Chương trình hành động số 02:

Tầm nhìn chiến lược, bước đi vững chắc

  • 08:17 | Chủ Nhật, 16/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại” là 1 trong 4 chương trình hành động (CTHĐ) mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Trong đó, hạ tầng giao thông là một nội dung trọng tâm đang được tỉnh triển khai tích cực. Với tầm nhìn chiến lược, bước đi vững chắc, giấc mơ về một Quảng Bình sở hữu hệ thống giao thông đồng bộ, từng bước hiện đại, là đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh đã bắt đầu hiện hữu.
 
Bài 1: Tiềm năng và dấu ấn
 
         Quảng Bình là một trong những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông cơ bản khá hoàn chỉnh từ đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng sông, biển. Những năm qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và nội lực của mình, Quảng Bình đã triển khai nhiều công trình trọng điểm, bước đầu hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, tạo tiền đề hoàn thiện hệ thống giao thông từng bước hiện đại.
 
*Tiềm năng rộng mở
 
Với vị trí đặc thù của mình, toàn bộ các trục giao thông Bắc-Nam quan trọng của đất nước như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc-Nam, đường bộ cao tốc đều đi qua Quảng Bình. Trên trục hành lang Đông-Tây, Quốc lộ 12A như một nét vẽ mềm mại kết nối các khu vực nội địa của ASEAN, như: Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Lào qua của khẩu quốc tế Cha Lo và xuôi về tận biển Đông, nơi có khu kinh tế Hòn La đang sẵn sàng đón “làn sóng” đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước. 
Quốc lộ 12A thênh thang rộng mở.
Quốc lộ 12A thênh thang rộng mở.
Để phát huy được những tiềm năng, lợi thế đó, trên cơ sở định hướng chiến lược của Trung ương và thực tiễn địa phương, Quảng Bình đã xây dựng những lộ trình dài hơi với những mục tiêu cụ thể trong đầu tư hạ tầng giao thông. Theo đó, hai thập kỷ qua, công tác đầu tư hạ tầng giao thông được chia thành các giai đoạn phù hợp với điều kiện của đất nước và của tỉnh. Nhiều dự án quan trọng đã được hoàn thành, góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo quê hương với các điểm nhấn ban đầu trong hạ tầng giao thông.
 
*Dấu ấn từ những công trình
 
Giai đoạn 2000-2009, công trình nổi bật, mang ý nghĩa quan trọng trong là dự án đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông và Tây) giai đoạn 1 với tổng chiều dài lớn nhất Việt Nam là 320km. Công trình là giấc mơ lớn của Quảng Bình khi những bản làng heo hút nay được kết nối dễ dàng với miền xuôi. Đường Hồ Chí Minh hoàn thành đã mở ra một chặng đường phát triển mới cho tỉnh, đồng thời giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1A thời điểm đó vẫn còn chưa được đầu tư nâng cấp.  
 
Tiếp đó, sân bay Đồng Hới với lịch sử hình thành gần 1 thế kỷ, sau bao thăng trầm, vào năm 2008 được hồi sinh với tên gọi Cảng hàng không Đồng Hới. Chuyến bay đầu tiên cất cánh và hạ cánh vào tháng 5-2008 đã mang lại một khí thế mới. Việc kết nối bằng đường hàng không giữa Quảng Bình với các địa phương trong cả nước và các nước trong khu vực vô cùng thuận lợi đã tạo đà, tạo thể để Quảng Bình sẵn sàng “cất cánh” trên hành trình phát triển mới. Cũng trong năm 2008, UBND tỉnh Quảng Bình đã cùng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chính thức công bố mở cảng biển Hòn La với trọng tải tiếp nhận cỡ tàu đến 20.000 DWT giảm tải.
 
Cùng với những con đường, những cây cầu bắc qua các dòng sông nổi tiếng như sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Kiến Giang cũng được hoàn thành trong giai đoạn này. Cầu Quảng Hải nối liền Quốc lộ 12A với 9 xã vùng Nam TX. Ba Đồn, bao gồm xã Quảng Hải, được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2009, sau vụ chìm đò đầy thương tâm với sự ra đi vĩnh viễn của 42 người dân. Cây cầu mới ra đời, kết thúc những âu lo, mất mát của cư dân 9 xã vùng Nam, để vùng quê cồn bãi gần hơn với trung tâm huyện lỵ.
 
