Giá hàng hóa ổn định dù dịch COVID-19 bùng phát

  • 09:28 | Thứ Ba, 11/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Khảo sát của phóng viên báo Tin tức tại một số chợ dân sinh, siêu thị ở Hà Nội trong mấy ngày qua, giá thực phẩm nhìn chung ổn định, thậm chí giảm do nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, sức mua kém hơn bởi người dân ít ra đường do COVID-19 bùng phát trong cộng đồng.
Giá các loại thịt sạch ở siêu thị đắt hơn so với chợ truyền thống nhưng vẫn duy trì ở mức giá cũ.
Giá các loại thịt sạch ở siêu thị đắt hơn so với chợ truyền thống nhưng vẫn duy trì ở mức giá cũ.
Tại các chợ truyền thống, siêu thị, mặt hàng thực phẩm, rau xanh và hàng hoá nhu yếu phẩm vẫn được bày bán phong phú, nhưng theo nhiều tiểu thương ở Hà Nội, hàng hóa tiêu thụ chậm hơn so với thời điểm Việt Nam chưa có các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Sức mua tại chợ giảm khoảng 20 - 30% so với trước khi có dịch bệnh.
 
“Hiện giá xoài của Thái Lan vẫn ổn định, loại ngon được bán với giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, loại vừa từ 35.000 - 40.000 đồng/kg; giá xoài Sài Gòn từ 60.000 - 65.000 đồng/kg. Giá táo nhập ngoại có nhích hơn. Nếu như trước kia, giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, thì nay tăng thêm 10.000 đồng/kg; loại ngon hiện bán với giá 150.000 đồng/kg. Giá táo Envy từ 180.000 đến 200.000 đồng/kg, tăng từ 10.000 -  20.000 đồng/kg so với trước”, chị Phạm Thị Ngọ, tiểu thương hoa quả ở phố Hàng Bún, Hà Nội cho biết. 
 
Theo chị Phạm Thị Ngọ, do lo ngại dịch, nên sức mua giảm từ 30 đến 40% so với trước, vì người dân ít ra đường. Lượng khách mua qua điện thoại không đáng kể, ngoại trừ vào dịp ngày lễ mùng một và rằm. Trời nắng nóng nên giá cam và quýt tăng hơn so với trước từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg. Giá cam Sài Gòn 60.000 đồng/kg; quýt ngọt là 70.000 đồng/kg.
 
Do dịch bệnh bùng phát, nhiều nhà hàng, quán ăn vắng khách nên hàng hóa tiêu thụ chậm hơn so với trước. "Nhu yếu phẩm, thực phẩm rất nhiều nhưng giờ nhiều nhà hàng phải đóng cửa do vắng khách, dịch bệnh kéo dài nên lương thực, thực phẩm giờ còn dư thừa và giá cả còn mềm hơn", bà Nguyễn Thị Mai Liên - tiểu thương chợ Đồng Xa, phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết.
 
Theo chủ sạp cá tươi ở chợ “cóc” Lò Lợn, phố Bạch Mai, giá nhiều loại cá rẻ hơn từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg so với trước. Hiện cá rô phi được bán với giá từ 40.000 – 45.000 đồng/kg, tùy loại; các diêu hồng 58.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg; cá trắm 67.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg; cá chép 60.000 đồng/kg.
 
“Khoảng 1 tuần trở lại đây, người dân đi chợ hằng ngày ít hơn do mua gộp thứ ăn cho 3 ngày hoặc 1 tuần. Thông thường với hàng tươi sống như cá, nhiều bà nội trợ chỉ mua hàng dự trữ cho 3 ngày”, chị Liên Hoa - tiểu thương bán cá chợ “cóc” Lò Lợn cho biết. 
Hàng hóa ngập tràn tại siêu thị.
Hàng hóa ngập tràn tại siêu thị.
Từ đầu năm đến nay, giá thịt bò, thịt lợn không biến động, thậm chí "hạ nhiệt". Tại chợ truyền thống Phan Huy Chú, giá thịt bò diềm vẫn giữ ở mức 310.000 đồng/kg; thịt thăn bò là 350.000 đồng/kg; thịt bắp 350.000 đồng/kg; bắp lõi hoa từ 420.000 đến 620.000 đồng/kg, tùy loại. Tại một số chợ "cóc" ở Hà Nội, giá thịt lợn giảm nhẹ so với trước. Hiện giá thịt nạc vai là 140.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với trước; thịt mông sấn từ 110.000 đến 120.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với trước, đặc biệt mỡ lỡn giảm tới 15.000 đồng/kg với giá bán 60.000 đồng/kg.
 
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức ngày 10-5, bà Vũ Thị Thanh Vân (nội trợ), phố Bạch Mai chia sẻ: Trong mấy ngày nay, giá thực phẩm ở chợ Trại Găng, phố Bạch Mai vẫn ổn định như trước chưa có dịch COVID-19 trong cộng đồng. Theo đó, giá gà lông sống là 120.000 đồng/kg; rau cải ngọt là 10.000 đồng/kg; bắp cải là 8.000 đồng/kg; mùng tơi 5.000 đồng/kg, rau muống 8.000 đồng/kg…Do ngại dịch nên tôi ra đường ít hơn và mua thức ăn cho cả tuần. COVID-19 kéo dài nên giá cả hàng hóa giảm nhưng mức chi tiêu của người dân cũng tiết giảm hơn", bà Vũ Thị Thanh Vân chia sẻ. 
Nhiều điểm siêu thị áp dụng khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu.
Nhiều điểm siêu thị áp dụng khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, tại hệ thống siêu thị như: Big C, Hapro Mart, VinMart…hàng hóa đều được bầy đầy ắp trên kệ, giá cả hàng hóa không tăng, chưa kể còn có các chương trình khuyến mãi lớn cho khách hàng. Khách tới siêu thị đều được nhân viên kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn tay để phòng dịch. Đại diện các nhà phân phối và các chợ tại Hà Nội đều dự trữ gấp đôi hàng tại các kho để cung ứng cho thị trường. Hàng thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân đầy đủ, không có hiện tượng khan hàng "sốt" giá.
 
"Hà Nội đã chuẩn bị đủ lượng hàng lớn, phục vụ nhu cầu chống dịch cho người dân tại địa bàn. Với lượng hàng hoá dự trữ trong 3 tháng 17 mặt hàng thiết yếu có tổng trị giá 194.000 tỷ đồng. Ngoài ra, à Nội cũng dự trữ một lượng hàng hoá gần 30.000 tỷ đồng để sẵn sàng hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố ở khu vực lân cận nếu dịch bệnh phức tạp xảy ra", bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.
 
Theo Minh Phương/Báo Tin tức