Chào mừng Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa năm 2021:

Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển bền vững

  • 08:44 | Chủ Nhật, 25/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Minh Hóa được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh, cùng những giá trị văn hóa, lịch sử, con người đặc trưng, phong phú. Khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được xác định là 1 trong 3 chương trình hành động trọng tâm của Đảng bộ huyện Minh Hóa trong nhiệm kỳ 2020-2025 nhằm sớm đạt mục tiêu đưa Minh Hóa phát triển bền vững.
 
Mảnh đất giàu tiềm năng du lịch
 
Huyện Minh Hóa nằm về phía tây bắc của tỉnh Quảng Bình, có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, có tổng diện tích tự nhiên toàn huyện hơn 139.300ha. Với 3 trục quốc lộ đi qua, trong đó, quốc lộ 12A qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Minh Hóa sở hữu lợi thế về vận chuyển hàng hóa, giao thương các tỉnh Bắc-Nam cũng như các nước trong hành lang kinh tế Đông-Tây mà không phải địa phương nào cũng có được.
Thị trấn Quy Đạt, trung tâm của huyện Minh Hóa đang được quy hoạch, phát triển thành một đô thị du lịch ở miền sơn cước.
Thị trấn Quy Đạt, trung tâm của huyện Minh Hóa đang được quy hoạch, phát triển thành một đô thị du lịch ở miền sơn cước.
Là mảnh đất có chiều dài lịch sử, Minh Hóa là chiến khu cách mạng trong suốt các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Trong phong trào Cần Vương, Minh Hóa là một trong những căn cứ quan trọng, được xem là kinh đô kháng chiến của phong trào Cần Vương trong cả nước. Với những giá trị về văn hóa, lịch sử quan trọng, ngày 25-9-2020, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với căn cứ kháng chiến của vua Hàm Nghi ở Minh Hóa thuộc xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, Minh Hóa có 2 tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam đi qua là tuyến đường Hồ Chí Minh và đường 12A với hàng chục di tích lịch sử cấp quốc gia, như: đèo Đá Đẽo ở xã Thượng Hóa; ngầm Khe Rinh, hang Sân khấu ở xã Trung Hóa; cụm hang động, nơi đóng quân của Binh trạm 12 ở xã Hóa Tiến; ngã ba Khe Ve ở xã Hóa Thanh.
 
Đặc biệt, trên đường 12A qua xã Dân Hóa có 5 di tích lịch sử quốc gia gồm: Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại đồi Cha Quang, tượng đài chiến thắng Bãi Dinh, Cổng Trời, trận địa Nguyễn Viết Xuân và tượng đài chiến thắng Cha Lo… Đây không chỉ là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng mà còn là tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch lịch sử về nguồn.
 
Minh Hóa có hệ thống núi đá vôi đồ sộ bao quanh làng mạc, cánh đồng tạo thành những thung lũng đẹp tuyệt sắc, được ví như một vịnh Hạ Long trên cạn. Minh Hóa còn có những hang động rất đẹp với hệ thống thạch nhũ, dòng sông ngầm, như: hệ thống hang động Tú Làn ở xã Tân Hóa; hang Rục Mòn, xã Hóa Sơn và hồ Yên Phú ở xã Trung Hóa; nhiều hang động ở các xã Thượng Hóa, Hóa Phúc…
 
Hệ thống núi đá vôi cùng với địa hình rừng núi ở Minh Hóa còn tạo nên những khe suối có dòng chảy rất đẹp, nước trong và mát, như: thác Mơ ở xã Hóa Hợp; thác Bụt, suối nước Mộc ở xã Yên Hóa; thác Nước Rụng ở xã Dân Hóa… Những cảnh quan thiên nhiên này là tiềm năng to lớn để Minh Hóa kêu gọi đầu tư, phát triển các khu du lịch sinh thái.
 
