Nâng cao giá trị đặc sản miền biển

  • 10:49 | Thứ Ba, 27/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước nhu cầu cập cảng của tàu cá để giải quyết đầu ra cho các loại hải sản, những mô hình dịch vụ nghề cá tại các xã biển (huyện Bố Trạch) kịp thời ra đời. Mô hình không chỉ đạt được hiệu quả trực tiếp đối với ngư dân, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân các địa phương ven biển mà còn tạo động lực để nhiều chủ thể xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hải sản, nâng cao giá trị đặc sản miền biển.
 
*Hiệu quả từ mô hình dịch vụ nghề cá
 
Huyện Bố Trạch có 6 xã biển, trong đó 4 xã có phần lớn người dân sống phụ thuộc vào biển, là Đức Trạch, Nhân Trạch, Thanh Trạch và Hải Trạch. Toàn huyện cũng có trên 1.000 tàu đánh cá, trong đó 309 chiếc có công suất trên 500CV. 
Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Việt Trung (thôn Thanh Gianh, xã Thanh Trạch) hoạt động hiệu quả.
Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Việt Trung (thôn Thanh Gianh, xã Thanh Trạch) hoạt động hiệu quả.
Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Bố Trạch cho biết: “Trên địa bàn huyện có 40 cơ sở thu mua, chế biến thủy sản, trong đó có 11 công ty xuất khẩu. Trong khi đó, nhu cầu về giải quyết đầu ra cho các loại thủy sản còn nhiều bức thiết hơn do sản lượng thủy sản đánh bắt ngày càng tăng. Vì vậy, thời gian qua, cùng với việc khuyến khích, vận động ngư dân tích cực ra khơi bám biển sản xuất, huyện đã hỗ trợ người dân các xã biển xây dựng mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần giải quyết đầu ra ổn định để ngư dân yên tâm khai thác hải sản trên biển; đồng thời, mở rộng sản xuất các loại hải sản theo chuỗi liên kết. Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Việt Trung (ở thôn Thanh Gianh, xã Thanh Trạch) do một số cá nhân trên địa bàn phối hợp đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng phù hợp với thực tế và đang phát huy tốt hiệu quả”. 
 
Ông Nguyễn Viết Trung, Chủ đầu tư Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Việt Trung cho hay, công trình đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ cuối năm 2019, với kinh phí ban đầu trên 15 tỷ đồng. Các hạng mục của công trình đã hoàn tất đưa vào sử dụng, gồm: kè, cầu cảng cập tàu, ki ốt thu mua hải sản, nhà điều hành, cửa hàng dầu nhiên liệu, giao thông nội bộ và đường bê tông nối cầu cảng... nhằm cung cấp đầy đủ các dịch vụ “đi biển” của các tàu cá.
 
Công trình có công suất 10-15 tàu thuyền cập cảng/ngày; tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động trong thôn, xã và một số xã lân cận.
 
Ông Mai Văn Tuấn, chủ tàu cá QB 94999TS có công suất trên 800CV chia sẻ: “Từ khi có khu dịch vụ hậu cần nghề cá này, tàu cá của tôi thường xuyên cập cảng, sử dụng các dịch vụ tại đây, bảo đảm chất lượng và thuận tiện. Tùy vào mùa vụ mà mỗi tháng tàu tôi cập cảng 1-2 lần, sản lượng trung bình mỗi tháng đạt khoảng 20 tấn hải sản, gồm: mực, cá các loại... Các chủ tàu đều có cảm giác giống tôi, yên tâm khi mỗi lần cập cảng để chuẩn bị cho chuyến mới ra khơi”.
 
Ngoài đáp ứng cơ sở vật chất và nhiên liệu cho các chủ tàu cập cảng, khu dịch vụ hậu cần nghề cá còn là địa điểm giao thương, buôn bán giúp cho hàng trăm lao động sống phụ thuộc vào các dịch vụ nghề cá có việc làm, nâng cao thu nhập.
 
Ông Lưu Đức Huấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch cho biết thêm, toàn xã Thanh Trạch hiện có trên 100 tàu cá từ 6m trở lên, trong đó có 35 tàu có công suất từ 90CV trở lên (chia thành 4 THT sản xuất trên biển) tích cực ra khơi đánh bắt hải sản. Xã cũng động viên, theo dõi và tạo điều kiện cho các cá nhân xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá. 
Hệ thống chế biến nước mắm vừa được đầu tư bằng công nghệ mới (với nắp kính) hấp thụ năng lượng mặt trời bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hệ thống chế biến nước mắm vừa được đầu tư bằng công nghệ mới (với nắp kính) hấp thụ năng lượng mặt trời bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhờ công trình đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nên các dịch vụ cũng diễn ra an toàn, tiện lợi. Từ khi khu dịch vụ hậu cần nghề cá đưa vào hoạt động đến nay luôn phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết nhiều vấn đề, từ việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân đến hình thành chuỗi liên kết có giá trị trong chế biến hải sản.
 
