Quỹ hỗ trợ phát triển HTX: "Gỡ khó" vốn đầu tư cho các HTX

  • 21:55 | Thứ Năm, 25/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để giúp các hợp tác xã (HTX) vượt qua khó khăn và phát triển sản xuất, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, đặc biệt là vốn vay lãi suất thấp từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX.
 
Hiện Quảng Bình có 366 HTX đang hoạt động trên các lĩnh vực, như: chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ, dịch vụ nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy sản, tưới tiêu, thủy lợi, vận tải, tín dụng…
 
Nhìn chung, các HTX đã phát huy được vai trò sứ mệnh của mình trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh. Hàng năm, kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế HTX đã đóng góp khoảng 4% vào GDP của tỉnh. Ngoài ra, kinh tế HTX còn đóng góp rất lớn trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế-xã hội, củng cố an ninh-quốc phòng tại địa phương.
 
Để đạt được kết quả đó, Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các HTX, trong đó, phải kể đến vốn vay lãi suất thấp từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Đến nay, Liên minh HTX tỉnh có 29 dự án vay vốn cho các HTX với số tiền 1.550 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
 
Năm 2008, HTX sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương huyện Quảng Trạch được thành lập. Những năm đầu hoạt động, HTX gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn để đầu tư máy móc, mua nguyên liệu, phát triển thành viên, tìm đầu ra cho sản phẩm…Năm 2012, HTX được Liên minh HTX tỉnh tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng với lãi suất thấp nhằm phát triển sản xuất.
 
Chị Phan Thị Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương cho biết: “Thời điểm đó, nếu không vay được vốn thì HTX rất khó phát triển được thành viên, nhập nguyên liệu và có nguy cơ phải ngừng hoạt động. Và nguồn vốn vay ưu đãi từ Liên minh HTX tỉnh thực sự là "cứu cánh" cho HTX chúng tôi duy trì và phát triển sản xuất đến bây giờ”.
 
Năm 2017, HTX trả xong nợ và được vay tiếp 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn được vay, HTX đầu tư mua sắm thêm máy móc, trang thiết bị sản xuất, tìm được thị trường mua nguyên liệu và thị trường đầu ra ổn định. HTX cũng đã kết nối với các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề mây xiên cho người dân nông thôn. Từ những lớp đào tạo này, HTX đã thu nạp thêm các thành viên và số lượng sản phẩm làm ra hàng năm tăng lên.
 
Hiện HTX có 15 thành viên và 150 lao động vệ tinh, mức thu nhập bình quân đầu người đạt từ 3,5-4 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất trên 20.000 sản phẩm các loại từ mây xiên, đạt doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng. Riêng năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai và dịch bệnh nhưng HTX vẫn đạt doanh thu 2,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 300 triệu đồng. 
Nhờ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, HTX sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương đã mạnh dạn mở rộng quy mô, phát triển sản xuất.
Nhờ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, HTX sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương đã mạnh dạn mở rộng quy mô, phát triển sản xuất.
Để phát triển làng nghề truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm, năm 2010, HTX làng nghề bánh mè xát Tân An (thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch) được thành lập với 7 thành viên, vốn điều lệ chỉ có 70 triệu đồng. Từ khi đi vào hoạt động, HTX chuyên chế biến các loại bánh từ gạo, như: bánh mè xát, bánh mè đen, bánh đa nem, bánh cuốn ram; mua nguyên liệu và làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho thành viên… Tuy nhiên, các khâu sản xuất của HTX chủ yếu thủ công, máy móc hạn chế nên hiệu quả kinh tế thấp.
 
Liên minh HTX tỉnh đã tạo điều kiện cho 3 thành viên HTX làng nghề bánh mè xát Tân An vay vốn với tổng số tiền 150 triệu đồng (mỗi thành viên 50 triệu đồng) với lãi suất 0,5%/tháng. Chị Phan Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX làng nghề bánh mè xát Tân An chia sẻ: “Từ khi có vốn, các thành viên bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm máy móc, thiết bị, kết nạp thành viên, thu hút thêm lao động. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh và nhiều cơ quan liên quan hỗ trợ cho HTX tham gia hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu và phát triển thị trường để từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm bánh mè xát Tân An”.
 
Trước thời điểm vay vốn, HTX chỉ có 6 cơ sở sản xuất được đầu tư máy móc thì đến nay đã có 17 cơ sở sản xuất bánh tráng được đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất hiện đại. Trung bình mỗi ngày, HTX sản xuất 3.000 bánh mè xát và 20.000 bánh ram. Ngoài ra, HTX còn đứng ra bao tiêu sản phẩm cho hàng trăm hộ dân sản xuất bánh tráng trong thôn và nhiều mặt hàng nông sản nguyên liệu cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Từ khi đầu tư mua máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, mỗi năm, HTX đạt doanh thu khoảng 2,6 tỷ đồng, lãi gần 250 triệu đồng, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
 
Có thể nói, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đang trở thành một kênh vốn hiệu quả góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách hỗ trợ tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với HTX.
 
Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: "Những năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều việc làm hỗ trợ cho các HTX phát triển sản xuất, kinh doanh, như: hỗ trợ thành lập HTX mới, đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức quản lý cho thành viên HTX, máy móc, thiết bị sản xuất, xúc tiến thương mại và vốn vay... Sắp tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ kiểm tra, thu hồi nợ tại một số HTX đã đến kỳ hạn trả nợ để cho các HTX khó khăn khác vay; gia hạn thời gian trả nợ cho một số HTX đang vay vốn nhưng gặp khó khăn do thiên tai và dịch bệnh; đồng thời, đề xuất Liên minh HTX Việt Nam, UBND tỉnh cấp thêm nguồn vốn để để mở rộng đối tượng vay…".
 
                                                                                                      Xuân Vương