Ngoài ra, Minh Hóa còn có Hội rằm tháng ba truyền thống, là một trong hai lễ hội lớn cấp tỉnh được tổ chức hàng năm. Hiện nay, lễ hội được huyện Minh Hóa tổ chức thành Tuần lễ Văn hóa-Thể thao và Du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời kích cầu phát triển du lịch. Trong thời gian diễn ra Hội rằm tháng ba, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, như: đánh đu, bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo, cờ người, bóng chuyền, ẩm thực..., được tổ chức quy mô, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đặc biệt, lễ cúng Bụt ở thác Bụt để cầu an, cầu cho mùa màng bội thu, cầu dân làng sức khỏe... mang lại nhiều dấu ấn về văn hóa tâm linh.
 
Minh Hóa còn là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như người Rục ở xã Thượng Hóa-một trong 10 tộc người bí ẩn nhất thế giới; người Mày, người Khùa ở xã Dân Hóa, Trọng Hóa với những đặc trưng văn hóa riêng có, đủ sức lôi cuốn du khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Ẩm thực ở Minh Hóa cũng đa dạng, với nhiều món ngon, đặc sản, như: bồi, ốc đực, cá mát, mật ong rừng, rượu đoác, rau tớn…
 
Các làn điệu dân ca, như: hát sắc bùa, đúm, ví, hò thuốc cá..., gắn bó với những sinh hoạt cộng đồng các dân tộc trên địa bàn từ bao đời, là kho tàng văn hóa đặc sắc, thể hiện lẽ sống, đạo đức, tình cảm trong sáng, thủy chung của con người nơi đây. Đặc biệt, mới đây, hò thuốc cá, một làn điệu dân ca riêng có của người Minh Hóa được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hang Rục Mòn (Hóa Sơn), một điểm đến hấp dẫn của du lịch Minh Hóa.
Hang Rục Mòn (Hóa Sơn), một điểm đến hấp dẫn của du lịch Minh Hóa.
Đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng
 
Trong những năm gầy đây, cùng với sự phát triển vượt bậc của du lịch Quảng Bình, du lịch Minh Hóa đã có những bước khởi sắc mới. Nếu như trước năm 2015, khi Công ty TNHH MTV Chua Me Đất bắt đầu khai thác thử nghiệm tuyến du lịch mạo hiểm khám phá hệ thống hang động Tú Làn, khách du lịch hầu như chưa biết nhiều đến huyện Minh Hóa. Vậy nhưng, đến năm 2019, số lượng khách du lịch đến Minh Hóa đã đạt trên 7.000 lượt người/năm, trong đó có nhiều khách nước ngoài.
 
Đặc biệt, sau sự kiện đoàn làm phim Legendary Pictures đến từ Hollywood chọn 2 địa điểm hồ nước Yên Phú (xã Trung Hóa) và khu vực sông suối, hang Chuột (xã Tân Hóa) của Minh Hóa để thực hiện một số cảnh quay quan trọng của bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island”, du khách đã biết và tìm đến ngày một nhiều hơn.
 
Đến nay, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 2 doanh nghiệp đang đầu tư khai thác du lịch gồm: Công ty TNHH MTV Chua Me Đất đầu tư khai thác tuyến du lịch mạo hiểm hang động Tú Làn, xã Tân Hóa; Công ty TNHH TMDV Đất Xanh khai thác tuyến du lịch điểm phim trường hồ Yên Phú-hang Rục Mòn thuộc địa phận 2 xã Trung Hóa, Hóa Sơn và khu du lịch sinh thái thác Mơ, xã Hóa Hợp… Hiện, trên địa bàn đã có trên 15 cơ sở lưu trú với hơn 250 phòng và nhiều nhà phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, ý thức làm du lịch của cộng đồng và người dân Minh Hóa từng bước được nâng lên.
 
