Bộ Công Thương yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, thổi giá

  • 08:29 | Thứ Bảy, 30/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị trong trường hợp nhận thấy mất cân đối cung cầu phải xử lý ngay, theo phương châm “Khan hiếm nguồn cung phải giải quyết bằng nguồn cung.”
Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với công an kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với công an kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 với nhiều ca nhiễm mới, ngày 29-1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có cuộc họp khẩn với Tổng cục Quản lý thị trường để chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
 
Lãnh đạo ngành yêu cầu toàn lực lượng Quản lý thị trường thực hiện cao điểm phòng, chống dịch nhưng “không được lơ là các kế hoạch cao điểm khác,” bởi “đây cũng là cao điểm của nạn buôn lậu hoành hành.”
 
Theo dõi sát cung-cầu hàng hóa
 
Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường trong nước để theo dõi sát diễn biến của cung cầu hàng hóa. Trong trường hợp nhận thấy mất cân đối cung cầu phải xử lý ngay theo phương châm: “Khan hiếm nguồn cung phải giải quyết bằng nguồn cung."
 
Bên cạnh đó, ông An đề nghị lực lượng quản lý thị trường phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với các lực lượng chức năng khác trong địa phương như các đoàn liên ngành, lực lượng công an và chính quyền các địa phương để kiểm tra và xử lý các vụ việc.
 
Đối với các địa phương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh cần có hướng dẫn xử lý tang vật đối với các mặt hàng vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh theo tinh thần “đúng nguyên tắc nhưng phải chặt chẽ và khẩn trương.”
 
Bên cạnh đó, toàn lực lượng Quản lý thị trường phải nêu cao tinh thần phòng chống, xử lý nghiêm khắc, triệt để các hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và  các hành vi đầu cơ, găm hàng, thổi giá, thu lợi bất chính trên các mặt hàng phòng chống dịch bệnh.
 
Ông An cũng đặc biệt lưu tâm đến việc giữ an toàn cho kiểm soát viên thực hiện nhiệm vụ tại các vùng tâm dịch, theo đó ông nhấn mạnh: Không được để bất cứ kiểm soát viên nào nhiễm bệnh vì biến chủng mới của virus có tốc độ lây lan rất nhanh.
 
Ứng trực thường xuyên để phòng, chống dịch
 
Ngay sau cuộc họp, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đã nhanh chóng phát đi công văn hỏa tốc đến Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố để triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19. 
Thứ trưởng Đặng Hoàng An làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường về công tác phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Thứ trưởng Đặng Hoàng An làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường về công tác phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo đó, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trưởng các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Bắc chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết.
 
Cùng đó là tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh COVID-19.
 
“Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhưng lưu ý không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh,” đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho hay.
 
Lãnh đạo Tổng cục cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép, thực phẩm tươi sống nhằm góp phần ngăn chặn nguồn bệnh lây lan; đồng thời chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường để kịp thời ứng phó với các trường hợp khẩn cấp tại địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
 
Trong trường hợp xuất hiện dấu hiệu khan hiếm đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị vật tư y tế, dược phẩm, xăng dầu, gas,..., thì báo cáo Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 địa phương và Bộ Công Thương để chỉ đạo, giải quyết kịp thời.
 
Chỉ đạo lần này cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm công tác ứng trực thường xuyên trong thời gian diễn ra dịch bệnh (kể cả ngày nghỉ, lễ tết, ngoài giờ hành chính) để kịp thời cập nhật, báo cáo diễn biến, tình hình và xử lý các tình huống phát sinh trên địa bàn; tiếp tục duy trì Tổ thường trực phòng chống dịch do 1 lãnh đạo Cục làm Tổ trưởng là đầu mối liên lạc để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và báo cáo công tác phòng chống dịch.
 
Về xử lý tang vật tịch thu là khẩu trang y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu thực hiện theo công văn số 3913/BTC-QLCS ngày 3-4-2020 của Bộ Tài chính và công văn số 162/TCQLTT-THKHTC ngày 03-02-2020 của Tổng cục Quản lý thị trường về việc hướng dẫn xử lý hàng hóa trong thời gian phòng chống dịch bệnh.
 
“Các đơn vị Quản lý thị trường trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện phòng chống dịch để phục vụ cho công chức, người lao động bảo đảm an toàn trong quá trình thi hành nhiệm vụ,” lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường lưu ý thêm./.
Không khan hiếm hàng hóa tại Hải Dương, Quảng Ninh
 
Trước diễn biến của dịch bệnh, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, hàng hóa về cơ bản đầy đủ để phục vụ nhân dân trên địa bàn.
 
Đáng chú ý, không có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng, hàng hóa và giá cả trên các kệ hàng vẫn đầy đủ và phục vụ nhân dân, đảm bảo sẽ không có tình trạng thiếu hàng, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng.
 
Trong khi đó, tại Quảng Ninh, nguồn hàng trên thị trường trong tỉnh cơ bản vẫn ổn định, hàng hóa phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng.
 
Hệ thống siêu thị và doanh nghiệp thương mại, dịch vụ đang áp dụng các chương trình kích cầu khuyến mại với nhiều ưu đãi về giá, kích thích người tiêu dùng mua sắm. Đồng thời, phát triển hình thức bán hàng online để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, hạn chế việc tập trung đông người...
 
Sở Công Thương tỉnh cũng đã chủ động, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình cung cầu hàng hóa để có biện pháp phù hợp điều tiết thị trường, không để tình trạng găm hàng, khan hiếm hàng
Theo Đức Duy (Vietnam+)