Hàng ngoại "thách thức" hàng Việt

  • 07:47 | Thứ Sáu, 11/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, trên thị trường, hàng tiêu dùng có xuất xứ từ nước ngoài được bày bán đa dạng, đặt hàng Việt đứng trước thách thức cần phải đổi mới toàn diện về chất lượng, bao bì, mẫu mã, giá cả…để đủ sức cạnh tranh trên chính "sân nhà".
 
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tạo ra cuộc chuyển động mạnh mẽ và sâu rộng, hàng Việt đã dần chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng và trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, "cuộc chiến" cạnh tranh với hàng ngoại vẫn không hề đơn giản, dễ dàng trong xu thế hội nhập quốc tế và với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
 
Những năm trở lại đây, hàng hóa xuất xứ từ nước ngoài xuất hiện ở nhiều nơi, từ các website đến các cửa hàng bán lẻ, chợ, siêu thị... trên địa bàn toàn tỉnh. Khảo sát một vòng tại TP. Đồng Hới,  không khó để tìm các siêu thị, cửa hàng chuyên bán các mặt hàng ngoại nhập. 
Xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng chuyên bán hàng ngoại trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở TP. Đồng Hới.
Xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng chuyên bán hàng ngoại trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở TP. Đồng Hới.
Trong đó, chỉ tính riêng tuyến đường Trần Hưng Đạo đã có khá nhiều cửa hàng chuyên bán hàng hóa nhập ngoại, như: siêu thị hàng tiêu dùng có xuất xứ từ Nhật Bản, siêu thị mini chuyên bán hàng nội địa có nguồn gốc từ Thái Lan, cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài…
 
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới cho biết: "Hàng ngoại hiện được bày bán rất nhiều, đa dạng chủng loại. Một số mặt hàng có nguồn gốc từ Anh, Mỹ, Úc, Đức… có giá hơi đắt nhưng bù lại chất lượng cao, chúng tôi yên tâm sử dụng, còn hàng có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan thì giá cả tương đối mềm nên phù hợp với số đông người tiêu dùng hơn.
 
Hiện đối với các sản phẩm, như: thuốc tây, đồ dùng cho trẻ em, hàng điện tử, điện máy…, gia đình tôi đều chọn và sử dụng hàng ngoại. Còn các mặt hàng tiêu dùng khác thì chúng tôi vẫn cân nhắc vì nhiều mặt hàng Việt Nam cũng chất lượng mà giá cả phải chăng".
 
Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, không chỉ tại địa bàn TP. Đồng Hới mà tại các cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống của các huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh, các sản phẩm nhập ngoại cũng được bán đa dạng từ đồ điện tử, điện gia dụng, thời trang, mỹ phẩm cho đến hàng thực phẩm, như: sữa, gạo, trái cây…
 
Tại chợ Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, khi chúng tôi hỏi về hàng nhập ngoại thì các tiểu thương đều nhận định là có bán nhưng không nhiều. Chỉ khi khách hàng hỏi về một sản phẩm nhất định thì nhân viên bán hàng mới tư vấn tường tận, đặc biệt hàng xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc.
 
Thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng xuất xứ từ nước ngoài không có gì khác biệt hay nổi trội hơn hàng Việt. Anh Nguyễn Đại Dương, Chủ siêu thị mini Maikamart, thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa) cho hay, siêu thị Maikamart đã hoạt động được gần 5 năm nay, thời điểm thành lập, siêu thị chuyên bán các sản phẩm có nguồn gốc từ Thái Lan, các sản phẩm chính là bánh kẹo, sữa đến đồ gia dụng hàng ngày… 
Hàng ngoại được bày bán đa dạng tại các cửa hàng tạp hóa, chợ, siêu thị trên địa bàn toàn tỉnh.
Hàng ngoại được bày bán đa dạng tại các cửa hàng tạp hóa, chợ, siêu thị trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, lượng khách hàng không ổn định như mong đợi, khách đến mua hàng phần lớn là làm quà tặng vì giá cả hàng Thái Lan nhập chính hãng tương đối cao hơn so với hàng Việt Nam nhưng chất lượng không nổi trội hơn. Chính vì vậy, nên từ năm 2019, siêu thị đã chuyển đổi sang bán hàng Việt Nam là chủ yếu, hàng Thái Lan chỉ chiếm khoảng 10% đối với các mặt hàng phổ biến, như: nước giặt, bánh, kẹo, sữa…
 
Nhiều người sau khi sử dụng hàng nhập ngoại cũng đã khẳng định, đối với nhiều mặt hàng cùng loại, giá cả tương đương, hàng Việt Nam vẫn chất lượng hơn. Chị Nguyễn Thị Thủy, phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới chia sẻ: "Thấy nhiều người ca ngợi nước giặt xả Thái Lan thơm, sạch, tôi cũng mua thử để sử dụng. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nhãn hàng nước giặt xả của Việt Nam thì kém hơn về độ mềm vải, hương thơm, độ sạch... Hay các sản phẩm bánh kẹo Việt Nam vẫn rẻ, ngon, phù hợp với vị giác của người Việt hơn là bánh kẹo nhập ngoại, hoặc áo quần, giày dép cũng vậy, tôi thấy hàng Việt Nam vẫn đẹp, chất lượng, giá cả phải chăng, phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam".
 
Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, để không bị hàng ngoại lấn lướt, các nhà sản xuất trong nước cần phải từng bước tổ chức lại sản xuất, đầu tư trang thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại, có các cơ chế khuyến mãi và các dịch vụ phục vụ khách hàng chu đáo, tổ chức tốt hệ thống phân phối, quảng bá và cùng nhau liên kết tạo thị trường cạnh tranh trước ngưỡng cửa hội nhập.
 
Đặc biệt, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã, bảo đảm an toàn thực phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, lúc đó mới cạnh tranh và giành được niềm tin của người tiêu dùng.
 
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra và kiểm soát việc nhập khẩu hàng hóa, nhất là hàng hóa không qua cửa khẩu, theo đường mòn lối mở…nhằm hạn chế hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt là tại các chợ truyền thống, vùng nông thôn miền núi, vùng có lực lượng quản lý thị trường thưa, mỏng…
 
Mặc dù cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong việc dùng hàng Việt Nam, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn còn có tâm lý "sính" hàng ngoại. Chính vì vậy, trước khi mua hàng, người tiêu dùng thông thái nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, tránh trường hợp mua hàng theo tâm lý đám đông, hàng giá rẻ mà mua sản phẩm chất lượng thấp, ông Phan Hoài Nam cho biết thêm.
 
 Thanh Hoa