Tuy nhiên, nhìn chung, sự phát triển của du lịch Minh Hóa vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đặc biệt, trong năm 2020, xảy ra dịch bệnh Covid-19, cùng với tình hình chung của cả nước, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện phải gián đoạn, ngưng trệ…
 
Khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được xác định là 1 trong 3 chương trình hành động trọng tâm của Đảng bộ huyện Minh Hóa trong nhiệm kỳ 2020-2025. Mục tiêu đến năm 2025, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của huyện; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
 
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch giai đoạn 2020-2025 đạt từ 20 đến 25%/năm; phấn đấu đến năm 2025, Minh Hóa đón 50 nghìn lượt khách, trong đó, có khoảng 20 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 300 tỷ đồng; toàn huyện có trên 30 cơ sở lưu trú với khoảng 750 phòng, trong đó có khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao trở lên và nhiều nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Minh Hóa đẩy mạnh xây dựng các mô hình trồng rừng bằng cây bản địa, các nông trại tổng hợp kết hợp với mô hình homestay, farmstay, dã ngoại, tham quan nghỉ dưỡng.
Minh Hóa đẩy mạnh xây dựng các mô hình trồng rừng bằng cây bản địa, các nông trại tổng hợp kết hợp với mô hình homestay, farmstay, dã ngoại, tham quan nghỉ dưỡng.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, huyện Minh Hóa đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư… để huy động và thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển du lịch bền vững. Trong đó, huyện tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, cùng với nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.
 
Huyện chú trọng nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về phát triển du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, như: du lịch khám phá các hệ thống hang động, danh thắng trên địa bàn, du lịch sinh thái gắn liền với bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, du lịch cộng đồng khám phá văn hóa các dân tộc, du lịch văn hóa tâm linh, tìm hiểu văn hóa, lịch sử cách mạng...
 
Đồng thời, Minh Hóa chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch; xây dựng môi trường kinh doanh du lịch văn minh, lành mạnh, là điểm đến an toàn, văn hóa, thân thiện cho du khách.
 
Hiện nay, huyện Minh Hóa đang tập trung triển khai quy hoạch tổng thể, đồng thời, tạo môi trường thông thoáng, cơ chế thuận lợi để kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Huyện đang kêu gọi và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm, tạo sự phát triển bứt phá, như: Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái Thác Bụt-Giếng Tiên ở xã Yên Hóa; khu du lịch Hung Ải-Eo Lập Cập-Đặng Hóa-Rục Mòn ở xã Hóa Sơn; khu du lịch cộng đồng Tà Vờng (xã Trọng Hóa); tuyến du lịch tâm linh, lịch sử Khe Thui, đồi Cha Quang, Cổng Trời (đường 12A và đường Hồ Chí Minh)…
 
Đồng thời, Minh Hóa đẩy mạnh xây dựng các mô hình trồng rừng bằng cây bản địa, các nông trại tổng hợp kết hợp với mô hình homestay, farmstay, dã ngoại, tham quan nghỉ dưỡng; hỗ trợ đầu tư vào các làng nghề, địa phương có tiềm năng; đặc biệt chú trọng vào các điểm, các làng bản nằm trên tour, tuyến du lịch chính của huyện để hình thành các khu, tuyến du lịch cộng đồng; hình thành các tour du lịch khám phá hang động gắn liền với việc tham quan, mua sắm tại các cơ sở nuôi ong, đan lát, mây tre đan; phát triển đặc sản của địa phương như: mật ong, ớt rừng, ngô, đậu xanh, lạc, các món ẩm thực nổi tiếng (bồi, ốc, canh ong, canh kiến…)
 
Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ chú trọng phục hồi và bảo tồn các làn điệu dân ca; phục hồi làng nghề truyền thống để tạo ra các sản phẩm, đồ lưu niệm phục vụ du khách thập phương. Mới đây, hò thuốc cá, một làn điệu dân ca riêng có của người Minh Hóa được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Căn cứ kháng chiến vua Hàm Nghi tại Minh Hóa được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, là cơ hội để huyện Minh Hóa kêu gọi đầu tư, phát huy giá trị của di sản văn hóa và di tích trong  phát triển du lịch…
 
Với tiềm năng dồi dào, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn huyện, hy vọng, trong thời gian không xa, du lịch Minh Hóa sẽ khởi sắc, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đưa Minh Hóa phát triển bền vững.
 
Bùi Anh Tuấn
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa