh thái của địa phương…
 
Rừng dổi “mặt trận”
 
Người dân xã Trọng Hóa gọi rừng dổi (tên khoa học là Michelia mediocris Dandy) rộng 2,7ha mới được trồng ở bản La Trọng 1 là cánh rừng “mặt trận”. Tên gọi thân thương này xuất phát từ đề án “Hỗ trợ trồng cây dổi lấy hạt cho vùng ĐBDTTS bị thiệt hại do thiên tai giúp nhân dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững” của Ủy ban MTTQVN tỉnh.
 
Ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết, bản La Trọng 1 là 1 trong 2 khu dân cư được chọn làm mô hình điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) ở vùng có đông ĐBDTTS của Ủy ban MTTQVN tỉnh. Để sớm hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã xây dựng đề án, quyết định hỗ trợ giống cây dổi và phân bón cho người dân ở đây trồng rừng phát triển kinh tế.
 
Theo ông Minh, trước lúc chọn giống dổi để hỗ trợ bà con bản La Trọng 1 trồng rừng, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã nghiên cứu, khảo sát kỹ về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và giá trị kinh tế của cây dổi. Theo đó, dổi là giống cây rừng rất thích hợp trồng ở vùng đồi núi, cây không kén đất trồng, có thể trồng ở khu vực có độ dốc cao, trồng xen các loại cây ăn quả, dược liệu khác do đặc tính hướng sáng, vươn cao không gây cạnh tranh về ánh sáng và dinh dưỡng. 
 
Cây dổi đã bén rễ, phát triển tốt ở bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa.
Cây dổi đã bén rễ, phát triển tốt ở bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa.
Cây dổi có sức sinh trưởng tương đối nhanh và mạnh; thân cây mọc thẳng khi trưởng thành có thể cao tới 30m, đường kính 5-7m. Sau khi trồng khoảng 3 năm, cây dổi cao khoảng hơn 3m và sẽ bắt đầu cho thu hoạch trái. Dổi được xếp vào loại gỗ quý, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, cây dổi có thể thu hạt để làm gia vị, hiện trên thị trường giá 1kg hạt dổi có giá lên tới 3 triệu đồng, được ví như "vàng ròng"…
 
Sau gần 1 năm được trồng ở bản La Trọng 1, cây dổi được đánh giá rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương. Gia đình chị Hồ Thị Eng là 1 trong 77 hộ dân ở bản La Trọng 1 được Ủy ban MTTQVN tỉnh hỗ trợ trồng rừng bằng giống cây dổi. Đến nay, chưa đầy 1 năm trồng, vườn dổi hơn 100 cây của gia đình chị Hồ Thị Eng đã bén rễ, phát triển rất tốt.
 
“Trước đây, cũng như các hộ khác trong bản, gia đình tôi chủ yếu trồng cây keo mà chưa nghĩ đến trồng những cây gỗ bản địa, có giá trị kinh tế cao hơn. Đầu năm 2021, được sự hỗ trợ về cây giống và hướng dẫn kỹ thuật từ cán bộ Mặt trận, tôi hiểu được trồng cây dổi vừa cho giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ tốt môi trường. Với kinh nghiệm trồng rừng trong những năm qua, bản thân tôi thấy cây dổi rất dễ trồng, tỷ lệ sống cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của xã Trọng Hóa. Gia đình tôi trồng 100 gốc dổi, tất cả đều sống nên tôi không phải trồng dặm cây nào. Sau khi trồng, cây dổi bén rễ và phát triển rất nhanh, đến nay đã có cây cao gần 1m”, chị Eng chia sẻ.
 
Bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững
 
Ông Đinh Hồng Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa cho biết, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần vùng ĐBDTTS ở huyện Minh Hóa được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, nhìn chung kết quả giảm nghèo trong đồng bào vẫn chưa thực sự bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao.
 
