NHNN chi nhánh Quảng Bình: Năm 2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 48.243 tỷ đồng

  • 08:09 | Thứ Năm, 21/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chiều ngày 20-1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Bình tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đến dự có đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đồng chí Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ nhưng bằng việc thực hiện “mục tiêu kép” và triển khai kịp thời các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn nên vẫn duy trì tăng trưởng, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
 
Đến cuối năm 2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 48.243 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2019; trong đó tiền gửi dân cư chiếm 77,9% tổng nguồn vốn, tăng 10,2% so với năm 2019. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 59.816 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2019. Do diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid-19, trong năm 2020, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn 1.181 tỷ đồng, chiếm 1,97% tổng dư nợ, tăng 405 tỷ đồng so với năm 2019.
 
Để kịp thời hỗ trợ nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, NHNN chi nhánh Quảng Bình đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) điều chỉnh giảm lãi suất để hỗ trợ giảm chi phí vốn vay của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
 
Ngay sau khi xảy ra dịch bệnh, các TCTD trên địa bàn đã sử dụng nguồn lực tài chính, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đến cuối năm 2020, dư nợ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn là 22.075 tỷ đồng, chiếm 36,9%. Các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 911 khách hàng bị ảnh hưởng. Ngân hàng đã miễn giảm lãi cho 1.452 khách hàng; cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 10.178 khách hàng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho 38 doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc đối với 338 lao động, với số tiền cho vay 1,9 tỷ đồng.
 
Trong đợt mưa lũ đặc biệt kéo dài gây thiệt hại lớn về tài sản, đời sống và sản xuất của nhân dân, NHNN chi nhánh Quảng Bình đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thống kê, rà soát thiệt hại để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay khôi phục sản xuất.
 
Trong năm, các TCTD đã cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 3.120 khách hàng; miễn, giảm lãi vay cho 2.847 khách hàng, dư nợ 2.915 tỷ đồng; cho vay mới 5.698 khách hàng với số tiền vay mới 1.085 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được đổi mới về mô hình và gia tăng các dịch vụ thanh toán, quyết toán mới. Dịch vụ ATM, POS đáp ứng khá tốt nhu cầu giao dịch của khách hàng.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và nêu ra một số hạn chế, khó khăn trong công tác hoạt động, như: dịch bệnh Covid-19 đã làm gia tăng nợ xấu; việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; nợ xấu vay theo Nghị định 67 chiếm 100% dư nợ cho vay, chiếm 60,6% nợ xấu toàn địa bàn; ATM của một số ngân hàng chưa thông suốt 24/7; tín dụng đen giảm nhưng vẫn còn phổ biến...
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Mạnh Hùng đã biểu dương những kết quả, nỗ lực của NHNN chi nhánh Quảng Bình trong năm qua.
 
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời nhấn mạnh, bước sang năm 2021, NHNN chi nhánh Quảng Bình cần chỉ đạo các TCTD triển khai có hiệu quả giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng, tập trung xử lý nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn và phối hợp với các cơ quan nội chính trong việc xử lý đối với khách hàng chây ỳ; tăng cường công tác thanh tra, giám sát các TCTD trong việc tranh chấp hành pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; đối với TCTD cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng của các cấp; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2020-2025 và tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho khách hàng lợi ích việc thanh toán không dùng tiền mặt.
 
Đ.N