Năng lượng tái tạo tiềm năng rộng mở

  • 08:02 | Chủ Nhật, 17/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị, vùng đất Quảng Bình một thời “chang chang cồn cát” đang dần rộng mở thời cơ chờ đón nhà đầu tư với nhiều tiềm năng phát triển đa dạng năng lượng tái tạo. Trong tương lai, Quảng Bình sẽ trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước trong đó có năng lượng gió.
 
Vùng đất của năng lượng tái tạo
 
Thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 13-10-2020, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã ký ban hành Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quảng Bình.
 
Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2370/KH-UBND, ngày 29-12-2020 thực hiện Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây được xem là hai văn bản quan trọng tạo ra hành lang pháp lý an toàn, thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến nghiên cứu, khảo sát, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió trên địa bàn tỉnh.
Với địa thế biển rừng gần nhau, bờ biển dài, hệ thống giao thông “hội tụ” thuận lợi… Quảng Bình được đánh giá là “vùng đất vàng” phát triển năng lượng tái tạo, xu thế tương lai bao gồm điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ và vừa, điện sinh khối, điện chất thải rắn…
 
Hiện tại, tỉnh Quảng Bình đã và đang “trải thảm đỏ” thu hút nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu, đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo với nhiều chính sách ưu đãi (về thuế, đất đai...); hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phụ trợ và kinh phí đào tạo nguồn lao động chất lượng cao…
 
Về điện mặt trời, ngoài dự án Nhà máy điện mặt trời Dohwa-Lệ Thủy đang triển khai xây dựng, tỉnh Quảng Bình đề nghị với Bộ Công thương bổ sung Quy hoạch điện VIII thêm 11 dự án với tổng công suất 1.192MWp.
 
Về thủy điện nhỏ và vừa, chúng ta có 22 dự án với tổng công suất lắp máy 222,8MW, trong đó, thủy điện Hố Hô đã vận hành; 3 dự án được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch (Rào Chân, Khe Kích, La Trọng); các dự án UBND tỉnh phê duyệt và Bộ Công thương chấp thuận (Kim Hóa, Khe Rôn, Long Đại 5A, Long Đại 6, Rào Tràng 1, Rào Tràng 2, Lồ Ô, Ngã Hai, Khe Nét, Rào Trổ, Thượng Trạch, Kim Hóa 2); 6 dự án đề nghị bổ sung quy hoạch điện VIII (Bản Lòm, Hóa Thanh, Thanh Hóa, Long Đại 3A, Long Đại 5B, Sông Gianh).
 
Điện sinh khối, đề nghị bổ sung 2 dự án với tổng công suất 70MW. Điện chất thải rắn, ngoài hợp phần điện rác của Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam đang đưa vào vận hành thử nghiệm công suất 5,4MW, UBND tỉnh còn kêu gọi thêm 1 dự án điện rác từ 10MW đến 20MW nhằm giải quyết vấn đề rác thải trong tương lai.
Một trụ móng cột điện gió trên vùng đất
Một trụ móng cột điện gió trên vùng đất "chang chang cồn cát" đã thành hình hài.
Quá trình thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, trên địa bàn tỉnh đang triển khai một số công trình trọng điểm: cụm trang trại điện gió B&T do Công ty cổ phần điện gió B&T làm chủ đầu tư, công suất 252MW, tổng mức đầu tư 8.900 tỷ đồng. Dự án Nhà máy điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy, công suất 49,5MWp do Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa làm chủ đầu tư, tổng số vốn 55,6 triệu USD.
 
Hợp phần phát điện thuộc Nhà máy xử lý rác thải và phân bón khoáng hữu cơ, Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam thực hiện, công suất 5,4MW, tổng mức vốn 295 tỷ đồng. Dự án thu hồi nhiệt phát điện từ Nhà máy xi măng sông Gianh (công suất 7,5MW) và Nhà máy Clinker Văn Hóa (9,5MW) do Công ty cổ phần xi măng sông Gianh và Công ty cổ phần VLXD Việt Nam làm chủ đầu tư.
 
Ngoài các dự án kể trên, toàn tỉnh có trên 112 hộ gia đình và hơn 33 đơn vị, tổ chức lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất hơn 2,38MWp. Sản lượng điện thu được trong năm 2019 là 555MWh, 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1.231MWh.
 