Xây dựng sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị đặc sản miền biển
 
 
Theo ông Nguyễn Viết Trung, hiện nay, sản lượng đánh bắt ngày càng tăng nên nhu cầu trữ đông và chế biến các thành phẩm từ hải sản là rất lớn, vì vậy, ông và các cá nhân góp vốn đầu tư thêm trên 12 tỷ đồng để mở rộng khu dịch vụ với các hạng mục, như: nhà xưởng chế biến hải sản, nhà máy cấp đông hải sản và khu chế biến nước mắm, máy lọc cặn, tạp chất. Trước mắt, đơn vị sẽ sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết sản phẩm nước mắm cốt cá cơm; sau đó là nâng cao chất lượng các sản phẩm mực, cá... Từ đó, giải quyết cơ bản đầu ra sản phẩm và tạo thêm việc làm cho bà con trong thôn, trong xã. Ngư dân trên địa bàn sẽ yên tâm đánh bắt dài ngày trên biển mà không phải lo hải sản mất giá hay đầu ra không ổn định.
 
“Việc chế biến nước mắm trên địa bàn phần lớn theo phương pháp thủ công, khó giữ hương vị và chỉ được bảo quản trong thời gian ngắn. Vì vậy, vấn đề đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để sản xuất nước mắm quy mô lớn, bảo đảm các yếu tố về chất lượng và vệ sinh thực phẩm là điều cần thiết. Hiện nay, chúng tôi xây dựng hệ thống sản xuất nước mắm bằng công nghệ mới hấp thụ năng lượng mặt trời và đã ướp được gần 40 tấn cá cơm tươi, dự kiến đến cuối năm sẽ cung cấp ra thị trường 10.000 lít nước mắm cốt loại đặc biệt, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP lấy thương hiệu “Nước mắm truyền thống Sông Gianh”, ông Trung chia sẻ.
 
Với sự đầu tư lớn, hoạt động hiệu quả, nhưng hiện tại Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Việt Trung đang gặp không ít những khó khăn, trở ngại. Đó là từ sau đợt bão lũ tháng 10-2020 đến nay, một khối lượng lớn đất bồi lắng đã khiến cho tàu thuyền bị cản trở không thể cập cảng.
 
“Đơn vị cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Bình và các sở, ngành liên quan xin được nạo vét ở khu vực này để tàu thuyền ra vào cập bến thuận lợi, an toàn. Nhưng do nôn nóng mong muốn cho tàu thuyền ra vào cập bến thuận lợi, đơn vị đã thuê máy hút cát lên tập kết trên bờ khi chưa được UBND tỉnh cấp giấy phép, nên bị các cơ quan chức năng của huyện lập biên bản sự việc, có yêu cầu và đơn vị đã chấp hành dừng hẳn việc nạo vét cát tại cửa sông Gianh”-ông Nguyễn Viết Trung trao đổi thêm. 
Khu dịch vụ hậu cần nghề cá bị đất bồi lắng, gây cản trở các tàu thuyền cập cảng.
Khu dịch vụ hậu cần nghề cá bị đất bồi lắng, gây cản trở các tàu thuyền cập cảng.
“Mùa nắng nóng đang đến, khu vực cập cảng tại Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Việt Trung ngày càng khô cạn, khiến các loại tàu, thuyền đều không thể ra vào, gây đình trệ sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều bà con trên địa bàn. Không chỉ những cá nhân làm dịch vụ tại Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Việt Trung mà chính quyền xã Thanh Trạch cũng mong muốn các cấp ngành có biện pháp tháo gỡ để người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương”, Chủ tịch UND xã Thanh Trạch Lưu Đức Huấn đề cập.
 
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Nguyễn Cẩm Long cho biết thêm: “Công trình khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở xã Thanh Trạch đưa vào sử dụng góp phần giảm tải cho Cảng cá sông Gianh và Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tàu cá cửa Gianh. Thời gian tới, huyện mong muốn nhận được sự quan tâm từ các cấp, ngành liên quan tạo điều kiện, cơ chế để Khu dịch vụ hậu cần nghề cá giải quyết các vấn đề còn khó khăn do thiên tai, bão lụt gây ra, sớm ổn định sản xuất. Huyện cũng sẽ hỗ trợ về công tác tuyên truyền, chuyển giao công nghệ và hoàn thiện các thủ tục để đơn vị có thể sớm xây dựng thành công sản phẩm OCOP trên địa bàn xã Thanh Trạch, góp phần nâng cao giá trị đặc sản miền biển”.
 
                                                                                             Hương Trà