Quảng Trạch: Cần duy trì lực lượng thú y cấp xã (?!)

  • 13:59 | Thứ Hai, 26/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT - Hiện nay, dịch bệnh tả lợn châu Phi (TLCP) và viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đang bùng phát mạnh ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Quảng Trạch. Tuy nhiên, ở các xã, lực lượng cán bộ thú y không còn hoạt động khiến công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
 
Nhiều dịch bệnh xuất hiện và lây lan trên đàn vật nuôi
 
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Quảng Trạch đã ghi nhận nhiều dịch bệnh xuất hiện cùng lúc trên đàn vật nuôi. Dịch TLCP xuất hiện đầu tiên tại xã Quảng Thanh vào đầu năm 2020. Đến giữa năm 2020, với sự nỗ lực của người dân và chính quyền, dịch TLCP được khống chế.
 
Tuy nhiên, đến tháng 12-2020, dịch TLCP sau một thời gian dài khống chế đã bùng phát trở lại tại xã Phù Hóa và lây lan ra nhiều xã trên địa bàn huyện. Đến nay, dịch TLCP vẫn đang bùng phát tại 5 xã: Phù Hóa, Quảng Châu, Quảng Xuân, Quảng Tùng, Quảng Phương. 
Dịch viêm da nổi cục trên trâu bò đã xuất hiện ở 16/17 xã ở huyện Quảng Trạch.
Dịch viêm da nổi cục trên trâu bò đã xuất hiện ở 16/17 xã ở huyện Quảng Trạch.

Trong khi dịch bệnh TLCP vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa được khống chế, nguy cơ tái dịch ở nhiều địa phương cao, gây khó khăn và thiệt hại lớn cho người chăn nuôi thì trong tháng 2-2021, Quảng Trạch lại xuất hiện thêm một dịch bệnh mới khiến người chăn nuôi một lần nữa lâm vào cảnh lao đao.

Bà Trần Thị Hòa, xã Quảng Xuân cho biết, nhà bà có nuôi 5 con lợn. Dịch TLCP hiện đã xuất hiện ở nhiều hộ gia đình trong xã. Đang lo dịch TLCP lây lan, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi thì vừa rồi, 2/4 con bò của gia đình bà bị dịch VDNC. Kinh tế gia đình dựa vào chăn nuôi, dịch bệnh liên tiếp xảy ra khiến gia đình bà rất băn khoăn trong phát triển kinh tế thời gian tới.
 
Theo ghi nhận của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Trạch, dịch VDNC trên trâu, bò sau khi xuất hiện đầu tiên ở xã Quảng Hợp đã lây lan ra 16/17 xã còn lại trên địa bàn huyện. Hiện nay, chỉ có riêng xã Cảnh Dương là địa phương duy nhất của huyện chưa công bố dịch VDNC trên trâu, bò do đa số người dân theo nghề ngư nghiệp nên trên địa bàn chỉ có 2 con bò.
 
Như vậy, không tính xã Cảnh Dương, đến thời điểm hiện tại, bệnh VDNC trên trâu, bò đã bùng phát ở hầu hết các địa phương của huyện.
 
Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch cho biết, vừa qua, dịch bệnh ở đàn vật nuôi có diễn biến rất phức tạp trên địa bàn huyện. Từ tháng 1 đến nay, dịch TLCP đã bùng phát tại 5 xã, làm chết 194 con lợn, với trọng lượng là 6.845kg. Đáng nói, bệnh VDNC trên trâu, bò cũng xuất hiện và lây lan ra 16 xã.
 
Tính đến ngày 17-4-2021, bệnh VDNC đã làm 1.716 con trâu, bò mắc bệnh, 127 con bị chết, tập trung nhiều nhất ở 3 xã là Quảng Kim, Quảng Hợp, Quảng Châu. Dịch VDNC trên trâu, bò được đánh giá là bệnh nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là ruồi, muỗi, ve bọ.
 
