Doanh nghiệp du lịch Quảng Bình: Vượt qua "cơn bĩ cực"…

  • 12:51 | Thứ Sáu, 26/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại lớn bởi đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn lớn trên địa bàn tỉnh đã phải giảm đáng kể quy mô hoạt động, thậm chí, phải đóng cửa để bảo đảm an toàn. Trong "cơn bĩ cực” ấy, các doanh nghiệp vẫn phải “gồng mình” vượt khó để chờ những tín hiệu lạc quan hơn trong thời gian tới…
 
Nỗ lực vượt thách thức…
 
Bà Lê Năm, Giám đốc kinh doanh khách sạn cao cấp 5 sao Gold Coast Hotel Resort & Spa đã khái quát một cách cơ bản rằng: “Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều khách sạn lớn trên địa bàn tỉnh như chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn do không đón được khách và tổ chức các sự kiện lớn. Trước đây, hơn 140 phòng với sức chứa từ 300-500 khách của khách sạn lúc nào cũng kín chỗ. Đến nay, mọi thứ vẫn đìu hiu do dịch Covid-19… Doanh thu của doanh nghiệp cơ bản lỗ, nhưng chúng tôi vẫn duy trì việc làm cho 120 nhân viên…”.
 
“Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, khách sạn chúng tôi cơ bản được khách đặt kín chỗ, tuy nhiên, do bùng phát đợt dịch mới từ miền Bắc nên hầu hết khách đều hủy, tạm hoãn đặt phòng. Trong tháng 2-2021, chúng tôi cũng đã bị hủy 70-80% số phòng được đặt, các tháng tiếp theo ngừng giao dịch và hơn 1.000 khách đã hủy các sự kiện tổ chức tại khách sạn”, bà Năm cho biết.
Khách sạn Gold Coast Hotel Resort & Spa vắng khách do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Khách sạn Gold Coast Hotel Resort & Spa vắng khách do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc chuỗi khách sạn Phương Bắc, Thanh Phúc cho biết rằng: “Năm 2020, chúng tôi đã khai trương khách sạn Phương Bắc có quy mô 80 phòng. Vừa mới khai trương lại gặp phải làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19, nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, hàng tháng, chúng tôi phải chi phí từ 200-300 triệu để duy trì hoạt động và trả lương cho nhân viên…”.
 
Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm, các doanh nghiệp du lịch bị thất thu và chỉ biết vượt khó bằng nhiều phương thức khác nhau cùng với niềm hy vọng, mong sao cho dịch bệnh sớm bị đẩy lùi. Nếu trong đợt dịch đầu tiên, thứ hai, các doanh nghiệp còn cố gắng cầm cự bằng cách giảm giờ làm, cắt giảm nhân sự thì nay phải vận dụng thêm rất nhiều phương thức để có thể tồn tại và chờ những tín hiệu lạc quan hơn trong thời gian tới.
 
"Các doanh nghiệp du lịch mùa Covid-19 phải rất nỗ lực vượt khó!”, bà Đinh Thanh Loan, chủ nhà hàng Quê Nhà cho hay.
 
Trên thực tế, Nhà nước đã có những chính sách miễn giảm thuế, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ. Tuy nhiên, để cho doanh nghiệp du lịch tồn tại thì không chỉ nhờ vào các gói hỗ trợ của nhà nước mà điều quan trọng là cần có khách du lịch. Sự vắng bóng của du khách đã khiến không ít khách sạn, nhà hàng phải đóng cửa…
 
Chờ những tín hiệu lạc quan hơn…
 
Theo thông tin từ Sở Du lịch, toàn tỉnh hiện có 465 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó, có 3 khách sạn 5 sao; 6 khách sạn 4 sao; 11 khách sạn 3 sao; 17 khách sạn 2 sao; 14 khách sạn 1 sao và hệ thống các nhà nghỉ du lịch, homestay, farmstay với khoảng 6.000 buồng, 12.000 giường... Có 24 đơn vị lữ hành đăng ký hoạt động, trong đó có 15 đơn vị lữ hành quốc tế, 9 đơn vị lữ hành nội địa và nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách du lịch, thương mại, dịch vụ cũng tham gia hoạt động kinh doanh lữ hành với hình thức đại lý hoặc văn phòng đại diện.
 
Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cùng các cơ sở, cửa hàng cung cấp các sản phẩm phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch, trong đó, có 16 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch…
Khách sạn Wyndham Quang Binh Golf & Beach Resort đang dần hoàn thiện các hạng mục để chuẩn bị hoạt động vào tháng 6-2021.
Khách sạn Wyndham Quang Binh Golf & Beach Resort đang dần hoàn thiện các hạng mục để chuẩn bị hoạt động vào tháng 6-2021.
Những con số đó đã cho thấy số lượng các doanh nghiệp du lịch đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Sau tác động của những làn sóng dịch Covid-19 nối tiếp nhau, đa số các doanh nghiệp đã không còn nguồn lực để thực hiện tốt chương trình kích cầu du lịch, họ cần nhiều hơn nữa sự tiếp sức từ các ngành chức năng để có thể phục hồi.
 
Ông Phạm Tuấn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sabochi Tuệ Lâm cho biết: “Có thể nói, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong khó khăn, doanh nghiệp phải tự đổi mới, thay đổi chiến lược kinh doanh để thu hút khách đến với doanh nghiệp bằng uy tín và chất lượng”.
 
Cũng theo ông Hải, Công ty TNHH Sabochi Tuệ Lâm hiện có 65 nhân viên, năm 2020, công ty có doanh số 18 tỷ đồng với lợi nhuận đạt 2 tỷ đồng. Năm 2021, công ty vẫn theo chiến lược là chế biến các món ăn từ sâm Bố Chính, biến Sabochi thành chuỗi nhà hàng có uy tín, chất lượng với sản phẩm chủ chốt là sâm Bố Chính. Ngoài thưởng thức các món ăn, khách du lịch sẽ có sản vật sâm Bố Chính đem về làm quà cho người thân, bạn bè và những con số của công ty đã khẳng định được hướng đi đúng trong mùa Covid-19, là tín hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh…
 
Trao đổi về những khó khăn của doanh nghiệp du lịch trong đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng: "Rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lưu trú gặp rất nhiều khó khăn; lao động trong ngành du lịch mất việc làm khá lớn. Điều quan trọng nhất hiện nay là giúp cho doanh nghiệp du lịch tồn tại để họ giữ được lực lượng lao động. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải định hướng, tìm ra các giải pháp thích ứng trong mùa Covid-19 để sẵn sàng nắm bắt cơ hội trong thời gian tới.
                                                                                     Ngọc Hải