Sáng 26-4, giá vàng châu Á đi lên

  • 16:34 | Thứ Hai, 26/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trong phiên giao dịch sáng 26-4, giá vàng châu Á đi lên nhờ sự suy yếu của đồng USD trước thềm cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến diễn ra trong tuần này.
Vàng được bày bán tại một tiệm kim hoàn ở Meyrin, gần Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN
Vàng được bày bán tại một tiệm kim hoàn ở Meyrin, gần Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN
Vào lúc 8 giờ 27 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.779,36 USD/ounce. Cùng đà đi lên, giá palladium tăng 0,1% lên 2.857,01 USD/ounce.
 
Các chuyên gia nhận định đà giảm của đồng bạc xanh khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
 
Theo số liệu của Refinitiv Lipper, các nhà đầu tư đã rót 16,4 tỷ USD vào các quỹ trái phiếu toàn cầu và 14,9 tỷ USD vào các quỹ thị trường tiền tệ trong tuần kết thúc vào ngày 21/4, giữa bối cảnh mối lo ngại về sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu thúc đẩy nhà đầu tư hướng tới các tài sản an toàn hơn.
 
Một thống kê khác cho thấy nhu cầu mua vàng tại Ấn Độ đã giảm trong tuần trước do chính sách hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Trong khi đó, sản lượng vàng của Zimbabwe đã giảm 30% xuống 3,98 tấn trong quý I-2021.
 
Mở cửa giao dịch sáng 26/4, giá vàng trong nước được các doanh nghiệp niêm yết quanh mốc 56 triệu đồng/lượng. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC được điều chỉnh giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều bán và  200.000 đồng/lượng ở chiều mua so với cuối tuần qua, niêm yết ở mức 55,15 - 55,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
 
Giá dầu châu Á giảm nhẹ
 
Giá dầu châu Á giảm nhẹ vào sáng 26-4, do lo ngại rằng sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ở Ấn Độ và Nhật Bản, các nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba và thứ tư trên thế giới, sẽ tác động mạnh tới nhu cầu nhiên liệu ở châu Á.
 
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 8 xu Mỹ (0,1%) xuống 66,03 USD/thùng vào lúc 8 giờ 58 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cùng hạ 4 xu Mỹ (0,1%) xuống 62,10 USD/thùng.
 
Hai loại dầu trên lần lượt tăng 1,1% và 1,2% vào thứ Sáu tuần trước (23-4), nhưng vẫn giảm khoảng 1% tính chung cả tuần vừa qua.
 
Ông Kazuhiko Saito, nhà phân tích trưởng tại nhà môi giới hàng hóa Fujitomi Co, cho hay tâm lý thị trường đang bị đè nặng bởi lo ngại rằng số ca nhiễm COVID-19 mới tăng vọt, đặc biệt tại Ấn Độ, cùng lệnh phong tỏa lần thứ ba của Nhật Bản đối với Thủ đô Tokyo, Osaka và hai tỉnh khác sẽ khiến nhu cầu năng lượng tại châu Á sụt giảm mạnh.
 
Chuyên gia này cũng cho hay giới đầu tư, bao gồm cả các nhà đầu cơ, đã chuyển dòng tiền từ thị trường dầu mỏ sang thị trường ngũ cốc trong thời gian gần đây, khi giá ngô và các loại ngũ cốc khác biến động mạnh hơn nhiều.
 
Giá ngô, lúa mì và đậu tương trên Sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm vào tuần trước do lo ngại về thời tiết lạnh giá gây hại cho cây trồng trên khắp “vành đai ngũ cốc” của Mỹ. Cùng với đó, kỳ vọng về xu hướng tăng sử dụng  các sản phẩm nông nghiệp làm nhiên liệu sinh học cũng đang đẩy giá các loại hàng hóa này đi lên.
 
Giới quan sát cũng chú ý tới cuộc họp kỹ thuật trong tuần này giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác do Nga dẫn đầu (được gọi là nhóm OPEC+). Dù vậy, các nguồn thạo tin cho hay khó xảy ra những thay đổi lớn về chính sách của OPEC+ tại cuộc họp lần này.
 
Theo Trà My - H.Thủy/TTXVN (Theo Reuters)