Khởi nghiệp ở nông thôn

  • 07:17 | Thứ Tư, 03/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bằng ý chí và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Chí Hoàng (SN 1986, ở thôn Trung Thủy, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa) đã xây dựng mô hình chăn nuôi dê và heo rừng cho thu nhập khá, trở thành một trong những điển hình trong phong trào thanh niên lập nghiệp của địa phương.
 
Trước đây, anh Nguyễn Chí Hoàng từng bôn ba đi làm công nhân ở nhiều nơi nhưng thu nhập chỉ đủ sống qua ngày. Năm 2014, anh Hoàng quyết định về quê lập nghiệp trên chính mảnh đất của gia đình. Ban đầu, anh Hoàng đầu tư chăn nuôi bò nhưng hiệu quả không cao do chi phí thức ăn nhiều và tốn công chăm sóc. Đến năm 2018, anh quyết định chuyển sang chăn nuôi dê.
 
Anh Nguyễn Chí Hoàng cho biết: “Qua tìm hiểu, nhận thấy điều kiện tự nhiên chăn nuôi của địa phương thuận lợi, nhu cầu thị trường với sản phẩm thịt dê đang tăng, nên tôi quyết định đầu tư chăn nuôi dê. Tôi chỉ nuôi một ít con để thử nghiệm trong giai đoạn đầu, sau đó mở rộng dần”.
 
Theo anh Hoàng, nuôi dê vốn đầu tư thấp, dê ít bệnh tật, ít công chăm sóc, mỗi năm 1 dê mẹ đẻ 2 lứa nên việc nhân đàn nhanh. Đặc biệt, gia đình anh Hoàng ở gần rừng nên việc chăn thả dê rất thuận lợi. Hàng ngày, anh thả đàn dê vào rừng tự kiếm ăn chứ không cần phải chuẩn bị thức ăn nhiều. Gia đình anh Hoàng cũng trồng một ít diện tích cỏ, rau các loại và trồng mít để làm nguồn thức ăn dự phòng cho đàn dê mỗi khi trời mưa rét.
 
Hiện đàn dê của gia đình anh Nguyễn Chí Hoàng đã phát triển gần 50 con, mang lại thu nhập ổn định.
Hiện đàn dê của gia đình anh Nguyễn Chí Hoàng đã phát triển gần 50 con, mang lại thu nhập ổn định.
Những ngày đầu bắt tay vào chăn nuôi dê, do chưa nắm vững kỹ thuật nên cũng gặp nhiều rủi ro, có những thời điểm dê mắc bệnh, chết một vài con mà không biết rõ nguyên nhân. Không nản chí, anh Hoàng tự sưu tầm tài liệu, tìm hiểu qua mạng xã hội cách phòng và điều trị các chứng bệnh trên đàn dê. Ngoài ra, anh còn tìm đến các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi dê lâu năm để học hỏi kinh nghiệm. Nhờ vậy, đến nay, đàn dê của gia đình anh phát triển tốt.
 
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi dê, anh Nguyễn Chí Hoàng cho biết: “Dê là loài vật nuôi không ưa độ ẩm cao nên chuồng trại phải xây dựng thoáng mát, sạch sẽ, làm sàn cao cho dê ở. Chuồng dê phải chia làm nhiều ngăn để nhốt riêng dê sinh sản, dê con mới tách mẹ và dê trưởng thành, không nhốt chung vì chúng có thể sẽ gây hại lẫn nhau. Thức ăn cho dê phải khô ráo, ngoài cỏ, các loại lá cây, cần bổ sung các loại khoáng vi lượng để hỗ trợ tiêu hóa, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng phòng trừ dịch bệnh”.
 
Với sự nỗ lực của bản thân và gia đình, hiện đàn dê của gia đình anh Nguyễn Chí Hoàng đã phát triển gần 50 con. Ngoài ra, gia đình anh Hoàng còn nuôi thêm 20 con heo rừng, trong đó có 3 heo nái sinh sản. Mỗi năm thu nhập từ nuôi dê và heo rừng trên 100 triệu đồng.
 
Bí thư Đoàn xã Tiến Hóa Phạm Trung Thành cho biết: “Anh Nguyễn Chí Hoàng là tấm gương cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã học hỏi về tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm, nỗ lực làm giàu trên chính quê hương của mình. Mô hình chăn nuôi dê và heo rừng của anh Hoàng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình và có thể nhân rộng cho nhiều gia đình khác, đặc biệt là thanh niên mới lập thân, lập nghiệp. Thời gian tới, Đoàn xã Tiến Hóa sẽ tiếp tục làm tốt công tác hỗ trợ vay vốn, tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng”.
 
Văn Tư

tin liên quan

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa VN và các tập đoàn kinh tế nước ngoài

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện thái độ cầu thị và sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp để tháo gỡ từng khó khăn, thách thức, giúp gây dựng được sự tin tưởng và yên tâm cho các nhà đầu tư.
 

Người trẻ khởi nghiệp

(QBĐT) - Nuôi lươn không bùn là mô hình phát triển kinh tế khá mới mẻ ở Quảng Bình. Nhiều người cũng đã thử nghiệm và chấp nhận thất bại nhưng đó lại là hướng khởi nghiệp được đôi vợ chồng trẻ Lê Thị Bảy (SN 1993) và Phạm Ngọc Tú (SN 1993), thôn Phú Lộc 2, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) lựa chọn và thành công. Câu chuyện khởi nghiệp của họ thể hiện tư duy đột phá của người trẻ trong cách nghĩ, cách làm để vươn lên trên chính mảnh đất quê hương.

"Nuôi dưỡng" nguồn thu ngân sách

(QBĐT) - Sớm hiện thực hóa các kịch bản, phương án nhằm hỗ trợ, phục hồi, "vực dậy" nền sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang là vấn đề được các doanh nghiệp (DN), người dân quan tâm hiện nay. Bởi, đây không chỉ là câu chuyện sống còn của DN, mà còn để "nuôi dưỡng" nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).