.

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

.
08:17, Thứ Tư, 11/08/2021 (GMT+7)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, ngày 27-7-2021. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, ngày 27-7-2021. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
 
GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%
 
Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân; từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
 
Trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Về các chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP.
 
Các chỉ tiêu về xã hội, tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 67 năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28 - 30%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm. Có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới tối thiểu 80%, trong đó có 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
 
Các chỉ tiêu về môi trường: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100% và nông thôn là 93 - 95%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.
 
Tập trung thực hiện mục tiêu kép 
 
Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Nhiệm vụ đầu tiên là tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả xây dựng và thi hành pháp luật; điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa giữa các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
 
Các nhiệm vụ và giải pháp tiếp theo là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số; tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.
 
Nghị quyết cũng đề cập đến việc thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; thực hiện cải cách tiền lương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...
 
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng chương trình hành động của nhiệm kỳ, kế hoạch cụ thể cho từng năm, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội; cuối năm 2023 báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết giữa nhiệm kỳ.
 
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đạt kết quả cao nhất.
 
Theo TTXVN/Báo Tin tức
 
,
  • Bố Trạch: Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi

    (QBĐT) - Để bảo đảm an toàn hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, kè sông, kè biển trước mùa mưa lũ năm 2021, huyện Bố Trạch đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành xây dựng công trình; đồng thời, tăng cường công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh...

    11/08/2021
    .
  • Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới

    (QBĐT) - Nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên giới quốc gia, Quảng Bình đã huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới của tỉnh.

    10/08/2021
    .
  • Kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công

    (QBĐT) - Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao năm 2021. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2021 đạt kết quả thấp với tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 34,12%.

    10/08/2021
    .
  • Tạm dừng cuộc thi "Trải nghiệm du lịch Quảng Bình - Điểm đến an toàn và khác biệt"

    (QBĐT)- Ngày 10-8, Ban Tổ chức cuộc thi "Trải nghiệm du lịch Quảng Bình - Điểm đến an toàn và khác biệt" cho biết, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên khắp cả nước, ảnh hưởng đến việc du khách trong và ngoài nước đến Quảng Bình trải nghiệm, có những cảm nhận, chia sẻ và những bài viết, video đẹp, Ban tổ chức đã quyết định tạm dừng cuộc thi.

    10/08/2021
    .
  • Tích cực chăm sóc cây trồng vụ hè-thu

    (QBĐT) - Vụ hè-thu 2021, toàn tỉnh gieo trồng 15.756ha lúa và hơn 2.700ha cây trồng các loại. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang chỉ đạo, đôn đốc nông dân tập trung chăm sóc cây trồng, ngăn chặn dịch hại, bảo đảm đủ nước tưới để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

    10/08/2021
    .
  • Giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã trong chuỗi cung ứng hàng hóa

    Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã thể hiện rõ vai trò trong chuỗi cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước trong bối cảnh dịch COVID-19.

    09/08/2021
    .
  • Chuyện quản lý: Điểm tựa cho nghề cá

    (QBĐT) - Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1976/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Một trong những mục tiêu của quyết định này là đáp ứng nhu cầu neo đậu, dịch vụ hậu cần cho tàu cá và từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

    09/08/2021
    .
  • Chi nhánh Lâm trường Kiến Giang: Nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

    (QBĐT) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai và dịch bệnh nhưng Chi nhánh Lâm trường Kiến Giang (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại, đóng trên địa bàn xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) vẫn thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, việc làm và thu nhập của người lao động ngày càng ổn định, doanh thu của lâm trường tăng lên hàng năm.

    09/08/2021
    .