Linh hoạt quản lý vận tải giữa "bão"- dịch COVID-19

  • 19:07 | Chủ Nhật, 13/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Qua 4 đợt dịch COVID-19, hoạt động vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều địa phương e ngại dịch lây lan đã có những quyết định gây khó khăn cho hoạt động vận tải. Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã giao lãnh đạo các tỉnh, thành phố thống nhất với các địa phương có dịch phức tạp áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải, bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh, nhưng không “ngăn sông cấm chợ” vận tải.
 
"Bế quan tỏa cảng"
 
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã phải ứng phó với 2 đợt dịch bùng phát mạnh, khiến nhiều địa phương nâng lên mức phòng chống dịch lên cao nhất và doanh nghiệp vận tải phải “chịu trận”. 
 
Đơn cử, trong đợt dịch lần 2 bùng phát vào tháng 8-2020, khi Hải Dương thực hiện cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg, TP Hải Phòng đã yêu cầu dừng tiếp nhận tất cả người và phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách từ Hải Dương đi Hải Phòng. Nếu cố tình vi phạm bị phát hiện sẽ bắt buộc vào khu cách ly y tế tập trung của thành phố và phải trả phí. 
<img alt="Việc " bế="" quan="" tỏa="" cảng="" "="" phương="" tiện="" trong="" dịch="" tại="" một="" số="" địa="" gây="" ảnh="" hưởng="" trực="" tiếp="" đến="" hoạt="" động="" vận="" tải.="" itemprop="image" data-cke-saved-src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/202106/original/images702787_12621cv1.jpg" src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/202106/original/images702787_12621cv1.jpg" style="width: 734px; height: 432px;">
Việc "bế quan tỏa cảng" phương tiện trong dịch tại một số địa phương gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tải.
Động thái này khiến người dân, doanh nghiệp Hải Dương "điêu đứng", khi không thể tiêu thụ hàng nghìn ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch, trong khi vận tải hàng hóa không kết nối được với cảng biển Hải Phòng để xuất khẩu. Các xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu xuất phát từ Hải Dương bị dừng tại các điểm kiểm soát giáp ranh giữa hai địa phương và tỉnh Hải Dương đã phải “kêu cứu” Bộ Công Thương để xin thông thương hàng hóa.
 
Còn sau khi đợt dịch lần 4 ập đến bất ngờ vào cuối tháng 4-2021, câu chuyện trên lại diễn ra với TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Đến đầu tháng 6, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện gần 400 ca mắc COVID-19 do tốc độ lây lan nhanh. Lo ngại dịch lây lan tới địa phương, tỉnh Đồng Nai đã ban hành Công văn bản 6180/UBND-KGVX kể từ 0 giờ ngày 5/6 cách ly y tế tại nhà hoặc tại cơ sở lưu trú (người cách ly tự trả phí) 21 ngày đối với những người từ TP Hồ Chí Minh về/đến Đồng Nai từ TP Hồ Chí Minh; tạm dừng xe hợp đồng, du lịch, taxi, xe khách tuyến cố định... 2 chiều Đồng Nai - TP Hồ Chí Minh, khiến các doanh nghiệp vận tải bức xúc vì không kịp xoay xở...
 
Tổng hợp ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp cho thấy, việc "bế quan tỏa cảng" của Đồng Nai, khiến hàng hóa đi từ TP Hồ Chí Minh qua Đồng Nai tới cảng Cái Mép - Thị Vải và ngược lại bị gián đoạn đột ngột, trong khi lượng hàng và xe cung đường này rất lớn. Chưa kể, hàng nghìn người lao động cư trú tại tỉnh Đồng Nai và nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn trong di chuyển, vận chuyển, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, ngày 5/6 tỉnh đã có văn bản gỡ khó cho việc đi lại của người lao động.
 
Không ít lái xe cũng phản ánh, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường, các địa phương đều phải căng mình ứng phó, nhưng mỗi địa phương lại yêu cầu một kiểu. Các chủ doanh nghiệp vận tải đều yêu cầu cứng với lái xe chở hàng qua các địa phương có dịch, giãn cách xã hội, phải có giấy xét nghiệm chứng minh âm tính với COVID-19, nhưng giữa các địa phương hiện nay chưa có sự thống nhất về hiệu lực của giấy xét nghiệm, mỗi nơi quy định một kiểu. Ví dụ: Quảng Ninh có giá trị 7 ngày, Thái Nguyên, Bắc Ninh 5 ngày, Vĩnh Phúc, Thái Bình 3 ngày... Thực tế này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, lái xe. 
 
Giải pháp kịp thời
 
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành Trung ương về áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế thực hiện "mục tiêu kép" ngày 5-6-2021, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương đảm bảo mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, phối hợp với các Bộ: Y tế, Công an, Công thương... chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây "nghẽn" hoạt động vận tải. 
 
Trao đổi vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, từ khi đợt có dịch lần 4 bùng phát, Tổng cục đã chỉ đạo, hướng dẫn, đề xuất nhiều giải pháp phòng chống dịch và hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn. Qua rà soát, trong tháng 5-2021, phương tiện kinh doanh vận tải hành khách tại Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sản lượng vận chuyển giảm so với tháng 4-2021. 
Công nghệ ứng dụng truy vết hành khách vi phạm trên xe hoạt động vận tải gắn trên camera. Ảnh: Kim Cúc.
Công nghệ ứng dụng truy vết hành khách vi phạm trên xe hoạt động vận tải gắn trên camera. Ảnh: Kim Cúc.
Vì vậy, Tổng cục đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ cho phép chưa thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính đối với quy định lắp đặt camera giám sát trên phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách 9 chỗ trở lên chưa xử lý vi phạm hành chính từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022; đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo chưa xử lý vi phạm hành chính từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 31-12-2021.
 
Từ ngày 1-1-2022, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo và từ ngày 1-7-2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách 9 chỗ trở lên, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định đối với các doanh nghiệp vận tải không lắp đặt camera giám sát.
 
Ngoài ra, Tổng cục kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29-12-2020 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 đến hết ngày 31-12-2021; Thông tư số 74/2020/TT-BTC ngày 10-8-2020 của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách đến hết ngày 31-12-2021.
 
Ở góc độ vận tải, để đảm bảo không bị đứt gãy hoạt động, theo đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hầu hết các phương tiện kinh doanh vận tải khách hiện đều được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, xe đến vị trí nào đều được lưu vết được. Nhiều doanh nghiệp công nghệ cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp vận tải cài đặt ứng dụng số hóa quy trình khai báo các thông tin liên quan đến hành trình vận tải để xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung, giúp cơ quan liên quan quản lý truy vết khi cần.
 
"Với ứng dụng này, sau khi lái xe/doanh nghiệp hoàn thành khai báo y tế, tất cả thông tin sẽ được mã hóa bằng mã QR code. Khi đến địa phương nào, qua chốt kiểm dịch chỉ cần chỉ cần sử dụng thiết bị thông minh di động quét mã QR code để ghi nhận thông tin; giúp việc khai báo thông tin linh hoạt hơn (trong trường hợp thay đổi lộ trình), giúp doanh nghiệp tối ưu được thời gian khai báo khi đến vùng dịch....", đại diện Hiệp hội vận tải chia sẻ.
 
Theo Vân Sơn/Báo Tin tức