Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi lao đao

  • 08:16 | Thứ Năm, 11/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi giảm sâu trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Nhiều gia trại, trang trại thua lỗ hàng trăm triệu đồng, không ít hộ chăn nuôi không thể tái đàn vì kiệt quệ nguồn vốn.
 
Từ đầu năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ 6-8 đợt do giá lương thực toàn cầu tiếp tục leo thang. Trong khi đó, giá lợn hơi liên tục giảm mạnh, có thời điểm giảm xuống chỉ còn 35.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Trước thực trạng này, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ buộc phải “treo chuồng” do không đủ chi phí duy trì đàn và tái đàn.
 
Gia đình anh Hà Như Quỳnh, thôn Lệ Kỳ 3, xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) đang nuôi 100 con lợn thịt và 10 con lợn nái. Theo tính toán của anh Quỳnh, một con lợn đến lúc xuất chuồng tiêu tốn hết 3 triệu đồng tiền thức ăn, các chi phí thuốc thú y, điện, nước… hơn 500.000 đồng, tiền giống 1,6 triệu đồng. Tổng chi phí nuôi hơn 5 triệu đồng/con, chưa kể tiền nhân công. Với mức chi phí này thì giá lợn bán ra phải từ 55.000-60.000 đồng/kg người chăn nuôi mới có lãi còn giá bán như thời điểm hiện nay người nông dân chỉ có lỗ. Bình quân mỗi năm, gia đình anh Quỳnh xuất bán 4 lứa lợn cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, anh xuất bán 2 lứa lợn đều trúng thời điểm giá lợn hơi xuống thấp, anh Quỳnh lỗ 120 triệu đồng.
 
Giá thức ăn liên tục tăng trong khi giá lợn hơi giảm khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Giá thức ăn liên tục tăng trong khi giá lợn hơi giảm khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
“Tôi bán 60 con lợn với giá từ 35.000-38.000 đồng/kg. Tính tất cả các chi phí, tôi lỗ gần 2 triệu đồng/con. Hiện tại, để duy trì đàn lợn gần 100 con tôi phải giảm lượng thức ăn vì giá quá cao. Trong chuồng hiện có 30 con lợn đã đến thời kỳ xuất bán, dù giá thấp nhưng tôi vẫn phải bán vì càng nuôi thì càng lỗ”, anh Quỳnh chia sẻ.
 
Trang trại của ông Lê Xuân Phong, thôn Tân Ninh, xã Tân Thủy là một trong những trang trại quy mô lớn ở huyện Lệ Thủy. Mỗi năm, gia đình ông duy trì nuôi hơn 400 con lợn thịt và gần 30 con lợn nái. Chăn nuôi lợn không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông Phong. Trang trại của gia đình ông xuất bán hơn 400 con lợn thịt và lợn giống/năm, đem lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trang trại chăn nuôi lợn của ông Phong gặp nhiều khó khăn vì giá thịt lợn giảm mạnh, giá thức ăn lại tăng. Theo ông Phong, hiện giá thức ăn đã tăng từ 300.000 đồng lên 400.000 đồng/bao 25kg. Trong khi giá thịt lợn, gia đình ông bán ra chỉ từ 38.000-40.000 đồng/kg, lỗ hơn 1 triệu đồng/con.
 
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên trang trại của ông chỉ duy trì nuôi 80 con lợn, trong đó có 15 con đã đến tuổi xuất bán. “Thời điểm này, giá bán quá thấp nên tôi đang cố gắng cầm cự với hy vọng giá tăng lên sẽ bán để giảm thua lỗ. Chưa có năm nào mà gia đình tôi thua lỗ nặng như năm nay, trong khi tôi không phải mất tiền mua giống. Còn các hộ bỏ tiền ra mua giống thì xác định kiệt quệ”, ông Phong cho hay.
 
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh cũng đang trong tình trạng “dở khóc dở cười” vì giá lợn hơi xuống thấp. Chị Trịnh Thị Vinh, đại diện Công ty TNHH TBT (trước đây là Công ty TNHH Tabico) cho biết, trang trại chăn nuôi lợn của công ty có diện tích 3ha với 7 chuồng trại nuôi hơn 3.600 con lợn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá lợn hơi giảm mạnh dẫn tới hoạt động chăn nuôi của công ty gặp nhiều khó khăn. Công ty đã xuất bán 2 lứa với 600 con lợn, thua lỗ hơn 900 triệu đồng, chưa tính các loại chi phí.
 
Các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chưa yên tâm tái đàn.
Các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chưa yên tâm tái đàn.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nguyên nhân khiến giá lợn hơi có nhiều biến động là do trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, các địa phương tiêu thụ thịt lợn mạnh ở các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách, nguồn cung ở các trang trại chăn nuôi bị gián đoạn dẫn đến tồn hàng. Thời gian gần đây, hoạt động lưu thông hàng hóa đã trở lại nhưng việc tiêu thụ chưa mạnh khiến giá lợn giảm. Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đều tăng. Đặc biệt là chi phí vận chuyển và chi phí phòng, chống dịch.
 
Theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đầu năm 2021, giá thịt lợn hơi dao động từ 75.000-80.000 đồng/kg. Từ tháng 5 giá lợn bắt đầu giảm từ 70.000 đồng/kg xuống còn 38.000 đồng/kg và thời điểm hiện tại đang cầm chừng từ 42.000-46.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện tại thì người chăn nuôi bị thua lỗ, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ. So với những năm trước, người chăn nuôi thường chọn tái đàn vào giai đoạn này để xuất chuồng đúng dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu giảm, dịch tả lợn châu Phi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, người chăn nuôi đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Bởi vậy, người dân chưa yên tâm để tái đàn.
 
"Thời gian tới, Chi cục sẽ đẩy mạnh việc kêu gọi các doanh nghiệp lớn liên kết với người dân nuôi gia công và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, chi cục tiếp tục hỗ trợ giống lợn nái hậu bị ngoại cấp bố mẹ cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để tăng, tái đàn", ông Tám nói.
 
Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y Trần Công Tám: "Để bảo đảm cho việc tái đàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân những tháng cuối năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo các trang trại phải có biện pháp bảo vệ các đàn lợn nái; áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp phối trộn làm thức ăn để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả trong chăn nuôi". 
 
Lan Chi

tin liên quan

TP. Đồng Hới: Gặp khó trong thu ngân sách

(QBĐT) - Đến hết tháng 10-2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn TP. Đồng Hới đạt 1.431 tỷ đồng, chiếm 75,9% dự toán (DT) tỉnh giao và 75,3% DT thành phố giao năm 2021. Theo ông Hoàng Văn Giáp, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Đồng Hới-Quảng Ninh, một trong những nguyên nhân dẫn đến số thu ngân sách của thành phố đạt thấp là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Xăng RON95 lên sát 25.000 đồng, giữ ổn định giá dầu diesel và dầu hỏa

Theo quyết định của liên bộ, từ 15 giờ ngày 10-11, giá xăng RON95 và E5 RON92 tăng từ 559-658 đồng/lít; trong khi dầu diesel và dầu hỏa giữ ổn định, còn dầu mazút giảm 389 đồng/kg.
 

Giá vàng và giá dầu thế giới đều đi lên trong phiên giao dịch 9-11

Giá vàng giao tháng 12-2021 tăng 2,8 USD lên 1.830,8 USD/ounce lúc đóng cửa phiên, trong khi giá dầu Brent biển Bắc tăng lên 84,78 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 26-10.