Mùa xuân của niềm tin và kỳ vọng

  • 07:29 | Chủ Nhật, 24/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chúng ta đang đi qua những ngày đầu của mùa xuân năm 2021, cũng là mùa xuân đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhìn lại những kết quả đạt được trên các lĩnh vực giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, chúng ta tự hào với nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đây chính là tiền đề quan trọng để Quảng Bình hoạch định chiến lược phát triển mới tương xứng với tiềm năng, thế mạnh riêng có của địa phương nhằm tạo sự đột phá, trở thành một tỉnh có nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung.
 
Dấu ấn một nhiệm kỳ
 
Hẳn chúng ta còn nhớ, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020, Quảng Bình đã phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng của sự cố môi trường biển và liên tiếp hai trận lũ lụt lớn xảy ra trong năm 2016, trận siêu bão lịch sử năm 2017; đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm và lũ lụt lịch sử cuối năm 2020 đã “kéo lùi” sự phát triển của tỉnh.
 
Mặc dù vậy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Bình đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
 
Dấu ấn nổi bật nhất trên lĩnh vực kinh tế mà Quảng Bình đạt được trong nhiệm kỳ qua là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 vẫn đạt 6,13%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ. Riêng năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,59%; công nghiệp và xây dựng 28,44%; dịch vụ chiếm 48,97%.
 
Không những thế, hướng chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh cũng đã được định hình rõ nét bằng việc phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch, dịch vụ, kinh tế biển. Hàng loạt khu kinh tế, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ và vùng kinh tế động lực cũng đã được tập trung đầu tư, từng bước phát huy hiệu quả. Đặc biệt, Phong Nha-Kẻ Bàng đã trở thành địa chỉ du lịch nổi tiếng đối với du khách trong nước và quốc tế.
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị một cách đồng bộ với tầm nhìn chiến lược dài hơi. Nhiều loại hình dịch vụ, du lịch nhờ vậy đã không ngừng phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 
Bằng chứng là các dự án hạ tầng thương mại, dịch vụ quy mô lớn đã và đang tiếp tục được đầu tư, như: siêu thị Co.opmart Quảng Bình, Trung tâm thương mại Vincom Plaza Đồng Hới và rất nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích có mặt ở hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố.
 
Mạng lưới cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng cao cấp mang thương hiệu quốc tế ngày càng phát triển. Nhờ vậy, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của tỉnh tăng bình quân 10,33%/năm.
 Diện mạo đô thị thành phố Đồng Hới ngày càng hiện đại.
Diện mạo đô thị thành phố Đồng Hới ngày càng hiện đại.
Có được thành quả trên là nhờ tỉnh đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư. Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh là hơn 93.000 tỷ đồng, con số đặc biệt ấn tượng đối với một địa phương còn nhiều khó khăn như Quảng Bình. Từ đây, hàng loạt công trình, dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản được đầu tư, đưa vào sử dụng, tạo sự kết nối liên hoàn phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
 
Một điểm nhấn quan trọng trong kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình nhiệm kỳ qua là số thu ngân sách luôn duy trì mức tăng khá, bình quân 17,4%. Riêng năm 2020, mặc dù ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh nhưng tỉnh vẫn thực hiện số thu ngân sách đạt gần 6.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương và tỉnh giao. Nếu tính cả nhiệm kỳ 2016-2020, số thu ngân sách của tỉnh là hơn 22.300 tỷ đồng.
 
Tạo sự khác biệt từ tiềm năng
 
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu đến năm 2030 Quảng Bình trở thành một tỉnh có nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Bởi chúng ta đã và đang có nhiều lợi thế, nhất là trên lĩnh vực du lịch, công nghiệp để biến tiềm năng thành sự khác biệt.
 
Không phải ngẫu nhiên mà tại hội nghị Xúc tiến đầu tư Quảng Bình năm 2021 vừa qua, tỉnh chủ trương kêu gọi đầu tư đối với 14 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và 12 dự án lĩnh vực du lịch.
 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh: “Tỉnh Quảng Bình đã cơ bản định hướng phát triển khá rõ với những đột phá chiến lược: du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm…Tỉnh Quảng Bình đã tích cực cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, ban hành các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ cho các nhà đầu tư..., xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư tại Quảng Bình”.
 
Việc ban hành các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII của tỉnh cũng đã cho thấy rõ tính hợp lý trong việc tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế mang tính dài hơi.
 
5 năm tới là khoảng thời gian mà tỉnh sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, như: công nghiệp điện, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, chế biến sâu sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên cơ sở khai thác tốt cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
 
Cùng với đó, tỉnh sẽ chú trọng phát triển các khu công nghiệp trọng điểm, như: Khu Kinh tế Hòn La, Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo gắn với hành lang Quốc lộ 12A; đồng thời, hoàn thiện và phát huy hiệu quả các khu công nghiệp khác.
 
Để làm được điều này, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp quy mô sản xuất lớn, thiết bị hiện đại và thân thiện với môi trường; phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14-14,5%/năm. Các nhà đầu tư sẽ được tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đầu tư, hợp tác và phát triển.
 
Đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh sẽ tạo sự khác biệt bằng việc tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, nơi được xem là “trái tim” của du lịch Quảng Bình. Dĩ nhiên, từ việc thu hút các nhà đầu tư uy tín, có khả năng tạo ra sản phẩm dịch vụ, nghỉ dưỡng, du lịch đẳng cấp khu vực, quốc tế, tỉnh sẽ bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ, phát huy các giá trị di sản.
 
Không chỉ tận dụng tiềm năng, thế mạnh sẵn có, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã và đang nỗ lực nâng cao trình độ ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp, phong cách ứng xử thân thiện, mến khách cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách.
 
Để tạo sự phong phú về các loại hình du lịch, trong tương lai không xa nữa, Quảng Bình sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, độc đáo, như: du lịch lễ hội, du lịch mùa đông, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch trên các dòng sông, du lịch biển…
 
Mục tiêu đến năm 2025, Quảng Bình sẽ thu hút 7-8 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10-20%, qua đó, tăng tỷ trọng đóng góp của du lịch vào tăng trưởng kinh tế. Thương hiệu du lịch Quảng Bình sẽ là điểm đến hấp dẫn, khác biệt trên bản đồ du lịch Việt Nam và thị trường du lịch thế giới.
 
Năm 2021, mùa xuân đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng ta tự hào với những kết quả đạt được và tin tưởng sâu sắc vào những đổi thay mang tính đột phá của tỉnh nhà, của đất nước trong tương lai không xa.
 
Nguyễn Hoàng