Hỗ trợ sinh kế giúp phụ nữ thoát nghèo

  • 10:32 | Thứ Ba, 22/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, nhằm giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động với hình thức phong phú, đa dạng như tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi…
 
Hiệu quả từ những hoạt động này đã giúp nhiều chị em vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.
 
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng lại thường xuyên ốm đau, 3 con nhỏ đang tuổi ăn học, chị Nguyễn Thị Bích (SN 1973, thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) trở thành trụ cột gia đình. Nhưng không cam chịu đói nghèo, với bản tính cần cù, chịu khó và sự quyết tâm, chị luôn trăn trở để tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho con ăn học.
 
Chị nung nấu ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh và bắt đầu thành lập tổ hợp tác “Chăn nuôi gà đồi” từ năm 2016. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ các cấp và sự nhanh nhẹn, sáng tạo biết tận dụng cơ hội trong kinh doanh, chị đã được dự án phân cấp giảm nghèo huyện hỗ trợ 175 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, quy hoạch khu chăn nuôi.
 
Thời gian đầu, chị gặp nhiều khó khăn do vốn ít, thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, đầu ra sản phẩm bấp bênh. Nắm bắt được những khó khăn của chị, Hội LHPN huyện đã quan tâm, giới thiệu chị đến tìm hiểu các cơ sở sản xuất con giống, trạm thú y của huyện; tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, các loại thuốc phòng bệnh và giới thiệu chị tìm đến học hỏi kinh nghiệm những người đã khởi nghiệp thành công.
 
Ngoài ra, chị còn tự tìm hiểu, nghiên cứu nhiều loại sách về kinh doanh và khởi nghiệp để trau dồi thêm các kỹ năng cho bản thân. Do vậy, việc sản xuất, kinh doanh của chị dần dần ổn định, kinh tế gia đình ngày một phát triển. Tháng 6-2020, Hội LHPN huyện đã liên kết, hỗ trợ hướng dẫn cho chị tiến hành các thủ tục thành lập hợp tác xã (HTX) "Chăn nuôi gà đồi Thái Thủy” .
 
Đến nay, HTX "Chăn nuôi gà đồi Thái Thủy” do chị làm chủ nhiệm trung bình mỗi năm xuất chuồng 3 lứa, mỗi lứa 800 con, lãi 20.000-30.000/kg. HTX đã tạo việc làm cho 10 lao động nữ với lương bình quân 2-3 triệu đồng/người/tháng. Với kinh nghiệm lâu năm, mô hình chăn nuôi gà đồi của chị đã phát triển bền vững, mỗi năm trừ chi phí chị còn lãi 150 đến 200 triệu đồng. Thực phẩm gà đồi sạch của chị được xuất bán cho các nhà hàng, siêu thị lớn trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, chị còn trồng thêm cây cao su và keo để tăng thêm thu nhập lâu dài cho gia đình. 
Mô hình kinh tế của chị Nguyễn Thị Bích vừa mang lại thu nhập cho gia đình vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Mô hình kinh tế của chị Nguyễn Thị Bích vừa mang lại thu nhập cho gia đình vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Mô hình của chị Nguyễn Thị Bích là một trong số rất nhiều mô hình đã nhận được sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ và thành công. Để hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, hàng năm, các cấp hội vừa chú trọng tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại, vừa vận động hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau về vốn, ngày công, khoa học kỹ thuật…
 
Bên cạnh đó, các cấp hội còn động viên, hướng dẫn hội viên có tư duy mới, cách làm mới trong lao động, sản xuất, mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả ở nông thôn; tập trung khai thác các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập.
 
Các cấp hội cũng thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động tiếp cận, khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ tại địa phương; kịp thời phát hiện, nêu gương, nhân rộng các điển hình phụ nữ vươn lên thoát nghèo ở cơ sở…
 
Tính đến nay, tổng dư nợ các nguồn vốn do các cấp hội huy động, nhận ủy thác, tín chấp là gần 1.492 tỷ đồng, hỗ trợ 47.184 phụ nữ vay phát triển kinh tế, giảm nghèo. Bên cạnh đó, các cấp hội còn duy trì, nâng cao chất lượng 73 nhóm “Tiết kiệm vay vốn thôn, bản” tại 15 xã, số tiền tiết kiệm đến nay là 1,219 tỷ đồng, cho 426 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế.
 
Nhằm kịp thời nắm bắt và hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, hàng năm, các cấp Hội LHPN đã khảo sát nhu cầu hội viên, phụ nữ ở cơ sở. Từ đó, xây dựng mô hình giảm nghèo phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ và tình hình thực tế tại địa phương.
 
Phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình tiếp tục triển khai hiệu quả tại các cơ sở hội với 9.470 hội viên, phụ nữ nghèo được hỗ trợ, giúp đỡ. Trong đó, có 3.265 hội viên, phụ nữ được giúp cho vay không lấy lãi với số tiền trên 3,2 tỷ đồng, 1.045 ngày công và 10.270 con giống các loại, giúp 286 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều.
 
Bà Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục tranh thủ các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương để hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ được tiếp cận vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các cấp hội tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 -2025. Hội cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với tình hình của tỉnh.
 
Phạm Hà