Nỗ lực phát triển kinh tế

  • 13:23 | Thứ Bảy, 27/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Bố Trạch đã xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình của gia đình ông Nguyễn Tám (SN 1954), thôn 5, xã Lâm Trạch là một điển hình tiêu biểu.
 
Từng là Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm Trạch, vì vậy, ông Tám có nhiều kinh nghiệm phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình, nhất là về kỹ thuật, cách phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng.
 
Năm 2000, nhận thấy quê hương có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế theo mô hình vườn-ao-chuồng-rừng (VACR) kết hợp, ông Tám xin địa phương khai hoang diện tích đất xấu khó canh tác để lập nghiệp. Nhưng đến năm 2012, ông mới mạnh dạn vay vốn ưu đãi quyết tâm đầu tư mô hình trang trại theo hướng tổng hợp. 
Trang trại của gia đình ông Nguyễn Tám đã trù phú, xanh tươi.
Trang trại của gia đình ông Nguyễn Tám đã trù phú, xanh tươi.
Ban đầu, nguốn vốn còn hạn hẹp, ông tích cực đầu tư mô hình VACR với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Nhờ sự năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm và chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mô hình trang trại của gia đình ông ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực.
 
Hiện, mô hình VACR đã hình thành quy mô trên 2ha, trong đó, gia đình ông tập trung chăn nuôi gần 2.500 con vịt đẻ trứng, 200 gà nuôi lấy thịt, 17 con trâu, bò, 2 ao nuôi cá các loại và vườn trồng cỏ nuôi bò... Đặc biệt, hiện tại, gia đình ông đang sở hữu 10ha rừng trồng với 4ha thông khai thác để lấy nhựa và 6ha keo lai. Theo tính toán, cây keo lai là cây lâm nghiệp giá trị cao, bình quân 5 năm cho thu hoạch một lần và sau khi trừ mọi chi phí cho thu nhập từ 70-80 triệu đồng/ha. Còn cây thông cho nhựa khoảng 9 tháng/năm và có thể khai thác trong thời gian gần 20 năm, sau đó, khai thác gỗ để bán. 
 
Không dừng lại ở đó, khi đã có thu nhập ổn định, ông Tám tiếp tục đầu tư quy mô và bố trí mô hình trang trại hợp lý và khoa học hơn. Cụ thể, ông xây dựng chuồng trại kiên cố để chăn nuôi gia súc, gia cầm; đồng thời, để chủ động về con giống, ông đã đầu tư lò ấp trứng và nuôi từ 4-5 lợn giống nhằm hướng tới trang trại khép kín, bảo đảm dịch bệnh. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đến nay, trang trại của gia đình ông Tám cho thu nhập ổn định, khoảng hơn 1 tỷ đồng/năm.
 
Từ lợi nhuận thu được, ông đã có điều kiện hỗ trợ cho các con xây dựng nhà cửa khang trang và mua sắm các máy móc, thiết bị hiện đại làm dịch vụ nông nghiệp, lâm nghiệp cho bà con trong xã.
 
Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Tám cho biết, trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô và chất lượng cho trang trại, nhất là đối tượng chăn nuôi. Theo đó, ông sẽ phát triển đàn bò sinh sản, thử nghiệm nuôi lợn rừng, nuôi ong lấy mật… để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn.
 
Với nỗ lực vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Nguyễn Tám nhiều lần được các cấp Hội Nông dân tặng thưởng giấy khen, bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác cũng như trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”.
 
Theo anh Lê Văn Duẩn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm Trạch, những năm qua, Hội Nông dân xã luôn đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu. Trong đó, trang trại của ông Nguyễn Tám là một trong những mô hình phát triển kinh tế tổng hợp hiệu quả và bền vững của địa phương.
 
N.L