Cho sản phẩm làng biển vươn xa

  • 08:31 | Thứ Ba, 25/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với khát vọng đưa sản phẩm của làng biển quê nhà vươn xa, chị Nguyễn Thị Duế, thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh (Quảng Ninh) đã cùng các chị em làm nghề chế biến thủy sản thủ công trong thôn góp vốn, mua sắm máy móc thành lập Hợp tác xã mua bán và chế biến thủy sản Xuân Hồng (gọi tắt là HTX Xuân Hồng).
 
Chị Nguyễn Thị Duế sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề chế biển thủy sản. Chị Duế cho hay: "Vùng biển xã Hải Ninh có rất nhiều tôm, cá, ruốc. Trước đây, đàn ông đi biển còn phụ nữ ở nhà làm hậu phương. Những sản phẩm khai thác từ biển đem về ăn không hết nên đem phơi khô, làm ruốc, nước mắm để ăn dần và bán ra thị trường. 
HTX Xuân Hồng tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
HTX Xuân Hồng tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Những sản phẩm từ làng nghề chế biến thủy sản Hải Ninh ngày đó được làm bằng thủ công, mẫu mã chưa đa dạng nhưng lại rất cần thiết cho cuộc sống gia đình, sản xuất, chiến đấu".
 
Khi Nhà nước có chủ trương tập trung khôi phục và phát triển lại các làng nghề truyền thống, năm 2010, chị Duế đã vận động chị em trong thôn chuyên làm nghề chế biến thủy sản cùng góp vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị để phục vụ cho sản xuất kinh doanh và thành lập HTX Xuân Hồng với số vốn điều lệ 640 triệu đồng.
 
Là người "đứng mũi chịu sào" của HTX, chị Duế luôn giữ vững “tay chèo” để từng bước phát triển nghề chế biến thủy sản, đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn. Chị Duế tâm sự: “Lúc mới thành lập, công việc sản xuất, kinh doanh cũng rất khó khăn. HTX được sự quan tâm của Liên minh HTX tỉnh, các cấp chính quyền, ban, ngành liên quan hỗ trợ về vốn, kiến thức quản lý, bao bì nhãn mác, quảng bá sản phẩm nên HTX từng bước đi vào sản xuất ổn định”.
 
Hiện HTX Xuân Hồng đã đầu tư mua máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất, như: máy cấp đông cá khô, cấp đông cá tươi, mấy sấy cá khô, tủ đông bán hàng, máy xay ruốc…với số tiền trên 1 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ cho khoảng 50% giá trị các loại máy móc. Từ khi có máy móc hiện đại, HTX đã giảm được sức lao động cho thành viên, sản phẩm làm ra cũng nhiều hơn, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt hơn.
 
Chị Nguyễn Thị Duế cho biết: “Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 6.000 lít nước mắm, 24 tấn ruốc, 12 tấn cá khô các loại. Nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng nên doanh thu và lãi ròng của HTX tăng lên hàng năm”…
 
Trung bình mỗi năm, HTX Xuân Hồng thu mua khoảng 90 tấn nguyên liệu cho ngư dân địa phương, chiếm khoảng 70% sản lượng thủy sản của toàn xã. Anh Nguyễn Xuân Thỏa, thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh chia sẻ: “Trước đây, hải sản chúng tôi đánh về phải tự đem ra chợ bán hoặc chế biến thủ công tại nhà. Nhưng từ khi thành lập, HTX Xuân Hồng đã thu mua nguyên liệu của bà con, giá cao hơn nên người dân trong xã Hải Ninh rất phấn khởi”.
 
Hiện HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động và 20 lao động thời vụ. Trung bình mỗi năm, doanh thu của HTX đạt trên 5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp gần 1,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt trên 6 triệu đồng/tháng. Nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên các sản phẩm, như: nước mắm cá, nước mắm ruốc, mắm ruốc, cá khô, mắm nêm của HTX đang được bán chạy trên thị trường. Sản phẩm nước mắm cá và mắm ruốc của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. 
Sản phẩm của HTX Xuân Hồng có cơ hội tham gia các hội chợ, triển lãm.
Sản phẩm của HTX Xuân Hồng có cơ hội tham gia các hội chợ, triển lãm.
Các sản phẩm này cũng vừa được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2020 và chuẩn bị dự thi toàn quốc trong thời gian tới.
 
Chị Duế cho hay: “Từ khi có 2 sản phẩm được công nhận 3 sao OCOP, chúng tôi tham gia hội chợ hay chào hàng tại các đại lý dễ dàng, thuận lợi hơn. Bởi đối tác chỉ cần nhìn thương hiệu và các loại giấy chứng nhận là quyết định nhập hàng luôn chứ không phải đắn đo, kiểm tra hàng hóa nhiều như trước. Hiện nước mắm cá, nước mắm ruốc, mắm ruốc của HTX không chỉ có chỗ đứng tại nhiều đại lý, cửa hàng, siêu thị trong nước mà còn vươn ra nước ngoài. Để phát triển sản xuất, HTX rất mong các cấp chính quyền, cơ quan, ban, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ HTX trong việc thuê đất để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thành viên, thu mua thêm nhiều nguyên liệu cho bà con ngư dân”.
 
Theo ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều HTX làng nghề truyền thống được khôi phục, thành lập mới đang hoạt động hiệu quả, trong đó có HTX Xuân Hồng. Các sản phẩm của HTX có mẫu mã đẹp, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. HTX Xuân Hồng còn thể hiện vai trò quan trọng trong tạo việc làm cho lao động, tiêu thụ sản phẩm thô cho bà con ngư dân, phát huy được thế mạnh của địa phương vào phát triển sản xuất và tạo ra sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa, xuất khẩu. Để HTX Xuân Hồng phát triển mạnh hơn nữa, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ HTX mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm trang thiết bị máy móc, đào tạo nhân lực, liên kết nhằm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
 
Xuân Vương