Mặn mòi vị biển

  • 08:39 | Chủ Nhật, 04/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Đi biển bây giờ khó khăn, vất vả lắm! Hải sản không dồi dào như trước, bạn tàu thì tìm không có nên nhiều tàu buộc phải nằm bờ. Không ít chủ tàu lâm vào cảnh nợ nần phải “gá” cả tàu-công cụ kiếm sống của họ và vào Nam tìm việc làm”, đó là lời chia sẻ của ngư dân Nguyễn Văn Hùng, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) khi nói về khó khăn mà ngư dân đang gặp phải trong những năm gần đây.
 
Thiếu bạn tàu vươn khơi
 
Với những ngư dân đi biển, mỗi chuyến ra khơi không thể không có bạn tàu. Trung bình mỗi chuyến đánh bắt, mỗi tàu có từ 7-9 bạn tàu. Thế nhưng những năm gần đây, tình trạng các tàu cá chỉ có 4-5 bạn tàu vẫn chấp nhận vươn khơi đánh bắt không còn là chuyện hiếm. Phải đi với số lượng ít bạn tàu đã khiến cho mỗi chuyến ra khơi của ngư dân trở nên bấp bênh. 
Không ít tàu phơi nắng, phơi sương và hư hỏng do không thể vươn khơi.
Không ít tàu phơi nắng, phơi sương và hư hỏng do không thể vươn khơi.
Sau hơn 6 tháng nằm bờ do nguồn hải sản khan hiếm, giữa tháng 1 âm lịch vừa rồi, tàu cá của ông Nguyễn Văn Hùng, xã Quảng Phú lại vươn khơi đánh bắt trở lại. Trở về sau chuyến đi biển dài gần 20 ngày, ông Hùng cho hay: “Bình thường mỗi chuyến ra khơi, tàu tôi thường có 7 bạn tàu đi cùng, nhưng chuyến đi này, tàu chỉ có 5 bạn tàu.
 
Trước đây, bạn tàu đi cùng là người bà con, họ hàng hoặc người trong làng, trong xã. Nhưng những năm gần đây, do khai thác gặp khó khăn nên nhiều người bỏ đi làm ăn xa, buộc chúng tôi phải đi tìm bạn tàu ở các xã khác. Đa số là người ở xã Quảng Hưng. Nhưng việc tìm bạn tàu ở các xã này cũng rất khó khăn. Không ít người, do không quen đi biển nên bị say sóng, ảnh hưởng đến chất lượng khai thác của chuyến đi”.
 
“Chi phí cho mỗi chuyến tàu ra khơi 15 ngày trên biển cũng gần 80 triệu. Nếu đi 7-8 người thì tiền dầu, tiền đá, rồi gạo cơm góp chung sẽ đỡ hơn. Nhưng đi ít hơn khoảng 4-5 người thì chi phí mỗi bạn tàu và chủ tàu bỏ ra phải cao hơn. Nếu đánh bắt trúng thì đỡ, chứ khai thác không có gì thì chuyến đi đó xem như lỗ to. Chưa kể mỗi chuyến trở về tàu có phát sinh hư hỏng gì thêm. Sau chuyến biển, có người thu về vừa đủ số tiền góp vào, có người còn bị lỗ. Mấy năm trước biển còn nhiều tôm, cá thì dễ làm. Còn 3 năm trở lại đây, cá, tôm ngày càng vơi dần. Nghề đi biển trở nên bấp bênh. Bởi vậy mà anh em các thôn trong xã giờ bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động hoặc vào Nam kiếm sống”, ông Phạm Văn Lương, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) chia sẻ.
 
Những con tàu nằm bờ
 
Mặc dù từ tháng 1 đến tháng 6 âm lịch là thời điểm bước vào mùa đánh bắt của ngư dân, tuy nhiên, tại âu thuyền Quảng Phú và cửa lạch Cảnh Dương, một số tàu vẫn trong tình trạng nằm bờ. Trong lúc khan hiếm bạn tàu thì việc các chủ tàu tìm được từ 4-5 bạn tàu để vươn khơi vẫn là điều may mắn. Không ít chủ tàu không thể tìm bạn tàu với số lượng tối thiểu để vươn khơi.
 
Ông Phạm Ngọc Minh, xã Cảnh Dương cho biết, từ tháng 6 âm lịch năm ngoái, tàu cá của ông đã phải nằm bờ dài ngày đến tháng 12 âm lịch. Ra Tết, tàu của ông không tìm đủ bạn tàu để ra khơi đành tiếp tục nằm bờ.
 