Trước đó, cầu Nhật Lệ 1 đã nối liền TX. Đồng Hới thuở ấy với “bán đảo” Bảo Ninh, nơi người dân từ bao đời nay chỉ biết đi bộ trên mênh mông cát trắng và gắn bó với nghề chài lưới. Sau khi cây cầu hoàn thành, người Bảo Ninh mới bắt đầu tập đi xe đạp, xe máy và chạy xe qua cầu, ngỡ ngàng như một giấc mơ. Và tại Lệ Thủy, cầu Kiến Giang hoàn thành và đưa vào sử dụng là dấu mốc đổi thay mạnh mẽ nơi vùng quê chiêm trũng. 
Cầu Nhật Lệ 2, công trình điểm nhấn của TP. Đồng Hới. (ảnh: tư liệu)
Cầu Nhật Lệ 2, công trình điểm nhấn của TP. Đồng Hới. (ảnh: tư liệu)
Cũng trong giai đoạn này, tuyến đường ven biển các xã bãi ngang từ Bảo Ninh vào Ngư Thủy được triển khai xây dựng, các tuyến Quốc lộ 12A và Quốc lộ 15 cũng được sửa chữa, nâng cấp mở rộng. Cùng với các tuyến quốc lộ, hệ thống đường tỉnh lộ nối hành lang Đông-Tây đã tạo sự thông thoáng, tiện lợi cho vùng đất eo thắt “gánh hai đầu đất nước”. Những con đường đưa biển và rừng hội ngộ chỉ sau vài chục phút chạy xe ô tô, để có thể vừa mới dạo bước dưới tán rừng nguyên sinh tĩnh mịch đã nhanh chóng hội ngộ nơi biển xanh sóng vỗ.
 
Giai đoạn từ 2010 đến nay, diện mạo Quảng Bình tiếp tục đổi thay mạnh mẽ bởi nhiều công trình lớn được đầu tư và đưa vào sử dụng. Quốc lộ 1A được nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe, đường tránh lũ dài trên 33km bắt đầu từ phía Nam thị trấn Quán Hàu kéo dài đến xã Hưng Thủy không chỉ đáp ứng yêu cầu lưu thông trong mùa mưa lũ, xóa tan nỗi ám ảnh ách tắc kéo dài, mà còn giảm tải hiệu quả cho hệ thống Quốc lộ 1A. Đây cũng là một trong những cung đường rất đẹp xuyên qua những đồi cát trải dài mà nhiều du khách lựa chọn trải nghiệm khi đến Quảng Bình.  
 
Đó là cầu Nhật Lệ 2, công trình điểm nhấn cùng với việc mở rộng một số tuyến đường nội thị đã đưa TP. Đồng Hới phát triển ở một tầm cao mới cả về du lịch và đô thị, đặc biệt là du lịch biển, để Đồng Hới trở thành một dấu son trong bản đồ du lịch. Đó là các tỉnh lộ 10, 16, 11 được nâng cấp thành quốc lộ 9B, 9C và 9E. Những cung đường này đã kết nối, đưa những bản làng biên giới xa xôi của các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy gần hơn với miền xuôi, tự tin bước vào một chu kỳ phát triển mới.
 
Bằng những chính sách hiệu quả trong thu hút đầu tư, việc những dự án trọng điểm được triển khai cũng góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh. Dự án Cụm trang trại điện gió B&T sau khi hoàn thành đã cải thiện giao thông các xã thuộc hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy nhờ hệ thống đường dài 60km kết nối các tuốc bin. Không chỉ hữu ích về giao thông, tuyến đường còn mang vẻ đẹp lãng mạn của 60 “cối xay gió” trên đồi cát trắng còn hứa hẹn những tiềm năng về du lịch trong tương lai!
 
"Hạ tầng giao thông tuy là một trong những điểm nhấn trong thu hút đầu tư của Quảng Bình nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương cũng như của vùng và cả nước trong giai đoạn tới. Do đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ tiếp tục là khâu đột phá trong phát triển trong giai đoạn tới và được cụ thể hoá thành CTHĐ số 2, là 1 trong 4 CTHĐ cụ thể hoá mục tiêu Đại hội là đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ!", đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cho biết.
 
Ngọc Mai