Đến cuối năm 2020, hộ nghèo trong ĐB DTTS là 1.433 hộ, chiếm tỷ lệ 70,14% trong tổng số 2.043 hộ nghèo và chiếm đến 69,57% số hộ ĐB DTTS trên toàn huyện. Các bản đều có tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Trong khi đó, diện tích đất lâm nghiệp ở vùng ĐBDTTS chủ yếu bỏ hoang hoặc được bà con sử dụng trồng keo tràm, giá trị kinh tế không cao.
 
“Ngoài việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, việc hỗ trợ ĐBDTTS ở các xã biên giới Thượng Hóa, Hóa Sơn, Trọng Hóa và Dân Hóa trồng dổi nhằm hiện thực hóa chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động và nghị quyết của Huyện ủy Minh Hóa về trồng rừng gỗ lớn để phát triển kinh tế”, ông Đinh Hồng Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa cho biết.
Thực tế qua các trận mưa bão, nhiều vùng trồng keo tràm đã bị sạt lở đất, cây gãy đổ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đặc biệt là vùng ĐBDTTS. Qua nghiên cứu, cây dổi là loại cây có thể khắc phục hầu hết nhược điểm nêu trên, đồng thời trong vòng từ 4-5 năm đã cho hạt, ngoài ra còn có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày, cây dược liệu dưới tán rừng, giải quyết thu nhập trước mắt, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái.
 
Từ thực tế đó và thành công bước đầu của mô hình trồng dổi ở bản La Trọng 1, Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa xây dựng đề án, nhân rộng. Theo đó, Ủy ban MTTQVN huyện đã hỗ trợ hơn 17 nghìn cây dổi giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cho 116 hộ gia đình ĐBDTTS (có quỹ đất và nguyện vọng) ở các bản: Dộ-Tà Vờng (Trọng Hóa); Y Leng (Dân Hóa); Lương Năng (Hóa Sơn) và Phú Minh (Thượng Hóa). Đến thời điểm này, 116 hộ dân nói trên đã tiến hành đào hố để xuống giống trồng cây.
 
Ông Đinh Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Thượng Hóa cho biết, đến thời điểm này, 29 hộ đồng bào người Rục ở bản Phú Minh đã nhận được cây giống và đang tiến hành phát cây, đào hố để trồng dổi trên diện tích hơn 10ha của bản. “Bản Phú Minh có 38 hộ, đa số là đồng bào người Rục. Trước đây, người Rục sống trong hang đá, quen với cuộc sống “săn bắt hái lượm”, nay sống định cư, được bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương hướng dẫn họ đã biết chăn nuôi, trồng rừng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những năm qua, đồng bào chủ yếu trồng cây keo, còn trồng dổi thì đây là lần đầu nên chúng tôi phải hướng dẫn bà con rất kỹ càng…”, ông Dung chia sẻ.
 
Phan Phương

 

tin liên quan

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa VN và các tập đoàn kinh tế nước ngoài

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện thái độ cầu thị và sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp để tháo gỡ từng khó khăn, thách thức, giúp gây dựng được sự tin tưởng và yên tâm cho các nhà đầu tư.
 

"Nuôi dưỡng" nguồn thu ngân sách

(QBĐT) - Sớm hiện thực hóa các kịch bản, phương án nhằm hỗ trợ, phục hồi, "vực dậy" nền sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang là vấn đề được các doanh nghiệp (DN), người dân quan tâm hiện nay. Bởi, đây không chỉ là câu chuyện sống còn của DN, mà còn để "nuôi dưỡng" nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Người trẻ khởi nghiệp

(QBĐT) - Nuôi lươn không bùn là mô hình phát triển kinh tế khá mới mẻ ở Quảng Bình. Nhiều người cũng đã thử nghiệm và chấp nhận thất bại nhưng đó lại là hướng khởi nghiệp được đôi vợ chồng trẻ Lê Thị Bảy (SN 1993) và Phạm Ngọc Tú (SN 1993), thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) lựa chọn và thành công. Câu chuyện khởi nghiệp của họ thể hiện tư duy đột phá của người trẻ trong cách nghĩ, cách làm để vươn lên trên chính mảnh đất quê hương.