Tiềm năng rộng mở cho điện gió
 
Theo đề án quy hoạch của Sở Công thương về phát triển điện gió đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035 trên cơ sở sử dụng bản đồ Atlas mật độ năng lượng gió tại độ cao 80m và 100m do Ngân hàng Thế giới lập cùng với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, tiềm năng phát triển điện gió bao quát trên một phạm vi rộng lớn bao gồm nhiều địa phương trong toàn tỉnh.
Ngày 21-8-2020, tại trụ sở Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương kết luận, đồng ý với định hướng quy hoạch, phát triển tỉnh Quảng Bình trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước…, trong đó, chú trọng đến các dự án sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nghiên cứu, bổ sung vào Quy hoạch điện VIII các dự án điện trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định, quy trình và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xem xét bổ sung các dự án điện sinh khối, điện rác và thủy điện nhỏ đủ điều kiện vào Quy hoạch điện VII.
 
Từ khảo sát thực tế, đề án quy hoạch phát triển điện gió chia làm 3 giai đoạn tương ứng với 3 tổng mức đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư tiềm năng tham gia xây dựng, cụ thể: đến năm 2020, công suất lắp đặt khoảng 330MW, vốn đầu tư 561 triệu USD; giai đoạn 2021-2025, công suất lắp đặt 422MW, nguồn vốn huy động 717,4 triệu USD và giai đoạn 2025-2030, công suất lắp đặt 300MW, nguồn vốn 510 triệu USD. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ giai đoạn quy hoạch điện gió khoảng 1.188,4 triệu USD.
 
Trên cơ sở đăng ký chủ trương nghiên cứu, khảo sát từ các nhà đầu tư, đến năm 2020 đã có 3 dự án triển khai gồm: điện gió Quảng Ninh tại 2 xã: Gia Ninh, Hải Ninh, công suất dự kiến đạt 100MW; điện gió Lệ Thủy tại 2 xã: Ngư Thủy, Sen Thủy, công suất 50MW; điện gió Minh Hóa thuộc xã Dân Hóa, công suất 180MW.
 
Giai đoạn 2021-2025, căn cứ trên tổng quy mô phân kỳ dự kiến phát triển từ các nhà đầu tư sẽ triển khai thêm 3 dự án với tổng công suất 422MW, gồm: điện gió Lệ Thủy 1 thuộc các xã: Ngư Thủy Bắc, Hồng Thủy, Cam Thủy, Thanh Thủy và một phần xã Hải Ninh (Quảng Ninh), công suất dự kiến 152MW; điện gió Lệ Thủy 3 thuộc các xã: Sen Thủy, Thái Thủy, tổng công suất 250MW; điện gió Minh Hóa thuộc xã Dân Hóa, công suất 120MW, nâng tổng công suất điện gió Minh Hóa trong hai giai đoạn lên 300MW.
 
Giai đoạn sau năm 2025, dự kiến thêm 3 dự án với tổng công suất 300MW, gồm: điện gió Lệ Thủy 3 tại các xã: Sen Thủy, Thái Thủy; điện gió Lệ Thủy 4 tại các xã: Hồng Thủy, Thanh Thủy, An Thủy, Phong Thủy, công suất 50MW; điện gió Lệ Thủy 5 thuộc các xã: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy, Hưng Thủy, công suất dự kiến 150MW.
 
Tiềm năng điện gió ở Quảng Bình rất phong phú, theo tính toán kỹ thuật có thể đạt trên 1.052MW. Việc xây dựng các dự án điện gió, đặc biệt là điện gió quy mô công nghiệp là một trong những nỗ lực của tỉnh nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, bảo vệ môi trường, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng bền vững.
 
Tỉnh Quảng Bình cam kết chủ trương “trải thảm đỏ” thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi về hỗ trợ đầu tư, như: ưu đãi về vốn, thuế, phí; hạ tầng đất đai; hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phụ trợ; ưu đãi cơ chế hỗ trợ mua điện từ các dự án điện gió; hỗ trợ giá điện đối với các dự án điện gió nối lưới…
 
Ngô Thanh Long