Để có 1 chiếc tàu vươn khơi, ngư dân phải vay nợ để đầu tư số tiền từ vài trăm triệu đồng, đến vài tỷ đồng. Vì vậy, việc tài sản lớn nằm bờ nhiều tháng liền khiến các chủ tàu lâm vào cảnh lao đao. Không ít chủ tàu đã buộc phải bán những con tàu, công cụ kiếm sống của họ để trả nợ và tìm kiếm công việc khác.
 
Vốn là người đã từng nhiều năm đi biển, ông Trần Đình Bình, chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu ở xã Cảnh Dương chia sẻ, trước đây, ông theo các chủ tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. 10 năm trở lại đây, ông không còn đi biển nữa mà chuyển qua kinh doanh xăng dầu và thu mua hải sản cho bà con ngư dân nên cũng nắm được tình hình các tàu cá hiện nay trong xã.
 
Chỉ tay về chiếc tàu cũ nằm chỏng chơ trên cửa lạch sông Roòn, ông Bình nói: “Tàu này là của một người dân trong làng. Trước đây, họ cũng ra khơi đánh bắt nhưng dần không có bạn tàu đi cùng và khai thác không hiệu quả nên chủ tàu đã bỏ tàu cách đây 2 năm. Tàu này trước đây họ mua tầm 300 triệu, giờ ai mua phế liệu thì họ bán, còn không thì cứ để phơi nắng phơi sương cho đến lúc mục dần. Ở xã Cảnh Dương, không ít con tàu cũng chung tình trạng này. Do thiếu bạn tàu, đánh bắt không hiệu quả nên chủ tàu lâm vào cảnh nợ nần và buộc họ phải “gá” (bán-PV) tàu để rời quê đi làm nghề khác. Năm 2020, trong xã có 5 ngư dân “gá” lại tàu cho gia đình tôi. 4 chiếc đã bán, nay còn 1 tàu đang chờ người đến mua lại”.   
 
Kiên trì bám biển
 
Dù một số ngư dân không đủ sức bám trụ với nghề biển và buộc phải bán tàu đi làm ăn xa, nhưng với nhiều ngư dân, biển là một phần cuộc sống của họ, chính vì vậy, dù khó khăn họ vẫn quyết bám trụ đến cùng.
 
“Tôi đi biển từ lúc còn là cậu thanh niên 19, 20 tuổi. Đến nay, đã gần 35 năm tôi gắn bó với biển. Bây giờ tôi đã quen với mùi sóng biển. Nếu một thời gian không đi thì tôi cũng nhớ nghề, nhớ biển. Đánh bắt có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn nên tôi vẫn không bỏ nghề mà tiếp tục làm đến lúc không còn đủ sức khỏe nữa thì thôi!”, ông Hoàng Quang Hòa, một ngư dân xã Quảng Phú tâm sự. 
Thiếu bạn tàu đi biển ở các địa phương đã ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt hải sản toàn huyện Quảng Trạch.
Thiếu bạn tàu đi biển ở các địa phương đã ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt hải sản toàn huyện Quảng Trạch.
Không tìm đủ bạn tàu đi biển và phải để tàu nằm bờ nhưng một số chủ tàu vẫn không từ bỏ công việc đi biển của mình. Ông Phạm Ngọc Minh, xã Cảnh Dương cho hay: “Giờ không tìm được bạn tàu là khó khăn chung của nhiều ngư dân. Hiện nay, một số tàu của anh em, người thân trong xã cũng không đủ bạn tàu nên chúng tôi tập hợp nhau lại để đi chung 1 tàu cùng ra khơi đánh bắt. Chờ lúc nào tìm đủ bạn tàu thì chúng tôi tiếp tục vươn khơi trên chính con tàu của mình”.
 
Bà Phan Thị Lệ Hằng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch cho biết: "Hiện nay, tình trạng các chủ tàu cá thiếu bạn tàu đi biển cũng đang phổ biến ở một số địa phương theo nghề biển. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng đánh bắt của địa phương. Trong 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng khai thác hải sản của huyện đạt 471,66 tấn, giảm 9,85% so với cùng kỳ. Để giúp ngư dân có thêm nguồn thu nhập, thời gian tới, phòng sẽ đề xuất lên các cấp, ngành liên quan hỗ trợ đào tạo nghề cho ngư dân để họ chuyển đổi nghề nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó, để khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển, Nhà nước cũng đã có các chính sách hỗ trợ đối với các tàu cá có công suất 90 CV trở lên, như: hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá đánh bắt xa bờ; hỗ trợ chi phí nhiên liệu, chi phí sửa chữa (nếu tàu bị hư hỏng)... Hy vọng đây là động lực để các tàu cá tiếp tục ra khơi vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc".
 
                                                                                                           Đoàn Nguyệt