Các ngân hàng bảo đảm thanh khoản dịp cuối năm

  • 08:22 | Thứ Hai, 25/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời điểm cuối năm, nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng của người dân tăng mạnh, do đó, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
 
Nhằm tạo thuận tiện cho người dân, các ngân hàng đã không ngừng đẩy mạnh phát triển, ứng dụng phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của nền kinh tế, bảo đảm tính bảo mật cao, an toàn, thông suốt. Hạ tầng thanh toán của hệ thống ngân hàng đã được đầu tư và mở rộng cả về quy mô và chất lượng; đồng thời, các ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực thanh toán đã cho ra nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi, mang lại nhiều trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng.
 
Quảng Bình hiện có 14 chi nhánh, 64 phòng giao dịch ngân hàng thương mại, 2 điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng của Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT và 159 điểm giao dịch lưu động của Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngoài ra, các tổ chức tín dụng còn bố trí 114 máy ATM, 1.076 máy POS khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, qua đó, hỗ trợ tối đa nhu cầu thanh toán của người dân trong tỉnh.
 
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Bình, năm 2020, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt hơn 22.879 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2019; giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng 120% về số lượng và 144% về giá trị so với năm 2019.
 
Mặc dù thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh, nhưng dịp cuối năm lại là thời điểm nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp tăng đột biến. Theo đó, hầu hết người dân, doanh nghiệp đều có nhu cầu rút tiền mặt để chi tiêu và trả lương cho người lao động.
 
Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Bình cho hay, đơn vị đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cần có phương án tổ chức điều hòa, cung ứng tiền mặt bảo đảm chất lượng, số lượng, hợp lý về cơ cấu mệnh giá, an toàn tuyệt đối trong quá trình thu, chi và vận chuyển. Mặt khác, NHNN chi nhánh Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch về cung ứng tiền mặt, theo dõi sát diễn biến thu, chi tiền mặt trên địa bàn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá cho các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước; tăng cường chi các loại tiền mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng để bảo đảm đủ cơ cấu tiền trong lưu thông nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán của người dân.
 
NHNN chi nhánh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn xây dựng kế hoạch đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho khách hàng kể cả trước, trong và sau Tết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt phải khất hoãn chi trong giao dịch thanh toán. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ, theo dõi tồn quỹ và tiếp quỹ kịp thời cho ATM bảo đảm máy hoạt động 24/24h, chủ động xử lý kịp thời các tình huống xảy ra khi nhu cầu rút tiền lớn tập trung vào thời điểm trả lương, thưởng, nghỉ Tết...
 
Theo ông Nguyễn Minh Hiền, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Quảng Bình, vào dịp lễ, Tết, việc rút tiền qua ATM tăng đột biến, dẫn đến nhiều điểm ATM xảy ra tình trạng tắc nghẽn cục bộ hoặc hết tiền, trong khi thanh toán trên Internet và điện thoại di động thời điểm này cũng "chập chờn". Vì vậy, ngân hàng đã tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống thanh toán và ATM, bảo đảm luôn hoạt động an toàn và thông suốt.
 
Theo chỉ đạo của NHNN chi nhánh Quảng Bình, các ngân hàng cần có biện pháp phù hợp để giảm tải cho ATM tại các địa bàn thường quá tải; chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán...
 
Như vậy, dưới sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức tín dụng, khách hàng sẽ được cung ứng kịp thời, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt, nhu cầu thanh toán, kể cả trong trường hợp xảy ra đột biến.
 
Hiền Phương