Mặc dù cả dịch VDNC trên trâu, bò và dịch TLCP diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn huyện, tuy nhiên, hiện nay, lực lượng cán bộ thú y cấp xã đã không còn. Theo ý kiến của các địa phương, việc thiếu cán bộ thú y cấp xã đã gây ra không ít hạn chế cho công tác phòng ngừa dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
 
Không có cán bộ thú y cấp xã
 
Quảng Tùng là 1 trong 5 xã hiện đang có dịch VDNC trên trâu, bò và TLCP bùng phát cùng lúc, nên công tác dập dịch và phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, dịch TLCP đã tái bùng phát 2 lần trên địa bàn xã. Đặc biệt, dịch VDNC trên trâu, bò lần đầu xuất hiện nhưng đã gây hậu quả nặng nề cho đàn trâu, bò của người chăn nuôi; sau hơn một tháng xuất hiện, dịch đã lây lan ra 3 thôn với 35 con mắc, 2 con bị chết.
 
Bà Lê Thị Thu Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tùng cho biết: “Từ năm 2019, Quảng Tùng không còn cán bộ thú y cấp xã. Chính vì vậy, những công việc liên quan đến công tác dập dịch và phòng chống dịch của xã, như: phun tiêu độc khử trùng, rải vôi bột, tiêm phòng cho đàn vật nuôi xã đều phải thuê người để làm”. Do không có cán bộ thú y cấp xã nên việc phòng, chống dịch bệnh ở nhiều địa phương, ngoài sự hỗ trợ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện thì người dân đều phải chủ động thực hiện.
 
Theo ông Trần Vũ Phong, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Châu, hiện nay, những thông tin liên quan đến dịch VDNC trên trâu, bò, đa số người dân vẫn chưa được nắm rõ, do đó, rất cần lực lượng chức năng và người có chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn. 
 Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện là lực lượng chính, chủ yếu trong công tác triển khai các biện pháp dập dịch ở các địa phương.
Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện là lực lượng chính, chủ yếu trong công tác triển khai các biện pháp dập dịch ở các địa phương.
Có thể nói, không còn lực lượng thú y xã, công tác tuyên truyền, phát hiện dịch bệnh và hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở đã bị hạn chế, chưa kể việc các xã phải tự thuê người, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tiêm phòng và công tác thú y ở một số địa phương.
 
Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Trạch cho hay, thực hiện theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24-4-2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Nghị định 34), huyện đã tiến hành tinh giản biên chế đối với cán bộ thú y cấp xã. Sau khi cắt giảm, các xã phải tự thuê người để thực hiện các hoạt động phòng dịch trên đàn vật nuôi.
 
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, việc không có cán bộ thú y cấp xã đã tác động không nhỏ đến công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là khi dịch TLCP và VDNC trên trâu, bò đang bùng phát ở các địa phương. Ông Định cũng khẳng định, việc duy trì cán bộ thú y trong điều kiện dịch bệnh hiện nay là rất cần thiết.  
 
Hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm hộ gia đình đang phát triển mạnh ở các địa phương. Không ít người dân đã đầu tư nguồn vốn lớn vào phát triển thành các trang trại, gia trại chăn nuôi. Việc nhiều dịch bệnh xảy ra cùng lúc thời gian qua đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh được xem là yếu tố then chốt, quan trọng. Duy trì hoặc bố trí lực lượng thú y cơ sở hợp lý cũng là một trong những yếu tố quan trọng không kém để quyết định hiệu quả chăn nuôi.
 
Đoàn Nguyệt
 
Box:
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, thực hiện Nghị định 34 nên một số địa phương trên địa bàn Quảng Trạch đã cắt giảm cán bộ thú y cấp xã. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, thiếu hệ thống thú y cấp xã đang gây khó khăn rất lớn cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vì vậy, việc cắt giảm này cần phải xem xét sao cho phù hợp, bởi Quảng Trạch là địa phương nông nghiệp. Vừa qua, UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo các địa phương cần củng cố, kiện toàn lại hệ thống thú y cấp xã.