Tiêu thụ thủy sản gặp khó vì dịch Covid-19

  • 14:32 | Thứ Bảy, 31/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chi phí sản xuất tăng, giá thành thấp, khó tiêu thụ... là những khó khăn mà người dân và các doanh nghiệp nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản trong tỉnh đang gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đứng trước nguy cơ “vỡ nợ” do không tiêu thụ được sản phẩm.
 
Chị Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Lâm, đóng tại địa bàn xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cho biết, công ty chuyên thu mua thủy sản của người dân xuất sang thị trường Trung Quốc, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng chục tấn cá của công ty không xuất khẩu được dẫn đến thiệt hại hàng tỷ đồng.
 
Được biết, giá cá hố công ty thu mua của người dân có giá 125.000 đồng/kg nhưng do không xuất khẩu được, trong quá trình vận chuyển qua lại dẫn đến cá bị hư hỏng nên chỉ có thể bán cho các cơ sở sản xuất thức ăn với giá từ 5.000-12.000 đồng/kg.
 
Thời điểm hiện tại, việc tiêu thụ hải sản vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ thị trường Trung Quốc bị đình trệ, tiêu thụ trong nước cũng bị hạn chế do nhiều nhà hàng, khách sạn… tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch.
Hàng chục tấn hàng của Công ty TNHH Vũ Lâm, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) phải gửi kho đông lạnh vì không xuất khẩu được.
Hàng chục tấn hàng của Công ty TNHH Vũ Lâm, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) phải gửi kho đông lạnh vì không xuất khẩu được.
“Hiện tại, công ty có 51 tấn cá không tiêu thụ được, trong đó có 24 tấn đang được cấp đông tại kho đông lạnh ở thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch (Bố Trạch). 9 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trên địa bàn cũng đang gặp phải cảnh ngộ tương tự. Để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có thể vượt qua khó khăn, rất cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành chức năng”, chị Liên chia sẻ.
 
Những năm qua, nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trong nhà lưới vốn mang lại hiệu quả kinh tế cao chongười dân xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy), thế nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là giá thành hạ và khó tiêu thụ.
 
Anh Nguyễn Minh Giáp, xã Ngư Thủy Bắc cho biết, chưa năm nào người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đầu vụ giá vật tư, thức ăn chăn nuôi tăng cao, cuối vụ giá bán tôm giảm mạnh. Đầu năm 2020, anh Giáp nuôi 3 ao tôm trong nhà lưới với diện tích hơn 1.000m2, năng suất đạt gần 5 tấn, đem lại thu nhập hơn 470 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhưng thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thương lái chỉ thu mua cầm chừng và trả giá thấp.
 
Theo anh Giáp, trước đây, tôm loại 50 con/kg giá bán từ 130.000-155.000 đồng/kg nhưng hiện chỉ bán được 105.000 đồng/kg; tôm loại 100 con/kg giá bán chỉ từ 70.000-80.000 đồng/kg.
 
Gia đình anh Giáp vừa xuất bán ao tôm với sản lượng hơn 2 tấn nhưng chỉ thu được 140 triệu đồng. “Nếu không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời điểm này, thương lái ở ngoài Bắc đã vào thu mua tôm sống, nhưng hiện tại tôm chỉ bán được cho các nhà máy tôm đông lạnh. Giá thành thấp nhưng vẫn rất khó tiêu thụ vì nhu cầu thu mua tôm của các nhà máy cũng không nhiều. Vụ tôm năm nay, gia đình tôi nuôi 2 ao tôm nhưng không có lãi và phải bù lỗ gần 100 triệu đồng vì các chi phí tăng cao”, anh Giáp chia sẻ.
 
Theo ông Đỗ Hải Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Sông Gianh Quảng Bình, công ty chuyên xuất khẩu hải sản đông lạnh bằng đường biển sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến giá cả các nguyên liệu phụ, cước phí vận chuyển tăng, quá trình vận chuyển hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, hàng hóa tiêu thụ giảm 70-80%.
Người nuôi tôm ở xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) gặp nhiều khó khăn do giá bán tôm hạ thấp.
Người nuôi tôm ở xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) gặp nhiều khó khăn do giá bán tôm hạ thấp.
Ông Lê Kim Hoàng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn) cho biết, toàn tỉnh có hơn 400 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm thủy sản, trong đó có 5 doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh được chứng nhận HACCP (chứng chỉ chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm-phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn theo tiêu chuẩn quốc tế), đủ điều kiện xuất khẩu.
 
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ thủy hải sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nhiều sản phẩm cá, tôm, mực xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc bị dừng, hoạt động cầm chừng. Nhiều thủy hải sản tiêu thụ trong nước giá thành hạ, tiêu thụ khó, gây rất nhiều khó khăn cho người dân.
 
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước thông qua các hội chợ, triển lãm, giới thiệu và quảng bá sản phẩm; xây dựng các cửa hàng kinh doanh thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn phục vụ khách du lịch và tiêu thụ nội địa; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản theo đường tiểu ngạch nâng cao năng lực, bảo đảm đủ điều kiện xuất khẩu theo đường chính ngạch.
 
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trước mắt, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ, giới thiệu các doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch liên hệ với các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch để xuất khẩu sản phẩm; hướng dẫn các doanh nghiệp những kiến thức cơ bản để có thể xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường nhiều nước bằng con đường chính ngạch…
Ông Lê Kim Hoàng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho hay: “Toàn tỉnh có gần 20 doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, sản phẩm chủ yếu là thủy sản ướp đá (tôm, cá…). Hiện, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía Trung Quốc thắt chặt biên mậu; đồng thời, thực hiện thiết lập và áp dụng các hàng rào kỹ thuật nhằm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nông sản từ Việt Nam (trong đó có thủy sản). Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bản tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu của phía đối tác, dẫn đến gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa”.
                                                                                                            Lan Chi